• Zalo

Chủ tịch Tập Cận Bình ra mệnh lệnh chấn hưng bóng đá Trung Quốc

Thể thaoThứ Tư, 04/03/2015 03:54:00 +07:00Google News

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nổi tiếng là người yêu bóng đá cuồng nhiệt, đến mức ông đã vạch sẵn một kế hoạch dài hơi cho nền bóng đá Trung Quốc

(VTC News) - Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nổi tiếng là người yêu bóng đá cuồng nhiệt, đến mức ông đã vạch sẵn một kế hoạch dài hơi cho nền bóng đá Trung Quốc.

Nhục nhã

Trung Quốc là một cường quốc về thể thao. Đó là điều không phải bàn cãi. Nó thể hiện rất rõ ở số lượng HCV mà họ giành được qua mỗi kỳ Olympic cũng như ASIAD. Tại đấu trường châu lục, họ ở thế độc cô cầu bại khi luôn bỏ xa những đoàn còn lại. Còn tại đấu trường thế giới, số lượng huy chương của họ đã gần bằng với siêu cường số một Hoa Kỳ.
Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình đá bóng trong chuyến công du nước ngoài năm 2012 
Đất nước đông dân nhất thế giới có tiềm năng cực lớn về kinh tế cũng như thể thao, và việc họ vươn lên trở thành một siêu cường cũng chẳng có điều gì là lạ. Tuy nhiên, bóng đá ở đất nước 1,4 tỷ dân lại là một câu chuyện rất khác.

Cũng giống như Hoa Kỳ, nền bóng đá Trung Quốc vẫn chỉ luẩn quẩn ở mức độ châu lục, chứ chưa thể vươn tầm lên tới đỉnh cao.

Thậm chí so với xứ cờ hoa, Trung Quốc còn ở thế kém hơn. Ngoài lần duy nhất dự vòng chung kết World Cup 2002, bóng đá nam Trung Quốc hầu như không đạt được thêm thành tích gì đáng kể. Tại bảng xếp hạng FIFA tháng 2 vừa rồi, họ đứng thứ 88 thế giới và thứ 9 châu lục, sau một loạt đối thủ như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đội tuyển Trung Quốc thường xuyên thất bại
 Đội tuyển Trung Quốc thường xuyên thất bại
Không có tiếng nói gì trên trường quốc tế, ngay tại châu lục, bóng đá nam Trung Quốc cũng rất mờ nhạt. Tại 5 vòng chung kết bóng đá châu Á (Asian Cup) gần nhất, họ chỉ một lần lọt vào chung kết và một lần xếp hạng tư.

So với thời kỳ đỉnh cao những năm đầu thập kỷ trước, khi Trung Quốc có một loạt những cầu thủ tài năng chinh chiến ở châu Âu như Li Tie, Hao Haidong, bóng đá ở đất nước này quả là đang thụt lùi. Đau đớn nhất có lẽ là trận thua Thái Lan hồi năm 2013. Khi ấy, các CĐV Trung Quốc đã quây kín xe chở các cầu thủ, thậm chí buông những lời khó nghe dành cho toàn bộ các thành viên đội bóng.

Sự sợ hãi lên tới đỉnh điểm khi một làn sóng phản đối rầm rộ nổ ra trên các diễn đàn. Các tuyển thủ Trung Quốc khi ấy buộc phải liên tục xin lỗi trên các trang cá nhân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng.
Bóng đá Trung Quốc
 Ông Tập quán triệt tinh thần dạy bóng đá từ trẻ em 
Bóng đá Trung Quốc từng là niềm tự hào của đất nước này, nhưng vào thời điểm hiện tại, nó giống với một "nỗi nhục" quốc gia hơn. Đó là lý do tại sao ở vòng chung kết U19 châu Á, người hâm mộ nước ta lại có dịp chứng kiến sự hung hăng của vị HLV trưởng U19 Trung Quốc.

Thay đổi

Với một người yêu bóng đá như Chủ tịch Tập Cận Bình, thất bại của bóng đá Trung Quốc là điều rất khó chấp nhận. Chẳng thế mà ngay trong những ngày đầu năm mới, ông đã thổ lộ ba điều ước với nền bóng đá nam nước này. Đó là giành vé dự vòng chung kết World Cup, làm chủ nhà sự kiện này, trước khi bước lên ngôi vô địch.

Để thực hiện được chiến dịch cực kỳ tham vọng đó, ông Tập chủ trương “phải dạy bóng đá cho cả những đứa trẻ sơ sinh”. Trung Quốc từng rất thành công trong việc xã hội hóa thể thao đỉnh cao khi đưa một loạt những môn thi đấu Olympic vào các nhà trường. Những nhà vô địch tương lai được phát hiện, đào tạo từ rất sớm. Họ được dạy về niềm tự hào dân tộc cũng như khát vong vươn tầm thế giới.
Tuyển Trung Quốc bị loại khỏi ASIAD 2014
Nói đi đôi với làm, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã phê duyệt chương trình mở thêm 20.000 trường học bóng đá từ nay đến hết năm 2017. Những học viên giỏi sẽ được đưa đến các trại tập huấn do TQ lập ở Tây Ban Nha và Hà Lan.

Tại Bắc Kinh, bóng đá sẽ là môn thi bắt buộc vào trung học, và từng trường đều phải đưa bóng đá vào bộ môn giáo dục thể chất. Brazil, Argentina và các quốc gia Nam Mỹ từng thành công với bóng đá đường phố. Và hiện tại, Trung Quốc cũng hy vọng vào một cơ may với bóng đá trường học.

Những thay đổi tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Ở Cúp châu Á hồi tháng Giêng, Trung Quốc thắng 3 trận liên tiếp và dù chỉ vào đến tứ kết, Tân Hoa Xã gọi thành tích này là “chuyện thần tiên”.

Mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là World Cup 2018 tổ chức tại Nga. Đó sẽ là nơi kiểm nghiệm hiệu quả nhất mệnh lệnh tối cao của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Phan Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn