Cuối phiên chất vấn của HĐND TP chiều 7/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Theo người đứng đầu chính quyền Hà Nội, hiện nay, thành phố đang tập trung giải quyết các nhóm vấn đề.
Cụ thể, đối với 712 dự án chậm tiến độ thành phố rà soát rất kỹ, có dự án mấy chục năm. Mỗi dự án một số phận, không dự án nào giống dự án nào nên không thể áp cả được mà phải xét từng dự án cụ thể. Vì thế, tinh thần của thành phố là tháo gỡ, thúc đẩy có điều kiện, còn dự án nào không “đi” được nữa thì phải thu hồi.
Về quản lý giao thông đô thị, thành phố cũng đã nhìn ra các vấn đề này và tập trung chỉ đạo như vấn đề xe buýt từ phương thức quản lý khoán, tuyến, hỗ trợ. Sắp tới, thành phố sẽ hiện đại hóa thẻ để nâng cao chất lượng xe buýt của Thủ đô.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ báo cáo với Bộ Chính trị thực hiện một đề án riêng về phát triển đường sắt đô thị với 12 tuyến để đảm bảo đồng bộ.
“Một tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chúng ta làm 13 năm chưa xong, mà 20 năm không biết có xong không, còn đường sắt Cát Linh - Hà Đông là cái chúng ta đã nhìn ra. Vì vậy, không nên làm từng cái một bởi mỗi tuyến lại liên quan đến công nghệ, vốn vay. Trong khi chúng ta còn 10 tuyến đường sắt nữa, nếu làm từng cái một thì 100 năm nữa mới xong hệ thống đường sắt", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.
Theo ông Thanh, UBND thành phố đã thành lập Tổ đề án phát triển đường sắt trên cao do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm Tổ trưởng. Tổ sẽ nghiên cứu làm tổng thể 12 tuyến đường sắt với cơ chế, mô hình riêng, sau đó đó sẽ trình Bộ Chính trị để thông qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khi trả lời chất vấn, chi phí dự án tổng thể 12 tuyến đường sắt có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, hiện Hà Nội có 2,3 triệu học sinh từ lớp 1 - 12, nếu mỗi sáng số học sinh này đến trường kèm theo phụ huynh thì không tắc mới lạ. Đó là chưa kể, các gia đình bệnh nhân, sinh viên cùng đến viện, đến trường.
Vì vậy, vấn đề then chốt là phải giải quyết vấn đề giao thông đô thị và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị là quan trọng.
Về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận tại các phiên chất vấn của HĐND thành phố, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên tỷ lệ giải ngân của Hà Nội vượt lên bình quân chung của cả nước. Ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 đạt 91,5% kế hoạch thành phố giao và hơn 100% kế hoạch Trung ương giao.
Đối với việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư công, cuối năm 2023, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chủ động kiểm điểm sâu về vấn đề này để phân định rõ trách nhiệm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, quan điểm của thành phố là tháo gỡ, thúc đẩy, giúp các chủ đầu tư hoàn thành các dự án đủ điều kiện; đối với những dự án không thể triển khai, thành phố sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Về nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, những nội dung này đã được thành phố đề xuất, kiến nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế đặc thù, từ đó bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng.
Thành phố đã rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, trong đó đặc biệt ưu tiên những tuyến đường giao thông kết nối với các tỉnh giáp ranh Hà Nội, từ đó nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường “ngoại giao giao thông” nhằm nâng cao hiệu quả kết nối liên tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô.
Bình luận