Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các yêu cầu ngày càng khắt khe bảo vệ môi trường, phát triển vận tải xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành logistics toàn cầu.
Ngành logistics và cảng biển là xương sống của nền kinh tế. Các hoạt động của ngành logistics đóng góp quan trọng vào sự phát triển của một đất nước, nhưng đồng thời cũng gây ra tác động rất lớn tới môi trường khi có lượng phát thải rất lớn. Vì thế, trong công cuộc chuyển đổi xanh, logistics, giao thông phải là ngành tiên phong chuyển đổi. Nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh thì vận tải, kho bãi, cầu cảng cũng phải xanh.
Tại Việt Nam, việc xây dựng các hành lang hàng hải xanh không chỉ giúp giảm thiểu phát thải mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống cảng biển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với không ít thách thức, từ nguồn lực tài chính, công nghệ, đến việc đào tạo nhân lực.
Cảng biển xanh. (Ảnh minh hoạ)
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng Biển Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á - trả lời PV Báo điện tử VTC News xoay quanh nội dung trên.
- Thưa ông, hành lang hàng hải xanh đóng vai trò quan trọng như thế nào trong phát triển vận tải xanh? Hiện tại, chúng ta cần những yếu tố nào để thúc đẩy sự chuyển đổi này?
Hành lang hàng hải xanh là một khái niệm mới, xuất phát từ phát triển nền kinh tế xanh và logistic xanh. Hành lang này bao gồm các tuyến dịch vụ hàng hải kết nối nhiều cảng trên thế giới, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí xanh như giảm thiểu phát thải carbon và sử dụng năng lượng sạch.
Các bên liên quan trong chuỗi cung ứng như hãng tàu, nhà khai thác cảng, và trung tâm logistic phải ký thỏa thuận cam kết với nhau về các tiêu chí này. Hãng tàu phải xanh hóa đội tàu của họ bằng cách sử dụng nhiên liệu mới, không phát thải carbon, như khí ga hóa lỏng (LNG) hoặc methanol.
Hiện nay, khoảng 60 - 70% tàu hàng đóng mới trên thế giới đã sử dụng nhiên liệu xanh. Trong tương lai gần, chúng tôi dự đoán 100% tàu hàng sẽ không còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cảng biển phải xanh hóa toàn bộ hoạt động của mình, từ tàu dẫn, cơ sở hạ tầng cho đến quy trình vận hành.
Khi các doanh nghiệp quốc tế ngày càng yêu cầu các tuyến hàng hải thân thiện với môi trường, có thể nói, việc có chứng chỉ xanh giống như có passport, giúp hàng hóa Việt Nam hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong 5 - 7 năm tới, nếu cảng nào không thực hiện xanh hoá - số hoá thì sẽ bị tụt hậu, khó có thể cạnh tranh trên thị trường, khi đó khách hàng sẽ có sự lựa chọn những cảng xanh và dịch vụ logistics xanh hơn.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng Biển Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á. (Ảnh: Công Hoan)
- Để đạt được những mục tiêu về vận tải xanh, ngoài việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng, yếu tố con người và nguồn lực tài chính có vai trò gì?
Yếu tố tài chính là một thách thức lớn. Để đầu tư vào vận tải xanh, doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn rất lớn. Ví dụ, để chuyển từ xe tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tải điện, chi phí có thể tăng gấp đôi hoặc 2,5 lần. Đối với tàu biển, đầu tư vào các phương tiện sử dụng nhiên liệu mới như methanol hay hydrogen cũng đòi hỏi công nghệ rất tiên tiến và nguồn tài chính mạnh.
Về yếu tố con người, chúng tôi phải đào tạo nguồn nhân lực để có thể vận hành được các công nghệ mới này. Nhân viên không chỉ cần hiểu về công nghệ tiên tiến mà còn phải nắm bắt văn hóa kinh tế xanh, để đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý và vận hành cảng.
- Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics đang gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển đổi sang vận tải xanh?
Khó khăn lớn nhất là tiếp cận nguồn tài chính. Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có thể sử dụng đòn bẩy tài chính từ các ngân hàng hoặc quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này. Vì vậy Chính phủ cần có thêm những chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, để họ có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi này.
Một khó khăn khác là công nghệ. Công nghệ xanh rất đa dạng trên thế giới, nhưng chúng ta cần chọn lựa sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Điều này không chỉ đòi hỏi đầu tư lớn mà còn cần sự quyết tâm và kiến thức từ đội ngũ quản lý và nhân viên.
- Như vậy, từ góc nhìn của ông, vai trò của vận tải xanh và hành lang hàng hải xanh trong thời gian tới sẽ phát triển ra sao?
Vận tải xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố tất yếu để chúng ta hội nhập sâu rộng với quốc tế. Hành lang hàng hải xanh sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các cảng quốc tế như ở châu Âu và Hoa Kỳ. Đây là động lực để chúng ta cải tiến, phát triển và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chúng tôi tin rằng, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước và sự hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp xu thế vận tải xanh, xây dựng nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.
Toàn cảnh cảng Cát Lái.
- Vậy các cảng biển Việt Nam, trong đó có Tân Cảng Sài Gòn đã thực hiện những biện pháp gì để góp phần vào việc xây dựng hành lang hàng hải xanh?
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã bắt đầu xây dựng cảng xanh từ năm 2008 bằng việc đầu tư công nghệ tiên tiến và hệ thống cảng thông minh. Hai cảng thuộc Tân Cảng là Cảng Cát Lái ở TP.HCM và Cảng container Quốc tế Tân cảng Cái mép - TCIT ở Bà Rịa - Vũng Tàu - đã được cấp chứng chỉ cảng xanh của Cộng đồng Cảng Biển Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là những ghi nhận quốc tế đối với nỗ lực xanh hóa của chúng tôi.
Chúng tôi đang hướng tới việc tham gia vào các chương trình như thủ tục hàng hải một cửa quốc gia và ASEAN. Đồng thời cam kết phát triển cảng xanh hơn nữa với mục tiêu giảm thiểu phát thải môi trường, sử dụng các trang thiết bị và phương tiện vận tải xanh.
- Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có những bước tiến gì trong việc chuyển đổi năng lượng tại các cụm cảng?
Chúng tôi đã tích cực thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng, trong đó việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng điện là một trong những bước đi dễ thực hiện nhất.
Cụ thể, các thiết bị trong cảng đã được thay thế từ chạy bằng xăng dầu sang chạy bằng điện. Một số nhà kho ở các trung tâm logistics cũng đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để thay thế một phần năng lượng sử dụng. Ngoài ra, các thiết bị vận hành trong nhà kho và bến cảng cũng đang dần được điện hóa, đảm bảo hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn.
Cảng Cát lái ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý.
- Tổng Công ty có những giải pháp nào khác để giảm thiểu phát thải ngoài việc chuyển đổi năng lượng cho thiết bị?
Bên cạnh việc điện hóa thiết bị, chúng tôi cũng đang tập trung phát triển vận tải xanh, tức là chuyển từ vận tải bằng đường bộ sang đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, do hệ thống đường sắt tại Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ như các nước khác, chúng tôi đang tận dụng tối đa mạng lưới sông ngòi và nâng cao năng lực vận tải thủy.
Để minh họa, nếu chở hàng bằng xe tải, 1 xe chỉ có thể chở 1 container và tiêu thụ khoảng 50 lít dầu trên quãng đường 100 km. Nhưng với sà lan, chúng tôi có thể chở từ 30 - 40 container cùng lúc, giảm đáng kể lượng dầu tiêu thụ và phát thải, lên đến 70%.
- Tân Cảng Sài Gòn đã có những bước nào để giải quyết những khó khăn của chuyển đổi xanh và thúc đẩy quá trình xanh hóa?
Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo về cảng xanh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban để xây dựng lộ trình phát triển cảng thông minh, chuyển đổi năng lượng, và kết nối hệ sinh thái. Chúng tôi cũng đã có trung tâm đào tạo nội bộ, liên tục cập nhật các kiến thức mới về cảng xanh và chuyển đổi số cho đội ngũ nhân viên.
Ngoài ra, Tân Cảng Sài Gòn còn mời các chuyên gia và gửi nhân viên ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm từ các cảng tiên tiến trên thế giới như ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... Chúng tôi đã áp dụng những kiến thức này vào thực tiễn, với hy vọng tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bình luận