MobiFone tách ra riêng và cổ phần hóa sẽ trở thành một 'siêu' cổ phiếu, một trụ cột tỷ đô của sàn chứng khoán.
Nhận diện siêu cổ phiếu
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định tách MobiFone khỏi VNPT để điều chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) quản lý. Đây là quyết định được mong chờ suốt một năm qua. Đặc biệt, theo yêu cầu của Thủ tướng, ngay trong 2014, Bộ TT&TT phải trình Phương án cổ phần hóa MobiFone.
Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, nhiều khả năng cổ phần hóa MobiFone sẽ hiện thực trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, theo đề án phát triển TTCK của UBCKNN đang xây dựng để trình Bộ Tài chính, cổ phần hóa sẽ gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán..
Như vậy, giấc mơ cổ phiếu MobiFone có mặt trên sàn sắp thành hiện thực. Hàng loạt các nhà đầu tư lớn trong nước, các đại gia đang ôm tiền và các quỹ đầu tư nước ngoài đang sẵn sàng bơm vốn vào chứng khoán Việt Nam... sẽ có cơ hội đầu tư vào một trong những cổ phiếu được đánh giá là siêu khủng và siêu hot. .
Thực tế, chủ trương cổ phần hóa MobiFone có từ 2005, giới đầu tư đã khao khát được sở hữu cổ phiếu này. Ngay từ thời kỳ đầu, rất nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đã nhảy vào nộp hồ sơ để tư vấn CPH. MobiFone khi đó được đánh giá khoảng 2 tỷ USD. Nhiều hãng viễn thông nước ngoài công khai quyết tâm theo đuổi kế hoạch mua cổ phần, thành cổ đông chiến lược MobiFone.
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định tách MobiFone khỏi VNPT để điều chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông
Trong mảng viễn thông, MobiFone được biết đến là nhà mạng đời đầu, có chất lượng cao và số thuê bao hàng chục triệu đơn vị. Nằm trong top 3 ông lớn trong ngành, MobiFone hiện nắm 20-30% thị phần di động...
Lợi thế vượt trội của MobiFone là có một thương hiệu rất mạnh, có cơ sở dịch vụ phát triển khá đầy đủ khắp trong nước cũng như hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong 20 năm qua.
Đặc biệt hơn, theo quyết định lần này, MobiFone được ra ở riêng không phải đem theo những DN con của VNPT đang có nhiều khó khăn... cũng như hàng loạt các khoản đầu tư "lịch sử" khác.
Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2012, trong năm 2012, MobiFone có lợi nhuận hơn 6.700 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận hợp nhất (gồm cả MobiFone) của VNPT chỉ là chưa tới 5.460 tỷ đồng. Hai vệ tinh Vinasat đang lỗ hàng nghìn tỷ đồng, còn PTFinance cũng âm vốn chủ sở hữu.
Hấp dẫn hơn?
Thông tin MobiFone được tách ra khỏi VNPT và sẽ có kế hoạch CPH ngay trong năm 2014 thu hút sự quan tâm khá lớn nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều băn khoăn còn lại là, 2014 cũng như 2015, TTCK sẽ chứng kiến một làn sóng cổ phần hóa, IPO và niêm yết cổ phiếu trên sàn. Liệu sự nóng của MobiFone có còn được như trước đây?
MobiFone tách ra riêng và cổ phần hóa sẽ trở thành một 'siêu' cổ phiếu, một trụ cột tỷ đô của sàn chứng khoán.
Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã và đang chờ IPO như Viglacera, Vietnam Airlines, các tổng công ty xây dựng và giao thông... Nhiều doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu thoái vốn với hạn chót là 2015. Ngay cả các ngân hàng cũng sẽ được yêu cầu phải đưa cổ phiếu lên sàn... Nguồn cung hàng được dự báo dồi dào có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán cũng như ảnh hưởng tới sự ra mắt của các cổ phiếu mới.
Tuy nhiên, thực tế chứng khoán thời gian qua lại mang đến một lợi thế cho nhà đầu tư. Theo đánh giá của các nhà phân tích, sự đi xuống của thị trường trong thời gian gần đây đã kéo chỉ số P/E của VN-Index xuống mức rất thấp, dưới 13 lần, hấp dẫn hơn rất nhiều so với P/E của một số thị trường chứng khoán như Thái Lan, Philippines, Indonesia (hiện đang dao động từ 16-23 lần).
Không những thế, gần đây, có nhiều thông tin cho thấy, các quỹ đầu tư nước ngoài đang sẵn sàng bơm vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hơn thế, khối ngoại thường hướng dòng tiền đến các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Masan, Vinamilk...
Đối với khối ngoại, sự xuất hiện của các cổ phiếu lớn như MobiFone rất có ý nghĩa bởi với họ các cổ phiếu blue-chips hàng đầu như Vinamilk đều đã hết room, cổ khủng như GAS thì Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ lớn. Các quỹ có quy mô một vài trăm triệu USD thực sự khó tìm kiếm cổ phiếu để đầu tư.
MobiFone cũng là một doanh nghiệp hàng đầu, hoạt động trong một lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Với các nhà đầu tư nước ngoài, viễn thông là một trong các ngành hấp dẫn nhất nhưng theo cam kết WTO, ở lĩnh vực dịch vụ viễn thông cơ bản, bên nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức liên doanh với nhà khai thác Việt Nam đã được cấp phép, vốn góp tối đa 49% vốn pháp định của liên doanh.
Điều này đồng nghĩa với việc, để thâm nhập vào thị trường hơn 90 triệu dân với số lượng thuê bao cao hơn nhiều con số đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn con đường hiệu quả nhất là mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước mà MobiFone đang là "hoa hậu".
Cho tới thời điểm này, chưa có thêm thông tin nào về kế hoạch cổ phần hóa được công khai. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là các ông lớn ngoại đã có gần 10 năm tìm hiểu "cô gái đẹp" MobiFone. Sự ra mắt ấn tượng và mới mẻ trong lần "ra ở riêng" lần này có thể khiến tình hình thay đổi. Rất có thể sự ra mắt mới mẻ lần này đáp ứng mong mỏi của giới đầu tư và có thể sẽ khiến cho cổ phiếu MobiFone hấp dẫn hơn.
Theo Huấn Tú/Vietnamnet
Bình luận