1. Lần thứ hai mùa này, V-League phải hoãn do COVID-19. Trên thế giới, hiếm có giải nào phải gián đoạn hai lần để tránh dịch. Tiền lệ chưa từng có trong lịch sử đặt cho giải đấu thách thức quá lớn, khiến nên cả hệ thống bóng đá Việt không thể áp dụng chủ nghĩa kinh nghiệm hay viện cầu quá khứ để giải quyết vấn đề.
Mọi đường đi nước bước của V-League trên bàn cờ hôm nay sẽ trở thành tiền lệ cho mai sau. Trong cuộc chơi đầy phức tạp ấy, cái được và cái mất của việc hoãn hay dừng V-League vẫn được VFF, VPF, ban điều hành giải hay các CLB đem ra mổ xẻ. Mỗi bên đều có cái lý, và thường đứng về quyền lợi của mình trước tiên.
Không phải ngẫu nhiên, ban tổ chức Ngoại hạng Anh phải họp hàng chục cuộc, qua hàng trăm lần tranh cãi để cho ra kết luận tiếp tục tổ chức giải. Tương tự với Serie A, Bundesliga hay LaLiga. Quyết định tiếp tục hay nghỉ không phải "chuyện nói chơi". Sinh kế của hàng chục nghìn gia đình đặt cả vào đó.
Khả năng vận hành của nền bóng đá dựa cả vào đó. Một mùa giải không hoàn chỉnh sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường, để lại di chứng cho bóng đá Việt trong nhiều năm nữa.
2. Điểm chung của các CLB gửi công văn đề nghị dừng giải, trao chức vô địch cho đội Sài Gòn và không có đội xuống hạng là gì? Đó đều là những đội đang vất vả trong vòng xoáy trụ hạng.
SLNA, Quảng Nam, Nam Định hay Thanh Hóa chưa chắc suất xuống hạng, nhưng khó tránh khỏi viễn cảnh khó khăn lượt về. Cuộc đua của 6 đội cuối bảng là cuộc đua mà thắng cũng không vẻ vang, còn thua là vực thẳm.
Nhưng đằng sau những công văn xin hủy giải giống nhau như những bài văn mẫu, khác nhau ở mỗi tên CLB là thực trạng chung của không ít đội V-League: sống bằng ngân sách địa phương và bầu sữa từ nhà tài trợ, tồn tại lay lắt theo mùa.
Đây là những đội bóng thiếu năng động, khó tự lực, thường không có động lực rõ ràng, hay trôi về hướng vô định khi đã hoàn thành chỉ tiêu. Khi ngân sách cho bóng đá đã tiêu hết, việc kéo dài mùa giải, phải trả lương cho cầu thủ hay duy trì hoạt động trong trạng thái "chờ" là cơn ác mộng.
Quay lại câu chuyện của nhà điều hành giải. Nếu V-League "nghỉ chơi", ban tổ chức sẽ loay hoay đền bù hợp đồng cho nhà tài trợ hay phía nhà đài. Đấy là chuyện trước mắt.
Về lâu dài, một giải đấu gặp nhiều vấn đề trong khâu tổ chức, năng lực đội ngũ trọng tài có vấn đề, bạo lực sân cỏ manh nha, nhiều cầu thủ, HLV để lại hành động không đẹp, giờ lại hủy ngang mùa giải khi mới đi nửa chặng đường, liệu còn sức hút với nhà tài trợ?
Một giải đấu như vậy, liệu còn vị thế để cạnh tranh với những giải khác cùng khu vực, giúp nâng tầm bóng đá Việt trên sân chơi quốc tế?
Hỏi cũng là trả lời. Nhưng dường như những CLB nói trên sẽ không quan tâm tới vị thế hay tiền bản quyền, vốn là khái niệm mơ hồ. Mỗi mùa giải, tiền thưởng hay tiền bản quyền từ ban tổ chức giải mà các đội nhận được không thấm vào đâu so với khoản tiền chi ra. Nói sòng phẳng thì V-League có ra sao, họ cũng ít quan tâm.
Bởi giải đấu vẫn vậy hay tốt lên, quyền lợi CLB cũng không thay đổi nhiều. Hoặc có tốt lên, thì không bù đắp nổi chi phí bỏ ra nếu mùa giải lê thê đến cuối năm.
3. Có thể hiểu cái khó của CLB. Song nếu ai cũng vì khó mà từ bỏ, giải đấu này sẽ đi về đâu?
VFF, VPF, ban điều hành giải vẫn đang làm tất cả vì đại cục bóng đá Việt. Hơn ai hết, ban tổ chức hiểu rằng hủy giải đấu không chỉ tổn thất về tiền. Đó còn là đòn giáng nặng nề vào nền bóng đá non trẻ, mới manh nha tiến lên sau bước tiến ngoạn mục của tuyển Việt Nam.
Bóng đá muốn mạnh, cần có sự chung tay, trong đó vai trò từ phía CLB là quan trọng nhất. AFF Cup gần như chắc chắn được dời sang năm 2021. Đây vừa là cơ hội để V-League có thêm thời gian tổ chức, vừa là thách thức.
Nếu giải hủy từ lúc này, cầu thủ sẽ làm gì trong 5 tháng tới? Tính trong năm 2020, cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam mới có 11 trận ở V-League và tối đa 2 trận ở cúp Quốc gia. Trong trường hợp V-League dừng, một cầu thủ không phải tuyển thủ quốc gia, không đá AFC Cup chỉ đá cùng lắm 13 trận trong 365 ngày.
Với trung bình 1 tháng đá 1 trận, cầu thủ có tiến bộ nổi không, bóng đá Việt đi về đâu, và ban tổ chức sẽ lấy gì để đàm phán với các nhà tài trợ khi muốn có bản hợp đồng tốt hơn để cải thiện giải đấu? CLB có thể lay lắt sống nhờ cơ chế bao cấp, nhưng V-League không thể mãi thế này.
VFF, VPF hay CLB cần ngồi với nhau để cùng tháo gỡ vướng mắc, qua đó tạo điều kiện cho 9 vòng còn lại diễn ra suôn sẻ. Với quỹ thời gian còn lại trong năm lên tới 5 tháng, việc tổ chức 9 vòng là mục tiêu trong tầm tay. Đá trên sân không khán giả, đá tập trung,... là những giải pháp khả thi, nếu các bên chịu ngồi lại cùng nhau.
Bình luận