• Zalo

Chuột nướng, chuột xào và đặc sản chuột treo gác bếp

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 26/12/2011 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.

(VTC News) - Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.

Như đã nói ở kỳ trước, người La Chí (Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang) cúng Thần Rắn trong rừng cấm bằng các món thịt chuột, trong đó, không thể thiếu món tiết canh chuột.

Bảo vệ rừng cấm

Sau hai ngày cúng bái, khi các thủ tục cúng Thần Rắn đã xong, hai ông Pô mìa nha (thầy cúng) thay mặt dân bản thề với Thần Rắn rằng, người La Chí sẽ không xâm phạm đến rừng cấm.

Người La Chí tin rằng, linh hồn tổ tiên mình đều đã về rừng cấm, ngự trên những cây đa và nghị sự với Thần Rắn tìm cách phù hộ cho đất nước, cho bản làng, cho gia đình.

Học sinh La Chí ở Bản Phùng. 

Cũng chính vì niềm tin như thế, nên họ cực kỳ tôn trọng rừng cấm. Họ không bao giờ tự tiện bước chân vào rừng cấm, chứ đừng nói đến chuyện lấy một cành củi, một cây măng. Thậm chí, người La Chí đứng cách rừng cấm một trăm mét cũng không dám nói to, cười đùa, chửi bậy, vì sợ kinh động đến tổ tiên và các vị thần linh.

Buổi tối cuối cùng của lễ cúng Thần Rắn, các gia đình cùng ăn uống trong rừng, vui chơi, chúc rượu nhau. Tan lễ cúng, mỗi người một ngả về nhà. Mỗi ngả đường về bản đều có người đứng gác, không để ai mang bất cứ thứ gì của rừng về. Mâm lễ thịt chuột cũng được để lại trong rừng để Thần Rắn hưởng.

Cứ sau lễ cúng, rừng cấm lại biến thành chốn cực kỳ thâm nghiêm. Ai xâm phạm rừng cấm, dù không bị thần linh quở phạt, cũng sẽ bị dân bản xử phạt rất nghiêm bằng gà, lợn, trâu bò.

Với người La Chí nơi đây, rừng cấm là thiêng liêng tuyệt đối. Mọi cám dỗ vật chất cũng không lay động được niềm tin của họ vào những vị thần ngự trị trong rừng.

Niềm tin này, đối với những người hiện đại chúng ta, đầu óc có thể đầy chữ, nhưng bụng đầy lòng tham thì không những không hiểu nổi, có khi lại còn cho là mù quáng, dị đoan.

Đền thờ Thần Rắn của người La Chí trong rừng cấm. 

Sợ Thần Rắn ngự trong rừng dẫn đến bảo vệ rừng và rừng không những bảo hộ cuộc sống đồng bào mà còn bảo hộ cả trái đất này. Cái triết lý đó rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu nghiệm.

Tôi đã đi rừng khá nhiều, nhưng ít khi thấy ở đâu nhiều cây to, cây lạ như khu rừng cấm linh thiêng huyền bí của người La Chí trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Cả một khu rừng cổ thụ rộng hàng ngàn héc-ta. Những thân cây to mấy người ôm. Cây nghiến cao đến nỗi, ngửa cổ nhìn mỏi mắt mới thấy tán nó lẫn trong mây mờ.

Điều đặc biệt là có cả cây ngọc am to cao sừng sững mọc trong rừng. Những cây ngọc am này nếu mọc ở khu rừng khác thì đã được định giá bạc tỷ rồi.

Điều kỳ lạ nhất là lõi khu rừng cấm này chủ yếu là 2 thứ cây, gồm đa và một loài cây dây leo mà ông Vương Đức Sinh bảo nó là loại thuốc cường dương cực quý. Những cây đa to cả chục người ôm mới xuể, tán lá lòa xòa rộng mênh mông, che kín cả một vạt núi. Có những cây mà hõm, hốc của nó đủ để vừa một cái ô tô.

Mẹ con La Chí ở bản Lủng Cẩu (Bản Phùng). 

Đặc sản chuột khô

Con chuột ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn trong rừng cấm Me Meo, thì nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí.

Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.

Không biết truyền thuyết về Thần Rắn có thật hay không, nó có từ bao giờ, nhưng có một điều lạ là người La Chí, cả đàn ông lẫn đàn bà, người già, người trẻ đều rất sợ rắn. Họ sợ bất kỳ một loại rắn gì, sợ cả những ông thầy mo trông giữ các loại ma rắn.

Ở bản La Chí, được ngồi bên bếp lửa, nướng chuột ăn nóng thì thật tuyệt vời. (Ảnh chụp gia đình La Chí ở bản Lủng Cẩu). 

Chính vì họ sợ rắn, nên trong các lễ cúng, đều có món thịt chuột để mời Thần Rắn về hưởng lộc, rồi đừng cắn người và làm cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no.  

Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được người La Chí coi là món ăn hàng ngày, như người Kinh ăn thịt lợn, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng.

Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng ngàn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, thì chuột khô chính là đặc sản của người La Chí

Vặt lông chuột. 

Như là bản năng sẵn có, phụ nữ La Chí rất giỏi bắt ngóe còn đàn ông La Chí cực giỏi săn chuột.

Vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, phụ nữ La Chí kéo nhau thành nhóm đi dọc các thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở Hoàng Su Phì săn ngóe, vì mùa này ngóe sinh sôi rất nhiều. Ngóe nướng cũng là món đặc sản của người La Chí.

Đến mùa lúa chín, đàn ông kéo nhau đi săn chuột ở khắp huyện. Mùa gặt kết thúc, chuột đồng hết chỗ ẩn nấp, trốn vào rừng, họ lại tiếp tục vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít.

Món chuột được đồng bào La Chí chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 món, gồm nướng và treo gác bếp.

Chuột nướng, chuột xào và đặc biệt món chuột khô là đặc sản của người La Chí. 

Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên từ đít lên đầu đem thui với rơm nếp cho vàng ruộm, rồi mổ bụng, lột bỏ nội tạng, rửa sạch, sau đó xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác. Nếu ăn nướng thì kẹp que nướng trên than củi ở bếp giữa nhà cho chín rồi ăn luôn.

Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể thì đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần.

Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần.

Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.

Thịt chuột khô có thể vùi tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hoặc đem ngâm nước sôi cho nở ra, sau đó ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Đây là món khoái khẩu của người La Chí.

Món chuột nướng béo ngậy, hấp dẫn. 

Mùa gặt lúa, chuột đồng bắt được nhiều, già trẻ, trai gái cùng ngồi nướng và ăn bên bếp lửa giữa nhà.

Tôi đã từng được ngồi nhậu với thanh niên La Chí món chuột nướng một lần. Họ xâu mỗi con chuột vào một que, rồi gác cách than nóng chừng gang tay. Cứ con nào chín là nhấc ra chén luôn.

Ăn chuột nướng khi còn nóng hôi hổi như vậy ngon lắm. Vừa bùi, vừa ngậy, béo, lại có vị cay cay, thơm thơm của tiêu rừng và thảo quả. Cắn một miếng, ngấm tận chân răng. Ướp chuột với những loại gia vị trên, tuyệt đối không còn mùi tanh, hôi của giống chuột.

Ngồi bên bếp lửa hồng, giữa cảnh núi rừng hoang rậm, ăn thịt chuột và uống rượu bằng sừng trâu có cảm giác rất thi vị, gợi về một thuở hồng hoang.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy khẳng định, người La Chí định cư ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần của Hà Giang rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này. Còn nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay…”. 

Trần Bình Thủy
Bình luận
vtcnews.vn