Đến sáng nay (5/12), tất cả trường hợp F1, F2 của các ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM, khởi phát từ BN1342 lây cho BN1347, BN1348, BN1349 đều âm tính, nhưng tình huống lây nhiễm là lời cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhất là sự chủ quan, lơ là của chính quyền, lực lượng phòng chống dịch ở cơ sở.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, hàng nghìn cuộc họp, cuộc tập huấn được tổ chức nhằm quán triệt tới tất cả các cấp chính quyền đến tận thôn, xóm, tổ dân phố, từng người dân, tinh thần chống dịch quyết liệt, kỷ cương, kỷ luật theo 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị.
Nhất là tình hình hiện nay, mỗi ngày trên thế giới hàng gần nửa triệu người nhiễm, hơn 10.000 người tử vong vì COVID-19 thì Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài thì nước cao, sóng lớn”. Do vậy, chúng ta tiếp tục phải “bao đê cho chặt”, giữ cho chắc.
Tất cả các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống COVID-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia) đều nhấn mạnh nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực.
Hàng trăm quy định, hướng dẫn phòng chống dịch được ban hành hết sức chi tiết, cụ thể. Ban Chỉ đạo quốc gia nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và đặc biệt là 14 ngày giám sát y tế sau khi cách ly.
Tại các cuộc họp trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo quốc gia, ngày 17/9 và 3/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương nhất là chính quyền, lực lượng công an, y tế cơ sở phải nắm được từng ngày trên địa bàn của mình có bao nhiêu người nhập cảnh, thuộc diện cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Mỗi ngày phải hỏi thăm những người này ít một lần về tình trạng sức khoẻ, việc tuân thủ các quy định cách ly, phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đề cao kỷ cương mới giữ được bình yên đất nước trước đại dịch COVID-19. “Từng địa phương phải nắm được ngày hôm nay trên địa bàn có bao nhiêu người từ nước ngoài về và trong vòng 28 ngày phải có cách để hỏi đáp ít nhất mỗi ngày một lần. Bộ Y tế phải lệnh cho cán bộ cấp dưới. Trưởng ban chỉ đạo các tỉnh phải lệnh xuống cấp dưới. Ngành công an cũng phải thế. Nếu phát hiện trường hợp thuộc diện cách ly tại nhà mà đi ra ngoài thì phải xử phạt thật nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.
Nhìn lại tình huống lây nhiễm ở TP.HCM, rõ ràng chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế đã không làm tròn trách nhiệm. Nếu chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ thì BN1342 không thể gặp người thân, đi ra ngoài gặp bạn bè, đi học, thậm chí đi ăn uống ở nhiều nơi đến như vậy. Điều đáng nói, ở nhiều địa phương khác cũng có tình trạng chính quyền cơ sở lơ là, chểnh mảng, không hỏi han, giám sát đối với người thuộc diện cách ly, giám sát y tế tại nhà.
Công tác phòng chống dịch sẽ ra sao nếu vẫn tiếp diễn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh"? Chúng ta cần làm rõ trách nhiệm của người vi phạm và nhất là sự lơ là, chủ quan của chính quyền địa phương, các lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt là trách nhiệm trực tiếp của chính quyền cơ sở và phải xử lý nghiêm.
Các quy định, hướng dẫn đã có đầy đủ, chi tiết, vì vậy kỷ luật, kỷ cương là mấu chốt của nhiệm vụ phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.
Cũng qua tình huống lây nhiễm ở TP.HCM, một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của công tác truy vết, theo dấu ca bệnh.
Tại buổi báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác hỗ trợ cho lực lượng phòng chống dịch của TP.HCM, các chuyên gia của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Tổ Thông tin) cho biết đã vào cuộc ngay khi có thông tin về các ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM.
Tổ Thông tin hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch TP.HCM xác minh nhanh nhất những “khoảng trống” thông tin về một số thời điểm, lịch trình di chuyển BN 1342 khi ra khỏi nhà gặp bạn bè, đi học…, chuyển giao phương pháp, kỹ thuật truy vết, theo dấu ca bệnh mới. Nhờ vậy, lực lượng phòng chống dịch TP.HCM đã xác định nhanh hàng nghìn trường hợp F1, F2, ngăn chặn chu kỳ lây nhiễm tiếp theo.
Bài học được rút ra là tất cả các bước trong quy trình truy vết, theo dấu ca nhiễm phải được tuân thủ đầy đủ, nếu bỏ sót bất cứ khâu nào cũng có thể để lọt trường hợp nghi nhiễm ở ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, từ thực tế tại TP.HCM, các chuyên gia kiến nghị phải bổ sung thêm những biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả của công tác truy vết, theo dấu ca bệnh.
Cụ thể, trung tâm kiểm soát dịch bệnh, ban chỉ đạo chống dịch địa phương, bộ phận kỹ thuật của Ban Chỉ đạo quốc gia phải được truy cập trực tuyến vào hệ thống camera giám sát trong các khu cách ly dân sự, để theo dõi, giám sát, kiểm tra đột xuất và xử lý ngay khi tình huống xảy ra.
Trước thực tế rất nhiều người thuộc diện cách ly không cài đặt, hoặc có cài đặt nhưng không bật các ứng dụng giám sát y tế trực tuyến, cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19 như NCOVI, Bluezone..., các chuyên gia kiến nghị phải có quy định bắt buộc, thậm chí xem xét phương án sử dụng vòng đeo tay điện tử để giám sát người thuộc diện cách ly.
Cùng với việc kêu gọi mọi người dân, chúng ta cần khuyến nghị mạnh mẽ, thậm chí quy định bắt buộc nhân viên y tế, giáo viên, sinh viên các trường đại học cài đặt, sử dụng các ứng dụng giám sát y tế trực tuyến, cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19. Điều này đặc biệt quan trọng để cảnh báo, truy vết nhanh người nghi nhiễm COVID-19, nhất là trong tình huống xuất hiện nhiều ca bệnh cùng lúc ở nhiều nơi.
Các địa phương cần được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật truy vết, theo dấu ca bệnh, có các trường hợp giả định để sẵn sàng cho những tình huống khác nhau.
Qua gần một năm chống “giặc” COVID-19, có thể nói đến nay những quy định, hướng dẫn đã rất đầy đủ, cụ thể, chi tiết, vấn đề luôn nằm ở khâu thực hiện, giám sát, kiểm tra. Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Bài học Đà Nẵng hay trường hợp BN1342 ở TP.HCM cho thấy sự lơi lỏng, chủ quan của bất kỳ ai, ở bất kỳ khâu nào trong công tác phòng chống dịch cũng có thể khiến hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học, hàng nghìn doanh nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thậm chí đến cả nước.
Chúng ta không được phép để những bài học đó trở thành vô ích, do đó, phải tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cho đến từng người dân. Mọi vi phạm phải xử lý cương quyết, nghiêm khắc, có vậy mới giữ được bình yên cho đất nước.
Bình luận