Hình thức đầu tư BOT được hiểu là việc Chính phủ kêu gọi các công ty bỏ vốn xây dựng thông qua hình thức đấu thầu. Sau đó, công ty trúng thầu được phép khai thác vận hành trong một thời gian và sau cùng chuyển giao lại cho nhà nước.
Cách làm BOT nhằm mục đích huy động nguồn vốn tư nhân, giảm áp lực ngân sách. Song, những dự án BOT ở nước ta có đáp ứng được mục đích này hay không? Đó là vấn đề được Nhà báo – Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn đặt ra đối với Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Hồng Trường và các cơ quan liên quan.
- Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Nhà nước có quy định nhà đầu tư phải có vốn từ 10 - 15%. Vậy vốn mà doanh nghiệp đầu tư BOT có được khóa trước trong một tài khoản nào đấy hay rải đều trong quá trình thực hiện này?
Vidifi là trường hợp đặc biệt vốn rất cao. Nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án không như Vidifi, không như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì với tỷ lệ 10 – 15%, có những dự án có vốn đến vài trăm tỷ là đáp ứng được yêu cầu này. Với mức độ đòi hỏi này (tôi không nói với những dự án quá lớn nhưng với nhiều dự án BOT) chúng ta có bảo đảm huy động được vốn của xã hội? Hay chúng ta huy động chủ yếu từ ngân hàng?
- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Về vấn đề này, tôi khẳng định là bắt buộc, tất cả các nhà đầu tư thì khi có vốn sở hữu mà được ngân hàng chứng nhận thì mới được cấp giấy phép đầu tư và Bộ GTVT kiểm soát rất kỹ vấn đề này. Đồng thời đối với các ngân hàng khi chưa có vốn chủ sở hữu này thì ngân hàng không bao giờ ký cho vay vốn tín dụng và yêu cầu giải ngân hết vốn sở hữu đó thì mới cho giải ngân vốn vay. Cho nên vừa rồi báo cáo những nhà BOT nào không có vốn chủ sở hữu thì dự án đó không thành công.
- Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Về vốn tự có 10%, 15%. BOT có nhiều dự án to nhỏ khác nhau. Rất nhiều những người trong cuộc, nhiều chuyên gia vẫn có một suy nghĩ: Với quy định về vốn tự có như hiện nay, có thể tay không làm BOT. Không ai khác, chính cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng hỏi thẳng một nhà đầu tư rằng “các ông có tiền thật không, hay định tay không bắt giặc?”.
Có những người gửi đến cho tôi phân tích con đường từ lúc lập phương án tài chính cho đến lúc chủ đầu tư có quyền tổ chức đấu thầu cho các nhà thầu, có những cách để nhà đầu tư không có vốn đầy đủ vẫn có thể thực hiện được BOT. Tôi cho rằng, đúng hay sai thì cũng cần nghiên cứu khả năng này, vì rõ ràng phần 10%- 15%, còn lại là huy động ngân hàng thì là điều đáng suy nghĩ. Có người cho rằng phải nâng tỷ lệ vốn tự có của doanh nghiệp lên, nhưng tôi nghĩ rằng cũng sẽ rất khó cho doanh nghiệp làm những công trình lớn như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng có thể có cách tiếp cận riêng rẽ với từng quy mô không?
Có người đặt câu hỏi là, ở Singapore có mô hình công ty nhà nước Temasek chuyên thay mặt nhà nước đi làm những công trình kiểu BOT và họ vay vốn của ngân hàng. Cơ chế này về tỷ lệ vay vốn, cung cách vay vốn chẳng khác gì BOT (của tư nhân). Hai cách ấy thì cách nào hơn cách nào, tại sao nhất định phải là một cách? Đây cũng là một đề xuất.
Video: Chủ tịch HĐQT Cty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam nói về vốn dự án BOT
Video: Đại biểu Nhân dân
- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Thực ra đây là quy định của pháp luật. Làm một dự án BOT thì anh chỉ cần vốn tối thiểu là 10% đến 15%, đấy là tối thiểu, còn lớn hơn thì càng tốt. Còn vốn còn lại anh được phép huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp khác.
Chúng ta nhiều người hiểu là như vậy là tay không bắt giặc, nhưng đây không phải thế. Cái này là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, là nhà đầu tư chỉ cần mức tối thiểu, là 10% vốn tối thiểu. Và nếu không có vốn tổi thiểu này không bao giờ Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy phép đầu tư và ngân hàng không bao giờ giải ngân nếu như vốn đó không được giải ngân trước.
Còn nếu một dự án nào đó không thực hiện đúng cái này thì Bộ GTVT cũng không cho phép triển khai thi công. Mặc dù anh là chủ đầu tư rồi, nhưng vốn chủ sở hữu góp chưa đủ, các nhà đầu tư chưa thành lập doanh nghiệp dự án thì Bộ GTVT cũng không cho làm.
Video: Tác động từ những dự án BOT mang lại với đất nước, người dân
Video: Đại biểu Nhân dân
Tháng 6 tới đây Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết 5 năm về đầu tư các dự án BOT. Sau khi tiếp thu ý kiến các chuyên gia, lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các tổ chức của các Bộ tham gia về BOT, Bộ sẽ trình Chính phủ đưa ra các cơ chế mới. Sau đó, mới tiếp tục đầu tư các dự án BOT tiếp theo.
Hiện tại các dự án BOT mới đã được tạm dừng vì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân.
Bức xúc về việc tăng mức phí ở các dự án BOT, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để xem lại mức thu phí hiện nay ở các trạm BOT để thứ nhất có thể giãn thời gian thu phí ra để giảm áp lực vấn đề tăng mức phí hiện nay lên.
Thứ hai có thể ghép các trạm này vào với nhau để giảm bớt để làm thế nào các doanh nghiệp vận tải không bị khó khăn hơn.
Chúng tôi hy vọng có sự vào cuộc của các cơ quan để chúng ta thực hiện thành công việc phát triển cơ sở hạ tầng như chúng ta vẫn khẳng định nếu chúng ta không dùng các dự án đầu tư BOT thì chúng ta không thể phát triển đất nước.
Bình luận