Sáng 20/5, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Hà Nội theo hình thức họp trực tuyến.
Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh hình thức họp trực tuyến tại kỳ họp lần này là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
"Kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bà Ngân cho rằng, mặc dù vừa phải tập trung phòng chống dịch COVID-19, vừa phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội nhưng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực, khẩn trương, nỗ lực cao nhất trong chuẩn bị để khai mạc kỳ họp vào hôm nay.
Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
"Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân và các lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch; sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kỳ họp thực hiện theo 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20- 29/5. Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 10-19/6.
Tại kỳ họp này, dự kiến không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.
Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 10 ngày, chiếm hơn 50% tổng thời gian kỳ họp.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Về công tác xây dựng pháp luật: Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, đồng thời cho ý kiến đối với 6 dự án luật.
Các dự án Luật Quốc hội dự kiến cho ý kiến gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).
Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và xem xét, thông qua Nghị quyết về nội dung này; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.
Bình luận