Vũ Ngọc Việt Hoàng (sinh năm 1998) ở Thái Bình, là sinh viên năm cuối lớp Công nghệ chế tạo máy - khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu sở hữu 8 bài báo quốc tế đăng trên tạp chí ISI- Q1. Trong đó 3 đề tài do Việt Hoàng đứng tên chủ trì. Đây là con số đáng mơ ước với nhiều nhà nghiên cứu trẻ chứ không nói đến một sinh viên sắp tốt nghiệp đại học.
Bước chân vào cổng trường đại học, bố mẹ mong muốn Việt Hoàng sớm tốt nghiệp để đi làm, ổn định kinh tế, phụ giúp gia đình thay vì theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Trong gia đình em, không ai theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật. Dù gia đình phản đối, nhưng cậu sinh viên đầy đam mê và kiên định ngày ấy vẫn quyết tâm và càng khao khát muốn chứng minh bản thân.
Việt Hoàng bén duyên với nghiên cứu khoa học từ cuối năm 2 đại học. Khi được tiếp xúc với thầy Đinh Gia Ninh, em cảm nhận sự nhiệt huyết trong mỗi giờ giảng, những kiến thức lý thuyết thầy mang lại không hề khô khan. Em chủ động gửi mail để bày tỏ mong muốn tham gia nhóm nghiên cứu do thầy phụ trách.
Những ngày đầu tham gia nghiên cứu, em bị choáng ngợp với lượng kiến thức chuyên ngành đồ sộ. Đây là quãng thời gian em gặp nhiều khó khăn nhất. Vì em mới là sinh viên năm hai, đa phần các môn được học là lý thuyết cơ bản, chưa đi vào chuyên sâu. Dù vậy, em vẫn quyết không từ bỏ.
Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm học được từ thầy giáo và các thành viên trong nhóm nghiên cứu, em thường dành thời gian rảnh để tìm hiểu thêm các tài liệu khoa học nước ngoài. Cứ như vậy, Hoàng dần quen và say mê với con đường mình chọn.
Cậu sinh viên 9X chia sẻ, nghiên cứu khoa học đòi hỏi 99% là chăm chỉ, 1% còn lại mới là yếu tố khác. Người làm nghiên cứu cần đầu tư thời gian và phải thực sự yêu thích nó.
Đề tài em tâm đắc nhất là tập trung phân tích động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng vật liệu nanocomposite bằng các phương pháp giải tích, bán giải tích. Công trình này Việt Hoàng và nhóm mất gần một năm để thực hiện và công bố.
Nhớ lại thời gian đầu khi thực hiện nghiên cứu này, cả nhóm phải mất khoảng 2 tháng để xác minh, đo đạt và đối sánh các chỉ số thông tin. Nhiều lúc em và cả nhóm chán nản vì kết quả không khớp giữa các lần thí nghiệm.
Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, cuối cùng Hoàng và các bạn có bài báo quốc tế đầu tiên. Dù lần đó em không đứng tên đầu, nhưng đó vẫn là công trình nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa và tiếp thêm cho em nhiều động lực để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Năm 2020, Việt Hoàng mạnh dạn đăng ký cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và được đại diện đi thi cuộc thi cấp Bộ. Với Hoàng, đây là trải nghiệm đáng nhớ.
Khi các giám khảo ở Bộ chấm đề tài của Hoàng, không ai tin vào kết quả và số lượng bài báo mà cậu đã viết. Họ cũng bất ngờ khi chính giám khảo phản biện gay gắt nhất chấm cho em 98/100 điểm – số điểm gần như tuyệt đối, số điểm cao nhất trong hội đồng khoa học cấp Bộ.
ThS. Đinh Gia Ninh, giảng viên hướng dẫn đánh giá, Việt Hoàng là trường hợp chưa từng có trong lịch sử Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian đầu khi mới tiếp xúc với nghiên cứu khoa học, Việt Hoàng hoà nhập rất nhanh. Nếu các sinh viên khác mất ba, bốn tháng để quen việc thì Hoàng chỉ mất một tháng. Đây có thể nói là tố chất thiên phú.
Khi mới bắt đầu tham gia vào nghiên cứu khoa học, mục tiêu Việt Hoàng đặt ra là hoàn thành bài viết khoa học trước khi ra trường. Càng nghiên cứu, Hoàng càng bộc lộ sự say mê, khao khát chinh phục.
“Khi tôi đang học chương trình tiến sĩ ở Mỹ, khoảng 3-4 giờ sáng ở Việt Nam, Hoàng thức để hỏi han thầy. Tôi bắt đi ngủ, Hoàng không chịu. Nhưng đúng chất nghiên cứu là phải thế. Đã vào guồng thì khó bỏ lắm”, thầy Ninh chia sẻ và nhận định, giờ đây việc viết bài báo quốc tế cho các tạp chí ISI- Q1 bằng tiếng Anh với cậu sinh viên này còn dễ hơn việc viết thuyết minh bằng Tiếng Việt.
Thầy Ninh tin rằng, những thành tích và công sức Hoàng đạt được là câu trả lời hoàn chỉnh, xứng đáng cho những nỗ lực cậu đã theo đuổi những năm tháng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng làm nghiên cứu cần đam mê thật sự. Các em sẽ gặp nhiều chướng ngại vật. Có những lúc, bản thân thầy cũng cảm thấy rất nản khi sau hơn một tháng tìm hiểu, nghiên cứu, đáp án của mình vẫn không khớp với kết quả đã công bố", thầy nói và cho rằng điều quan trọng nhất để thành công trên con đường học thuật là kỹ năng nền tảng về nghiên cứu.
Thầy luôn hướng dẫn sinh viên của mình các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu như một nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nhờ vậy, các em có thể tự bơi mà không cần thầy phải thường xuyên cầm tay chỉ việc.
Bình luận