• Zalo

Chữa ung thư: Dùng sừng tê giác, bệnh nặng càng nặng thêm

Sức khỏeThứ Sáu, 21/08/2015 01:05:00 +07:00Google News

Chua benh ung thu ba - GS.TS. Nguyễn Bá Đức khẳng định rằng việc dùng sừng tê giác để chữa ung thư là hoàn toàn vô căn cứ và khiến bệnh trở nên nặng thêm

(VTC News) - GS.TS. Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, sừng tê giác hoàn toàn không có khả năng chữa bệnh ung thư.

Trong một buổi gặp gỡ với đông đảo bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K3, GS.TS. Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; Phó Chủ tịch Quỹ Ngày mai tươi  sáng chia sẻ: “Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có nhiều phương pháp chữa bệnh ung thư có hiệu quả, đem lại cơ hội chữa lành cho nhiều bệnh nhân. Sừng tê giác hoàn toàn không có khả năng chữa bệnh ung thư.”

Chữa ung thư: Nhiều người dùng sừng tê giác nhưng bệnh càng nặng thêm.
Chữa ung thư: Nhiều người dùng sừng tê giác nhưng bệnh càng nặng thêm. 
Để tránh mắc và chống lại căn bệnh ung thư, người dân cần am hiểu những kiến thức cơ bản về ung thư cũng như các phương pháp điều trị và phòng tránh. Từ đó, có lối sống lành mạnh và khoa học.

Nhưng trên thực tế, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu kiến thức về ung thư, có những ngộ nhận trong việc điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn đồng thời tốn kém nhiều thời gian và chi phí.

Một trong những ngộ nhận đó là việc sử dụng sừng tê chữa ung thư, khiến loài vật mang tính biểu tượng toàn cầu này đang trên bờ tuyệt chủng.

Ung thư đang ngày một gia tăng, đó là một thực trạng đáng lo ngại hiện nay.  GS.TS Nguyễn Bá Đức nói: Nguyên nhân của căn bệnh này chủ yếu do ảnh hưởng của môi trường sống bị ô nhiễm.

Ngoài ra ung thư còn do các tác nhân hoá học như thuốc lá, chế độ ăn uống gây béo phì, tác động của virus, vi khuẩn HP, HBG… Ung thư trên thế giới cũng có xu hướng tăng lên và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người. Ung thư phổ biến nhất là ở phổi, tiền liệt tuyến đối với nam, vú, tử cung, dạ dày đối với nữ...

Cả hai giới cũng có chung nhiều triệu chứng ung thư. Tất cả có đến hơn 200 loại bệnh ung thư khác nhau. Đối với mỗi loại bệnh ung thư khác nhau, người bệnh khác nhau đều có những phương cách chữa chạy khác nhau. Trước tình hình này, việc hiểu và chữa trị đúng bệnh ung thư đang là một vấn đề không nhỏ đặt ra trong xã hội.

Quan trọng là, khi bị ung thư cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời. TS.BS Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng khoa Nội 4, BV K trung ương cho biết: Để phát hiện sớm cần thường xuyên đi khám sức khoẻ, khám sàng lọc bệnh tật, nhất là đối với những người có các nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư phổi...

Tại các cộng đồng dân cư, các cơ quan, mọi người cần sớm ý thức xây dựng thành thói quen khám sức khỏe định kỳ. Việc này rất đơn giản và không phải chi phí tốn kém là bao nhưng hiệu quả đem lại là vô cùng lớn so với sau này nếu bị bệnh phải chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để điều trị do bệnh được phát hiện muộn. Ung thư muộn hay có di căn trong cơ thể.

Để phòng chống ung thư, cách tốt nhất, theo các chuyên gia y tế, là hạn chế tối đa tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư.

Trong các phương pháp điều trị ung thư, GS Đức nhấn mạnh, quan niệm “không đụng dao kéo” khi bị ung thư là không dung, cần phải chủ động đến các cơ sở y tế để được phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh bệnh.

TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, BV K trung ương cũng cho hay, không phải cứ ai bị ung thư là coi như được nhận một bản án tử hình. “Ung thư là sự sinh lên vô độ của một số tế bào trong cơ thể”. Do vậy, nếu được phát hiện sớm các triệu chứng này thì tỷ lệ sống sót rất cao, có thể lên đến 90%. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào định kỳ khám sức khoẻ, sàng lọc bệnh tật của chúng ta.
Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam được coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ trong 40 năm qua, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên.

Nam Phi là quốc gia sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2014, có tới 1,215 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam (tăng gần 100 lần so với  năm 2007). Nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn, cứ mỗi ngày Nam Phi lại mất đi hơn 3 cá thể tê giác.
Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời. Vì thế việc buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác phi pháp tại Việt Nam cần được chấm dứt vừa để góp phần bảo vệ các loài tê giác, vừa để cải thiện hình ảnh của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

» Bất ngờ với khả năng chữa bệnh của nước
» Gia vị ngăn ung thư đại tràng, tăng cường ham muốn
» Thức uống giúp sống lâu, ngừa ung thư
» Điều đáng sợ và gây sốc về nước ngọt

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn