Kho gỗ quý trị giá hàng tỷ đồng bên trong “sào huyệt”
Nguyễn Thanh Tuân (SN 1983) trú tại thôn Lặt, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, , TP. Hà Nội là đối tượng có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Sau một thời gian dài trốn nã, Nguyễn Thanh Tuân bỏ trốn về thủ phủ ma túy Tây Bắc – Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) và quyết định chọn địa điểm đặt “đại bản doanh” tại bản Tà Dê – một trong 11 thôn bản của Lóng Luông. Kết hợp với Tuân là Nguyễn Văn Thuận (SN 1984, tức Thuận Chuột), quê ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam – đối tượng có 2 lệnh truy nã của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh và cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La. Tại Tà Dê, 2 đối tượng này đã tạo dựng uy tín “anh chị”, thâu tóm nhiều đường dây mua bán ma túy từ nước ngoài.
Tuân và Thuận thuê lại ngôi nhà của một người dân trong bản Tà Dê. Trong 5 năm từ năm 2013 đến thời điểm bị bao vây tiêu diệt, Tuân cùng tay chân, đàn em của mình đã biến ngôi nhà này thành một “boong ke” trú ngụ an toàn “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Vòng ngoài cùng của ngôi nhà, Tuân xây dựng một hệ thống tường bao cao trên 2 mét. Bên trong gồm nhiều ngôi nhà khác nhau, mỗi ngôi nhà có 4 – 5 phòng. Trong số đó, có một ngôi nhà mái bằng, tường bê-tông dày hàng mét đủ để chống lại những trận mưa đạn. Có lẽ, Tuân và đồng bọn đã lường tới tình huống sẽ có ngày bị bao vây, tấn công bởi lực lượng công an. Ngoài ra, có một chiếc hầm bí mật ở phía sau nhà, được đổ bê-tông làm nơi ẩn náu đề phòng những tình huống khẩn cấp. Bên ngoài nhà, cửa lúc nào cũng khóa kín, có người ôm súng trực 24/24. Tuân còn thiết kế hệ thống camera, tích trữ gas, xăng, vũ khí để tự vệ.
Nguyễn Văn Thuận lấy tên khác là Sồng A Trang để dễ bề che mắt dân bản. Sau đó, chúng lôi kéo các đối tượng truy nã, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy đến trông coi, bảo vệ tạo thành đường dây mua bán ma túy. Nhà của Nguyễn Thanh Tuân thường xuyên có 14 đối tượng, nhà Nguyễn Văn Thuận thường xuyên có 3 đối tượng. Đã có thời điểm, đàn em của Tuân – Thuận bồng súng đi lại trong bản nghênh ngang giữa ban ngày. Bất kỳ người lạ nào vào bản hay có biểu hiện khác lạ, Tuân – Thuận sẵn sàng nổ súng!
Sau gần 3 ngày đấu súng nghẹt thở với những đối tượng ngoan cố cố thủ trong nhà, chiều 29/6, 4 đối tượng đã bị lực lượng công an tiêu diệt, 3 đối tượng ra đầu thú. Ngày 30/6, công tác giám định hiện trường đã được tiến hành. Theo kiểm đếm, Tuân – Thuận tàng trữ, cất giữ số lượng súng ống, đạn dược lớn gồm: 49 khẩu súng quân dụng các loại, 17 quả lựu đạn, 29 ống giảm thanh và ống ngắm, 31 hộp tiếp đạn các loại bên trong chứa đầy đạn, hơn 7000 viên đạn các loại, 2 ống nhòm. Ngoài ra, nhiều vật chứng khác có liên quan được lực lượng chức năng thống kê. Đó là những vật dụng, tài sản thể hiện “thú chơi”, thú tiêu khiển của Nguyễn Thanh Tuân.
“Ông trùm” Nguyễn Thanh Tuân có vẻ rất mê gỗ. Căn nhà lớn của Nguyễn Thanh Tuân có rất nhiều đồ gỗ các loại. Đối tượng dùng gỗ để lát trần, sàn và tường nhà. Trong mỗi một ngôi nhà đều có một bộ sập kích thước lớn, dày chừng 20 – 30cm, dài khoảng hơn 3m, rộng hơn 2 mét. Một số bộ sập lớn khác đang trong quá trình chế tác gần hoàn thiện. Nhiều bình hoa, tượng gỗ được sử dụng làm đồ trang trí. Trong quá trình bao vây, tấn công nhà Tuân khiến 2 bộ sập gỗ của Tuân bị cháy. Ngày 1/7, kiểm lâm huyện Vân Hồ đã điều động xe cẩu đến để đưa những bộ sập còn lại về trụ sở kiểm lâm huyện phục vụ công tác điều tra, xử lý về sau.
Tại khu nhà chính, một kho gỗ lớn được cất trữ gồm những tấm gỗ đã xẻ chất thành đống. Gỗ cũng được cất giấu trong nhà, sau nhà, ngoài sân, gài trong cả khe đá ở khu vực giữa nhà chính và công trình phụ. Tại khu vực phía sau nhà, một kho gỗ khổng lồ gồm những gốc cây quý như gù hương, bách xanh. Ước chừng có tới hàng trăm gốc gù hương được tập trung tại đây, mỗi cục gù đường kính lên tới hàng mét, nặng hàng tấn.
Chỉ đạo tại hiện trường, Chi cục phó chi cục kiểm lâm huyện Vân Hồ – Đào Duy Tân cho hay, từ ngày 30/6, kiểm lâm đã thuê xe đưa gỗ về trụ sở kiểm lâm huyện, hàng chục xe đã được đưa đi mà vẫn chưa hết gỗ. Trỏ tay vào những bao tải mùn cưa vứt xung quanh nhà, ngổn ngang giữa đống hoang tàn, đổ nát, ông Tân cho hay, gù hương, bách xanh chế tác thành đồ mỹ nghệ, mùn cưa thì được sử dụng làm nguyên liệu làm hương. Giá trị của những kho gỗ mà trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân cất trữ tại đây lên tới hàng tỷ đồng.
Điều khiến người ta khó hiểu là với địa hình đường núi hiểm trở, bằng cách nào Tuân đưa hàng chục m3 gỗ, hàng trăm gốc gù hương khổng lồ, nhiều bộ sập quý với kích thước lớn về được bản Tà Dê để phục vụ cho thú chơi của mình? Thứ hai, có vẻ như chính bản thân Tuân và đàn em là những người tự chế tác đồ gỗ. Bằng chứng là hàng trăm bao tải mùn cưa chất quanh nhà.
Giữa đống đổ nát ngổn ngang do toàn bộ bản doanh của Nguyễn Thanh Tuân đã được phá dỡ, san phẳng trong ngày 30/6, những ai bước chân vào bên trong khu vực này dễ dàng nhận thấy mùi rượu ngô vương khắp nơi. Đó là 3 chiếc thùng phuy lớn chứa ngô hạt, được ủ lên men để làm rượu ngô. Nhiều vò rượu gạo lên men theo kiểu trực tiếp được cất giữ dưới gầm những bộ sập gỗ kê cao. Nhiều chậu hoa, cây cảnh… được bày xung quanh nhà. Bên nách trái của ngôi nhà, trong một khe núi, một bệ thờ khá uy nghi được xây dựng đẹp đẽ, có cây hương đúc sẵn bên trên, bên trong là một bát hương sạch sẽ, tươm tất chứng tỏ được lau chùi, dọn dẹp thường xuyên. Dù không có tượng thờ, nhưng bệ thờ đó chứng tỏ trùm ma túy Tây Bắc Nguyễn Thanh Tuân cũng không phải kẻ vô thần.
Gặp chủ tịch xã 5 năm đối mặt với hai trùm ma túy khét tiếng nhất Tây Bắc
Chủ tịch xã Lóng Luông Tếnh A Chìa cho hay, xã có 90% người dân làm nông nghiệp. Thu nhập bình quân thấp nhất toàn huyện, năm 2017 là 14 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 34%. Tại bản Tà Dê có hơn 10 hộ nghèo. Tếnh A Chìa sinh năm 1979, làm chủ tịch xã Lóng Luông từ năm 2010, đến nay được 8 năm. Trong nhiệm kỳ của anh, có tới 5 năm liền 2 trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận chọn bản Tà Dê làm nơi trú ngụ. Bản thân anh chưa từng gặp Tuân và Thuận nhưng bà con dân bản cho biết, hai trùm ma túy này vẫn giao tiếp với dân bản, vẫn đến ăn tiệc đặt tên của một nhà dân trong bản Tà Dê.
Là người đứng đầu xã Lóng Luông, có bản Tà Dê là “đại bản doanh” của 2 trùm ma túy, Chủ tịch xã Tếnh A Chìa đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhiều lần nhận được tin nhắn, điện thoại dọa giết. “Khoảng năm 2013, bà con bản Tà Dê báo lên xã về việc có người lạ đến cư trú ở bản. Họ thuê nhà của một người dân trong bản để mở quán bán hàng. Nhận được tin báo, tôi lên Tà Dê để kiểm tra thực tế, rồi yêu cầu những người này (Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận) xuất trình giấy tờ, đăng ký tạm trú theo đúng quy định nhưng những người này đều bất hợp tác. Qua kiểm tra, khu đất mà người này mua để làm nhà là của ông Sồng A Của – một người dân trong bản Tà Dê. Tuy nhiên, kiểm tra trong hồ sơ địa chính thì đất này là đất nông nghiệp, chưa được cấp bìa, do hộ ông Của khai hoang từ trước.
Xã Lóng Luông là điểm nóng về ma túy từ rất lâu, lại ở rốn ma túy tiếp giáp với Hang Kia, Pà Cò (tỉnh Hòa Bình), gần với đường biên với Lào nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy thường sử dụng cung đường này. Thời điểm năm 2013, số lượng con nghiện ở Lóng Luông vẫn rất nhiều. Hiện tại, toàn xã vẫn có hơn 100 con nghiện; 28 đối tượng trốn truy nã trong đó có 18 người có hộ khẩu ở địa phương, 10 người ở nơi khác đến. Chính vì thế, việc quản lý nhân khẩu địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, không để con em Lóng Luông bị lôi cuốn vào vòng xoáy ma túy là nhiệm vụ hàng đầu. Một người lạ đến địa phương cư trú, lại không tuân thủ quy định địa phương, rõ ràng là rất có vấn đề” – Chủ tịch xã Tếnh A Chìa nói.
Những ngày sau đó, rồi ròng rã 5 năm tiếp theo, Tếnh A Chìa kiên trì vận động, thuyết phục, sử dụng cả biện pháp cứng rắn yêu cầu đối tượng Tuân, Thuận rời khỏi bản Tà Dê do không tuân thủ quy định của địa phương, có hành vi buôn bán ma túy… “Những thông báo, thư yêu cầu ra khỏi địa bàn gửi tới đối tượng đều là do mình ký, mình gửi cho chúng nó nên chúng biết hết họ tên mình, rồi chúng cũng tìm hiểu về gia đình nhà mình ở đâu, có mấy con… Nhiều lần có tin nhắn gửi tới điện thoại của mình với nội dung: “Mày có muốn chết không?”, hoặc cuộc gọi từ một số lạ, khi nghe thì cũng chỉ có mỗi một câu như vậy rồi cúp máy”, vị chủ tịch xã nhớ lại.
A Chìa kể tiếp: “Lên bản Tà Dê không ngại, vì toàn đồng bào của mình, chỉ ngại những đối tượng đó thôi. Chúng xây nhà kín cổng cao tường, cửa suốt ngày đóng im ỉm, không cách nào vào được. Thời điểm năm 2017, xã làm con đường vào Tà Dê, đi qua nhà Tuân. Vì vướng cây đa mà phải mở rộng đường nên chúng tôi thông báo về việc dịch bức tường nhà Tuân để làm đường. Một số đàn em của Tuân mang súng AK ra dọa, không cho làm đường. Nhưng sau đó, chúng làm một bức tường khác bên trong, rồi đập bỏ phần tường cũ vướng con đường”.
Theo Chủ tịch xã Lóng Luông, năm 2017 – thời điểm Tuân và đám đàn em “lộng hành” nhất, chúng vác súng AK đi lại nghênh ngang trong bản. “Một lần mình đi xe máy qua Tà Dê, đến đỉnh dốc thì gặp đàn em của Tuân vác hẳn 2 khẩu súng AK. Lúc ấy, mình phải dừng lại, bỏ mũ bảo hiểm ra rồi quay lại cười với nó, hỏi: “Anh đi đâu đấy?”. Người kia bảo: “Đi bắn chim thôi”. Mình phải nói chuyện với nó để nó biết mình, không nó tưởng người lạ, nó sẵn sàng nã đạn thì cũng rất nguy hiểm” – anh Chìa nhớ lại.
Chiều 30/6, “đại bản doanh” của Nguyễn Thanh Tuân đã được san phẳng. “Khi đồng chí Phùng Tiến Triển, PGĐ Công an tỉnh Sơn La nói với tôi và anh bí thư xã: “Bây giờ các anh yên tâm nhé. Hai đối tượng nguy hiểm nhất của địa phương đã được giải quyết” thì mình cũng nhẹ người đi, rất yên tâm” – Tếnh A Chìa chia sẻ.
Anh Chìa phấn khởi: “Huyện chủ trương giao cho xã quản lý khu đất đó (đại bản doanh của hai trùm ma túy – PV). Tới đây, xã chủ trương tổ chức họp bà con hai bản Tà Dê, Lũng Xá để thông tin cho bà con chủ trương, tình hình sau sự việc vừa rồi. Trước mắt có nhiều việc phải làm. Huyện hỗ trợ cho bà con mỗi hộ 30 cây bơ giống để bà con làm kinh tế”.
Cũng theo Chủ tịch xã Tếnh A Chìa, thời điểm năm 1993 – 1994, sau khi tỉnh thực hiện chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện trên toàn tỉnh, hai bản Tà Dê, Lũng Xã đã trồng cây ăn quả, chủ yếu là mận, đào. Đào mận ở Tà Dê, Lũng Xá ngon nhất huyện, vì khí hậu, đất đai trong đó rất hợp. Các bản khác còn vào Tà Dê mua đào, mận về làm giống.
Chuyên án 279 “hạ nhiệt” rốn ma túy Lóng Luông
Trước khi mở “trận đánh lớn” tiêu diệt ổ ma túy Tà Dê, 4 năm trước, Sơn La đã thành lập chuyên án 279-LL để “hạ nhiệt” rốn ma túy này. Sau hơn 3 năm, với 9 giai đoạn thực hiện chuyên án số 279-LL, đấu tranh với nhóm các đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy qua tuyến biên giới Việt – Lào vào địa bàn xã Lóng Luông, chuyên án đã thu giữ 498 bánh heroin, hơn 35.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều súng, đạn….
Sơn La có đến 250km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Luông Pha Băng và Hủa Phăn của Lào. Địa hình núi cao hiểm trở, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già với hơn trăm con đường mòn, tiểu ngạch đã khiến tuyến biên giới Tây Bắc trở thành vùng đất “vàng” cho các đối tượng vận chuyển ma túy. Từ năm 2010 đến năm 2014, Công an tỉnh Sơn La phát hiện trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào tại địa bàn huyện Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La) thường xuyên xuất hiện những toán, nhóm đối tượng người Mông mang quốc tịch Lào thâm nhập trái phép vào Việt Nam để mua bán ma túy.
Hoạt động của các toán vận chuyển ma túy có vũ trang rất manh động và liều lĩnh. Chúng sẵn sàng mua chuộc, lôi kéo, khống chế một số nhân dân khu vực biên giới tham gia vận chuyển ma túy, gây bức xúc dư luận xã hội. Các nhóm này từ 5-7 người, có nhóm từ 10-40 người được tổ chức khá “chuyên nghiệp”, có phân công cụ thể như đứa gùi hàng, đứa làm hoa tiêu dẫn đường, đứa chặn hậu… Đặc biệt, tất cả các đối tượng đều mang theo vũ khí nóng như súng AK, CKC, Các-bin, súng ngắn K54, K59, lựu đạn… sẵn sàng nổ súng vào lực lượng truy bắt.
Tháng 6/2014, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã thống nhất với Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy quyết định thành lập Ban chuyên án 279-LL, đấu tranh với các toán, nhóm có vũ trang mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Hàng trăm trinh sát của Công an tỉnh Sơn La (gồm Phòng Tham mưu, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an huyện Mộc Châu, Công an huyện Vân Hồ…), Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Cảnh sát cơ động… được bố trí thành nhiều tổ công tác, tiến hành thực hiện một loạt các biện pháp nghiệp vụ liên hoàn nhằm thu thập các tài liệu chứng cứ cũng như các mối quan hệ của những đối tượng cầm đầu trong ổ nhóm. Ban chuyên án cũng tiến hành nhiều chuyến khảo sát thực địa, tổ chức thực tập, từ đó xây dựng và lên kế hoạch tấn công, truy bắt nhóm đối tượng vận chuyển ma túy.
Ngày 26/10/2017, Tổng cục Cảnh sát (BCA) và Công an tỉnh Sơn La đã tổng kết Chuyên án 279-LL đấu tranh với các toán, nhóm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có vũ trang từ biên giới vào Việt Nam qua địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Có thể nói, chuyên án 279–LL là một trong những kế hoạch để nhổ bỏ những mắt xích trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Cuộc vây ráp, tiêu diệt các đối tượng Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận trong các ngày 27 – 29/6 vừa qua là bước cuối cùng của cuộc chiến chống ma túy chưa bao giờ dừng lại. Đại tá Phùng Tiến Triển, PGĐ Công an tỉnh Sơn La cho biết, so với các trận đánh trong chuyên án 279-LL, cuộc vây bắt, tiêu diệt các đối tượng trùm ma túy tại Tà Dê là một trận đánh “khủng khiếp” hơn rất nhiều.
Video: Cận cảnh kho vũ khí nóng của trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân
Bình luận