Sẵn sàng cho con nghỉ học
Anh Minh Khôi (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây, gia đình luôn cập nhật diễn biến mới nhất của dịch corona khởi phát từ Trung Quốc. Theo sự hiểu biết của anh Khôi, virus corona có triệu chứng ho, sốt, khó thở, gần giống bệnh cảm cúm thông thường, vì thế sẽ có nhiều người chủ quan, không biết cách ly kịp thời khi có người bị bệnh.
Trong khi đó, trường học là nơi đông người. Trẻ lại có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa biết cách tự bảo vệ mình; các em rất dễ bị lây nhiễm.
Do đó, ngay sau buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, anh Khôi quyết định xin nghỉ học cho con một vài ngày để yên tâm hơn tránh lây lan dịch bệnh.
“Việc cho con nghỉ học có thể khiến áp lực bài vở tăng lên khi các con quay lại trường. Tuy nhiên, virus corona đang lây lan nhanh, sau Tết lại có rất nhiều bạn đi chơi xa về, biết đâu nhiều người đang trong thời gian ủ bệnh mà không hề biết. Do đó, tôi nghĩ lựa chọn cho con nghỉ học ở thời điểm này là tốt nhất”, anh Khôi chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ngay khi có thông tin ba người Việt đầu tiên nhiễm virus corona, gia đình đã xin phép cô giáo cho con nghỉ học ở nhà. Dù được cô giáo khuyên ngăn và hứa sẽ đảm bảo an toàn, vệ sinh sạch sẽ cho các con khi ở trường, nhưng gia đình vẫn rất bất an, lo lắng.
“Các con quá nhỏ, vẫn mải chơi nô đùa, đôi khi sẽ quên đi việc phải thường xuyên đeo khẩu trang và vệ sinh tay chân trước và sau khi ăn. Đồng thời, thời tiết miền Bắc những ngày này dao động từ 13 đến18 độ C - môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn có hại phát tán”.
Vị phụ huynh này cho rằng, nếu chậm hoặc quên chương trình học thì thầy cô có thể giảng lại; nếu vẫn thiếu thời gian học thì trường có thể kéo dài sang học kỳ hè. Phụ huynh sẽ đồng ý học bù, miễn sao đảm bảo được sức khỏe cho các con giữa tâm chấn dịch viêm phổi cấp.
Đề nghị kéo dài thời gian nghỉ
Lo ngại dịch viêm phổi cấp do virus corona khi chưa có cách chữa trị hiệu quả, chị Hà Huyền Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho con ở nhà và mong muốn được kéo dài thời gian nghỉ học sau Tết.
Các con còn nhỏ, không thể đeo khẩu trang suốt trong quá trình học bài, sẽ gây khó chịu. Đồng thời những đồ ăn vặt quanh cổng trường, nhà vệ sinh chung chưa đảm bảo vệ sinh… có quá nhiều mối nguy lây nhiễm cho các con.
“Chỉ cần một bạn không may bị nhiễm, nguy cơ nhiễm cho 1.000 học sinh khác. Nếu trong trường hợp dịch còn kéo dài, nhà trường vẫn không đồng ý cho các con nghỉ học dài ngày, gia đình sẵn sàng chấp nhận cho con học muộn một năm, tính mạng là trên hết”, chị Trang kiên quyết.
Không riêng gì các bậc phụ huynh, nhiều em học sinh cũng lo lắng. Em Đỗ Khánh Huyền (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) chia sẻ, dù được nhà trường phổ biến cách phòng bệnh là đeo khẩu trang nơi đông người, giữ ấm cơ thể và vệ sinh sạch sẽ, nhưng Khánh Huyền vẫn nghĩ trường học là nơi đông người, phải đeo khẩu trang suốt 5- 6 tiếng đi học. Vậy giáo viên, học sinh có thể học một cách tự nhiên và đạt hiệu quả với cái khẩu trang trên mặt hay không?.
Em Mạnh Đức (trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội) cũng có nỗi lo tương tự: “Em nghĩ nhà trường nên cho nghỉ thêm 1-2 tuần để mọi người tự kiểm tra sức khỏe của mình và đủ thời gian cách ly để kiểm chứng thời gian ủ bệnh trước khi quay lại trường.
Hoặc ít nhất cũng nên chờ đến khi thời tiết miền Bắc ấm áp hơn, trên 25 độ C, hạn chế được sự phát sinh của virus corona thì mới cho học sinh đến trường”.
Nam sinh này còn cho biết, chủ để được nhiều học sinh bàn đến chính là virus corona, không mấy ai dám trêu đùa, chạy nhảy, hạn chế các hoạt động thể dục thể thao, ai cũng lo năm nớp dịch bệnh. Đó không còn là không khí của trường học. Do đó, Mạnh Đức khẩn thiết đưa ra đề nghị nhà trường nên cho học sinh kéo dài thời gian nghỉ ít nhất là hết tuần sau.
Bình tĩnh trước thông tin dịch bệnh
TS.BS Trần Anh Thư, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đưa ra lời khuyên, phụ huynh cần nắm rõ các thông tin diễn biến của virus corona. Tìm hiểu rõ các biện pháp phòng tránh ban đầu để trang bị cho trẻ những cách tự bảo vệ tốt nhất.
“Phụ huynh và học sinh bình tĩnh, không nên quá lo sợ về mức độ lây lan bệnh dịch. Chúng ta cần chủ động dặn dò con không được sờ tay vào cầu thang, cửa sổ, cửa ra vào. Dặn dò các con đeo khẩu trang phòng bệnh cúm đặc hiệu và thay khẩu trang 4-6 tiếng/ lần để đảm bảo vệ sinh, tránh nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh”.
Bên cạnh đó, nếu trẻ quen dùng nước rửa tay có cồn thì cần chuyển sang dùng xà phòng diệt khuẩn mới hiệu quả chống lây bệnh. Hoặc tạo cho con có thói quen dùng hai bàn tay, khăn giấy, khăn khô che miệng khi hắt hơi, tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Cũng theo bác sĩ Anh Thư, trong vài ngày tới, dự báo thời tiết có thể vẫn còn lạnh, cho nên các lớp học không nên đóng kín cửa lớp mà cho các con mặc ấm và để cửa thoáng để virus pha loãng.
Cùng với đó các trường, lớp nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, nếu có điều kiện hãy dùng nước khử khuẩn và bật điều hòa ở nhiệt độ từ 25 độ C trở lên, làm ấm không khí trong phòng học để hạn chế sự phát sinh của vi khuẩn có hại.
“Các gia đình thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu có các biểu hiện ốm sốt, viêm phổi, mất sức đề kháng, mệt mỏi, uể oải… cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và cách ly kịp thời khi phát hiện nguồn bệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị và không báo cáo cơ quan y tế khi phát hiện người bị nhiễm bệnh”, vị bác sỹ khuyến cáo.
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội thông tin, theo báo cáo của các lớp số học trở lại đi học không đủ. Tính đến thời điểm 8h30 sáng nay mới chỉ khoảng 80% học sinh đi học, mà chưa có lý do xin nghỉ cụ thể, các giáo viên vẫn đang tích cực liên hệ với gia đình để khuyên ngăn. Nếu trong trường hợp phụ huynh kiên quyết cho con nghỉ thì nhà trường vẫn phải tôn trọng quyết định chứ không thể ép.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính đến sáng 31/1, thế giới ghi nhận 9.807 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV).
Trong đó 213 người chết (toàn bộ đều là người Trung Quốc). Riêng Trung Quốc, 9.692 trường hợp nhiễm bệnh tại 30/31 tỉnh/thành phố.
Ngoài quốc gia này, thế giới cũng ghi nhận 115 trường hợp nhiễm virus corona tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thái Lan (14 trường hợp), Nhật Bản (11), Hồng Kông (10), Singapore (10), Đài Loan (9), Ma Cao (7), Australia (9), Malaysia (8), Hoa Kỳ (6), Pháp (5), Việt Nam (5), Đức (4), Hàn Quốc (4), Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (4), Canada (3), Campuchia (1), Nepal (1), Sri Lanka (1), Phần Lan (1), Ấn Độ (1), Phillippines (1).
Bình luận