Chiều 21/5, theo chương trình kỳ họp Quốc hội, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Theo ông Dung, hoạt động xuất khẩu lao động góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực tiễn phát sinh một số vấn đề mới mà Luật chưa quy định như nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật.
Cùng với đó, điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; chưa quy định rõ về loại hình đối với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Từ thực tiễn đó, dự thảo Luật lần này có những sửa đổi, bổ sung cơ bản theo 6 nhóm chính sách, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế.
Điều này đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân
Về Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung Đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 43); bổ sung khai báo thông tin trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh (Điều 55) vào quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Về Nhóm nội dung về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung quy định về gia hạn giấy phép, theo đó doanh nghiệp dịch vụ được gia hạn giấy phép nếu đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 13); bổ sung quy định về điều chỉnh thông tin trên Giấy phép khi thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 14).
Về Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đối với người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước có nhu cầu, phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận người lao động" (Điều 66).
Về Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung một số quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm thiếu tối đa chi phí đối với người lao động, bỏ quy định của Luật số 72 về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ...
Về Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ.
Về Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải "thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm" (khoản 8 Điều 47), mở rộng phạm vi bảo lãnh đối với người lao động.
Bình luận