• Zalo

Chủ shop online 'mách kế' giảm bao bì nhựa

Chuyển đổi xanhThứ Hai, 23/12/2024 10:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Khảo sát của WWF năm 2023, hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được các thương nhân sử dụng đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online.

Đặc biệt, ngành quần áo, thời trang, phụ kiện có đến 90% thương nhân sử dụng loại bao bì này để đóng hàng.

Hàng gì… bao bì phù hợp

Báo cáo “Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023” do tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) phối hợp thực hiện chỉ ra: Khi bán hàng đa kênh thì số lượng nylon dùng trong đóng gói chiếm tỷ trọng rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh, với các tỷ lệ tương ứng là 71,9% và 50%.

Nguyên nhân có thể là do sự tiện lợi và giá rẻ nên túi nylon đang rất được ưa chuộng.

Trong kinh doanh ngành hàng “quần áo, thời trang, phụ kiện”, sử dụng vật liệu đóng gói ở ngành này tương đồng với các ngành khác và đều ưu tiên sử dụng carton hoặc carton kết hợp túi nylon với tỷ lệ 70% với đơn hàng thời trang và 55% cho các ngành khác. Tỷ lệ sử dụng túi giấy ở mức thấp, dao động trong khoảng 10% cho mọi đơn hàng.

Phần lớn các bao bì từ mua hàng online đều không được tái sử dụng.

Phần lớn các bao bì từ mua hàng online đều không được tái sử dụng.

Giảm nhựa trong kinh doanh online là bài toán không đơn giản” - chị Bùi Thị Lan chủ shop thời trang (Hà Nội) cho biết - “Vật liệu đó cần phải đảm bảo rẻ, dễ vận chuyển và có tính thẩm mỹ”.

Chị Lan tham gia chương trình “Giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử” từ tháng 8/2024. “Tôi đã tìm hiểu về tác hại của bao bì nhựa, cũng như các giải pháp đi kèm để thay thế hiệu quả” - chị Lan nói.

Một trong những thay đổi lớn nhất trong đóng gói của chị là xác định mặt hàng phù hợp với vật liệu đóng gói.

Thời trang, vải vóc thường mềm, bình thường cửa hàng tôi sẽ gói ít nhất 2 lớp túi/đơn hàng. Tuy nhiên, bây giờ chỉ còn một lớp túi duy nhất và không cần dùng thêm hộp carton bên ngoài”.

Đối với ngành hàng mỹ phẩm, phụ kiện thường sử dụng lớp lót, lớp chống sốc để mặt hàng không bị móp méo. Chị Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Long Khánh (Hà Nội) - cho biết, công ty đã yêu cầu đóng gói theo kích thước của sản phẩm.

“Những chai đựng mỹ phẩm bằng thủy tinh thường nhỏ bằng 3 ngón tay, rất dễ vỡ trong quá trình di chuyển. Trước đây chúng tôi thường quấn nhiều lớp túi chống sốc và đặt vào hộp, loại hộp này thường to hơn nhiều so với sản phẩm nên lớp chống sốc lại càng dày” - chị Thủy cho biết.

Nhân viên công ty mỹ phẩm Long Khánh đang thực hiện tách hộp cũ để tạo ra hộp mới theo kích thước sản phẩm.

Nhân viên công ty mỹ phẩm Long Khánh đang thực hiện tách hộp cũ để tạo ra hộp mới theo kích thước sản phẩm.

Qua quá trình tìm hiểu, chị Thủy yêu cầu nhân viên cắt và đóng hộp theo kích thước sản phẩm để hạn chế lớp túi chống sốc. “Trong một số trường hợp chúng tôi sử dụng giấy báo, giấy vệ sinh để bọc sản phẩm, dùng lá khô thay bọt bóng để chèn trong khoảng trống của hộp” - chị Thủy mừng vì khách hàng không phản hồi xấu.

Việc lựa chọn bao bì rất khó khăn, đặc biệt là bao bì chứa thực phẩm. Trong trường hợp này cần cân nhắc nhiều vấn đề: bảo quản, hậu cần, an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ sản phẩm…

Các chuyên gia cho rằng, câu trả lời không phải là tránh nhựa bằng mọi giá. “Rõ ràng việc loại bỏ toàn bộ sản phẩm nhựa dùng một lần và các bao bì thực sự là bất khả thi. Tuy nhiên, vấn đề rất lớn hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt đó là người bán hàng/ nhà sản xuất đang lạm dụng sản phẩm nhựa và chúng ta sử dụng quá nhiều bao bì nhựa trong đóng gói và vận chuyển, tức là rất nhiều lớp và quá an toàn” - PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Do đó vấn đề không phải là tránh một vật liệu bằng mọi giá mà là hạn chế các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, thiết kế việc sử dụng nó một cách bền vững và tránh bao bì dùng một lần.  

Suy ngẫm về sự bền vững

Các thương nhân cơ bản hiểu về tác hại của nhựa từ các gói hàng online. Tuy nhiên, các thương nhân tham gia chương trình giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử đều cho rằng, việc này cần sự vào cuộc và thống nhất của nhiều bên.

Chị Bùi Thị Lan cho rằng, đơn vị thiết kế đồ đựng cần tính đến: hạn chế tối đa sử dụng vật liệu và phụ gia. “Tôi được biết trong túi nylon có nhiều phụ gia mà khi bị phân hủy, phụ gia này sẽ ngấm vào đất, nguồn nước gây độc hại cho con người và sinh vật”. Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh kích thước cho phù hợp với sản phẩm được chứa bên trong, tránh đóng gói quá nhiều, hạn chế được  vật liệu chèn lót.

“Tôi luôn nghĩ đến chiếc túi đóng hàng, có quai xách để làm sao khi mở ra khách có thể sử dụng túi đó đi chợ, đựng rác…nghĩa là được tái sử dụng nhiều hơn một lần” - chị Lan nói.

Sản phẩm đóng gói cần thân thiện môi trường ngay từ dây buộc.

Sản phẩm đóng gói cần thân thiện môi trường ngay từ dây buộc.

Còn chị Ngô Thanh Thủy cho rằng, trên các sàn thương mại nên có mục lựa chọn vật liệu đóng hàng. “Khách hàng có thể tick vào ô yêu cầu đóng bằng vật liệu nylon, hộp carton hay bằng vải chẳng hạn. Với đồ ăn thì nên lựa chọn bạn có cần dao thì đũa đi kèm không?” - chị Thủy nói đây là điểm hạn chế khi mua hàng online. Nếu đã có quy định này thì cần có chính sách yêu cầu các sàn thương mại tuân thủ tuyệt đối.

Các chuyên gia cho rằng, khách hàng cần được thông báo về cách thức sử dụng cho phép sản phẩm ít ảnh hưởng nhất đến môi trường sau khi kết thúc thời hạn sử dụng. Ví dụ, họ có cần phải tái sử dụng, gửi trả lại sản phẩm, phân loại, chuyển đến nơi thu gom hay không. Thông tin này cần được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm để người dùng dễ tiếp cận nhất.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn