“Hành trình xuyên Việt như một thứ gì đó gây nghiện, mà đã nghiện thì ăn sâu vào máu. Mỗi lần đứng trước khoảng trời rộng lớn, nếu có mây đen, giông bão kéo đến, đam mê đó trỗi dậy càng mãnh liệt” - Lê Anh Sơn (SN 1995, ở Thanh Hóa) bắt đầu câu chuyện về những chuyến đi bằng xe máy dài gần 3 tháng, trải qua hàng nghìn km dọc miền đất nước của anh như thế.
Được đặt tên là “Chuyến đi thanh xuân”, Sơn đặc biệt đầu tư cho những chuyến độc hành này. Dù là đi bụi nhưng không thể bạ đâu đi đó, đi theo kiểu hành xác bản thân, anh chàng bày tỏ quan điểm đi chơi thì nhất định phải có đủ điều kiện để chủ động hoàn toàn, để không phải bận tâm hay lo lắng quá nhiều về chuyện thiếu tiền, hỏng xe hay vô vàn những thứ không tên khác.
Do hành trình khá dài nên Sơn luôn cố gắng đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Mệt đâu nghỉ đó. Anh cũng thường chọn điểm có cảnh đẹp để dừng chân, vừa nghỉ vừa ngắm cảnh.
Như một thói quen, trên những cung đường đi qua, Sơn thường lấy máy ảnh, flycam để ghi lại khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy. Sau đó lật viết vội vài dòng cảm xúc, vì sợ quên, vì sợ khoảnh khắc ấy trôi qua không níu lại được.
Trên hành trình trải khắp dải đất hình chữ S, nhiều điểm dừng chân khiến chàng trai nao lòng bởi vẻ đẹp của đất nước ta. Một trong số đó là “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam (gồm Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ). Sơn cho biết, trước khi đi đã từng đọc và nghe nhiều về vẻ đẹp nơi đây. Nhưng có đi qua mới biết được sự hùng vĩ của thiên nhiên đến thế nào.
Hay lần ghé thăm vĩ tuyến 17 và Thành cổ Quảng Trị, Sơn được nghe về lịch sử vùng đất anh hùng này, nơi đã chịu quá nhiều tổn thất. Chiến tranh kết thúc nhưng di chứng của nó vẫn còn nguyên đây. Qua vùng đất này, Sơn chứng kiến có rất nhiều thương binh, họ khiếm khuyết một hoặc nhiều phần thân thể nhưng họ đã vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục xây dựng gia đình, quê hương.
Với Sơn, hành trình xuyên Việt cũng là những ngày thư giãn không cần lo nghĩ gì về công việc hay áp lực công việc. Anh cho rằng nếu tuổi trẻ không có những chuyến đi thế này thì chắc chắn sẽ thật buồn chán và tẻ nhạt.
Cả trước và trong chuyến đi, chưa giây phút nào Sơn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, chán nản hay mệt mỏi. Càng không bao giờ có ý nghĩ hối hận hay muốn quay đầu về sớm. “Bởi đơn giản mình đã quá mong mỏi chuyến đi này, quá yêu chiếc xe mình đang chạy, quá yêu con đường mình đang đi, quá khao khát được rong ruổi”, Sơn nói.
Anh chàng chia sẻ, sau mối chuyến đi, anh thưởng thức được nhiều món ngon, học thêm được rất nhiều điều, về nếp sống, văn hóa, phong tục của những vùng miền khác nhau. Tuy nhiên đó chưa phải là đích đến thực sự. Với tất cả những ai mang trong mình “dòng máu mê xê dịch”, họ đều có chung một suy nghĩ: Đi là để trở về. Và đích đến thực sự chính là gia đình.
"Tối hôm ấy, ngồi ăn cơm mẹ nấu, dù ăn bao nhiêu đặc sản dọc miền đất nước nhưng không gì bằng cơm của mẹ. Dù đạm bạc nhưng có mẹ ngồi bên kể những chuyện xung quanh nhà, thật sự là niềm vui bình dị…", Lê Anh Sơn chia sẻ.
Một số khoảnh khắc lưu giữ lại "Chuyến đi thanh xuân" của chàng trai trẻ Lê Anh Sơn:
Bình luận