• Zalo

Chứng khoán toàn cầu từng ra sao giữa tâm dịch SARS, H5N1?

Đầu TưThứ Sáu, 31/01/2020 11:20:44 +07:00Google News

Trước dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới, thế giới đã trải qua nhiều đại dịch như SARS vào năm 2002-2003, H5N1 vào năm 2006 và Ebola năm 2014

Chứng khoán Mỹ gần đây trải qua các phiên trồi sụt nhẹ khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng dõi theo dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo MarketWatch, phân tích biến động thị trường trong thời gian diễn ra các dịch bệnh trước đây, gồm hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS, Ebola và cúm gia cầm H5N1, các nhà đầu tư Phố Wall có thể không cần phải lo lắng nhiều, khi mà chứng khoán Mỹ kết thúc năm 2019 với mức tăng cao nhất trong nhiều năm và khởi động năm 2020 ở mức gần cao nhất lịch sử.

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới bắt đầu bùng phát vào cuối năm 2019 từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến nay, đã có hơn 9.800 trường hợp bị phát hiện nhiễm bệnh và 213 người chết, trong đó chủ yếu tại Trung Quốc.

Khả năng giao thương bị đình trệ và suy giảm tiêu dùng, đặc biệt tại Trung Quốc, do dịch bệnh được cho là những tác động kinh tế có thể ảnh hưởng tới chứng khoán Mỹ.

Mỹ cũng đã xác nhận phát hiện trường hợp nhiễm virus corona mới đầu tiên tại thành phố Seattle, Washington. Tuy nhiên, trong lịch sử, phản ứng của Phố Wall trước các dịch bệnh tương tự và các bệnh truyền nhiễm nhanh thường khá ngắn ngủi.

Theo Dữ liệu Thị trường Dow Jones, chỉ số S&P 500 tăng 14,59% sau khi trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh SARS được phát hiện vào năm 2002-2003, tính theo mốc vào cuối tháng 4/2003. Khoảng 12 tháng sau đó, S&P 500 tăng 20,76%.

Chứng khoán toàn cầu từng ra sao giữa tâm dịch SARS, H5N1? - 1

 

Biến động của chỉ số S&P 500 trong giai đoạn 6 và 12 tháng sau các đợt dịch bệnh trước đây. Nguồn: Dữ liệu Thị trường Dow Jones.Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới điểm đó, có tổng cộng khoảng 8.100 người bị phát hiện nhiễm SARS và 774 người chết.

Trong khi đó, gần 6 tháng sau các báo cáo về virus cúm gia cầm vào năm 2006 chỉ số S&P 500 tăng 11,66%. Mức tăng lên tới 17,36% trong giai đoạn 12 tháng sau đó.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với chứng khoán toàn cầu khi phân tích dữ liệu từ Charles Schwab, theo dõi MSCI All Countries World Index - chỉ số phản ánh diễn biến của các thị trường mới nổi và phát triển quan trọng trên toàn thế giới của MSCI. Chỉ số này đã tăng trung bình 0,4% trong vòng một tháng sau khi diễn ra một dịch bệnh và 3,1% trong 6 tháng và 8,5% trong một năm sau đó.

Theo các nhà phân tích, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh sẽ quyết định phản ứng của thị trường. Việc thị trường có xu hướng tăng sau các đợt dịch bệnh trước đây không đồng nghĩa với diễn biến tương tự sẽ xảy ra với dịch viêm phổi cấp do virus corona mới lần này.

Nguyên nhân là dịch bệnh này bùng phát vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, khi xu hướng đi lại và chi tiêu tiêu dùng tại châu Á có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, Trung Quốc đã đóng cửa một phần Vạn Lý Trường Thành, cũng như hàng chục thành phố, cấm túc đối với khoảng 50 triệu người dân và huỷ nhiều sự kiện lớn liên quan tới dịp Tết cổ truyền.

Dịch bệnh cũng xảy ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trì trệ, giảm xuống chỉ còn 6,1% trong năm 2019, mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ, theo số liệu GDP được công bố gần đây.

“Nhiều người quan ngại rằng virus corona chủng mới có thể nhanh chóng lan rộng trong và ngoài Trung Quốc, gây ra những thiệt hại lớn cho chứng khoán và nền kinh tế", Jeffrey Kleintop, nhà chiến lược đầu tư toàn cầu trưởng của Charles Schwab.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn