Sau sự cố 'cả đội Long An đứng im cho CLB TP.HCM ghi bàn', chủ tịch CLB Long An, ông Võ Thành Nhiệm đã viết đơn xin từ chức.
"Tôi xin từ chức, đó là cách xin lỗi duy nhất tôi nghĩ đến lúc này. Đó cũng là cách nhận trách nhiệm của lãnh đạo nhiều nơi trên thế giới" – ông Nhiệm nói trên Zing.vn.
Ông Nhiệm không giấu được sự mệt mỏi sau sự cố ở sân Thống Nhất chiều 19/2. Trong sáng 20/2, ông liên tục phải trả lời báo chí. Ông đã đưa ra lời xin lỗi tới Ban tổ chức giải và người hâm mộ cả nước.
Trên trang Bongdaplus, ông Nhiệm nói: “Do quá bức xúc nên bản thân tôi cũng có những sai sót khi phản ứng thiếu kiềm chế. Các cầu thủ cũng đã có những hành động không đẹp mắt, đáng phê phán. Thay mặt đội bóng, trong vai trò Chủ tịch CLB, tôi xin gửi lời xin lỗi đến BTC, khán giả vì những hình ảnh không đáng có ở trận đấu vừa rồi”.
Ông Võ Thành Nhiệm cũng khẳng định không chỉ đạo các cầu thủ chơi tiêu cực, chỉ xuống sân cùng cầu thủ phản ứng, gây áp lực để trọng tài thay đổi quyết định. Việc các cầu thủ bỏ cuộc là hành động tự phát.
Ông Võ Thành Nhiệm là em trai của Chủ tịch VPF, ông Võ Quốc Thắng. Ông Nhiệm từng nhiều năm cùng anh trai gắn bó và gầy dựng nên CLB Đồng Tâm Long An trước đây. Sau khi ông Võ Quốc Thắng lên làm Chủ tịch Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Nhiệm được giữ vai trò Chủ tịch CLB Long An.
Video toàn cảnh màn bỏ thi đấu xấu hổ của CLB Long An
Trong sự cố trên sân Thống Nhất chiều 19/2, ông Võ Quốc Thắng cũng trực tiếp có mặt trên sân. Ông tỏ rõ sự không hài lòng về cách phản ứng của đội bóng nhà. Chính ông sau đó đã chỉ đạo cho BTC giải phải xử lý nghiêm vụ việc.
“Đội bóng không có quyền phản ứng phản cảm như vậy. Phải tuân thủ mọi quyết định của trọng tài trên sân. Quan điểm rõ ràng của tôi là như vậy. Đừng vì ông Võ Quốc Thắng làm chủ tịch VPF mà không xử nghiêm” – ông Thắng nói.
VFF sẽ xử CLB Long An thế nào?
Điều 69. Bỏ trận đấu, giải đấu
1. Nếu một CLB, đội bóng từ chối thi đấu một trận đấu không phải vì lý do bất khả kháng hoặc tự ý bỏ cuộc không tiếp tục trận đấu với bất cứ lý do nào sẽ bị phạt tiền tối thiểu 100.000.000 đồng, bị loại khỏi giải và phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba Quốc gia từ mùa giải sau. Toàn bộ kết quả thi đấu (nếu có) của đội bóng khác đối với đội bóng này đều bị huỷ bỏ. Người chủ mưu bị phạt tiền 10.000.000 đồng và bị cấm 05 năm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải tổ chức. Trường hợp không phát hiện được người nào chủ mưu thì Trưởng đoàn (hoặc người có trách nhiệm cao nhất của CLB, đội bóng tại trận đấu đó), huấn luyện viên trưởng, Đội trưởng sẽ bị phạt như người chủ mưu.12. Nếu một CLB, đội bóng có hành vi dẫn tới việc trận đấu không thể diễn ra hoặc không thể thi đấu đủ thời gian thì CLB, đội bóng đó sẽ bị phạt tiền tối thiểu 100.000.000 đồng và bị xử thua 0-3 hoặc trận đấu sẽ phải tổ chức thi đấu lại.
Trong trường hợp nghiêm trọng, CLB, đội bóng có thể phải chịu thêm hình thức kỷ luật tại Điều 5 của Quy định này.
3. Nếu một CLB, đội bóng không tiếp tục tham dự giải trong khi giải đấu đang diễn ra, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 12 Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt tiền tối thiểu 300.000.000 đồng và phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba Quốc gia từ mùa giải sau.
- Toàn bộ kết quả thi đấu của đội bóng này đối với đội bóng khác (nếu có) đều bị huỷ bỏ.
- Đền bù các thiệt hại đối với đơn vị tổ chức giải, BTC trận đấu, CLB, đội bóng và các chi phí hợp lý khác có liên quan đến công tác tổ chức, tham gia các trận đấu bị hủy bỏ đến thời điểm bỏ giải.
- Người đứng đầu CLB, đội bóng sẽ bị cấm tối thiểu 05 năm tham gia các hoạt động bóng đá do LĐBĐVN, đơn vị tổ chức giải tổ chức. Nếu xác minh được các đối tượng khác có liên quan đến vụ việc, thì đối tượng đó cũng sẽ bị xử lý tương tự quy định đối với người đứng đầu CLB, đội bóng.
Bình luận