• Zalo

Chợ dân sinh áp đảo, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn khó phát triển

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Năm, 08/12/2022 16:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn vì số lượng chợ dân sinh áp đảo so với siêu thị.

Tại tọa đàm “Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn” ngày 7/12, Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng quá trình triển khai hệ thống phân phối an toàn thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân trước hết là do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh sản xuất của chúng ta chiếm đến hơn 97%, trong khi chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn là nơi mà 70% lượng thực phẩm đi qua. Vì vậy việc kiểm soát, tuân thủ pháp luật của các tiểu thương ở đây vẫn còn nhiều hạn chế.

“Chúng ta còn phải cần rất nhiều thời gian để tập huấn kiến thức cho bà con tiểu thương phân biệt được hàng hóa thế nào là thực phẩm bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn, quy cách để bảo quản những thực phẩm đó trong thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra, tập huấn cho người tiêu dùng biết được cách lựa chọn thông thái, thông minh nhất những thực phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", bà Nga nói.

Ngoài ra, một khó khăn nữa là việc thiếu vốn trong triển khai xây dựng cũng như nhân rộng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo quy trình quản lý tốt nhất, văn minh nhất như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh hay là các tổng kho thực phẩm…

Chợ dân sinh áp đảo, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn khó phát triển - 1

Thêm nữa, các mối liên kết trong việc xây dựng những chuỗi giá trị về nông sản thực phẩm an toàn còn đang rất lỏng lẻo. Để kết nối được từ sản xuất, phân phối đến những dịch vụ hỗ trợ bên lề như tài chính, logistics, chứng nhận chất lượng, kiểm tra kiểm soát thị trường…có những địa phương làm rất tốt nhưng có những địa phương còn rất nhiều khó khăn.

Theo bà Nga, cái khó ở đây là do vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế chưa đạt trên mức trung bình, bên cạnh đó còn những yếu tố chủ quan về quản lý nhà nước hay kiến thức của cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vẫn còn đang hạn chế…

Thêm nữa, công tác truyền thông chưa được thường xuyên, liên tục đối với việc tôn vinh những mô hình, những doanh nghiệp, những cá nhân làm tốt về an toàn thực phẩm và cả việc bêu gương xấu những đơn vị làm chưa tốt để người tiêu dùng tránh xa những sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trung – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Masan MeatLife cho rằng việc kiểm soát chất lượng an toàn của thực phẩm không chỉ làm ở phần ngọn mà phải làm từ gốc, như vậy mới tạo ra chuỗi giá trị an toàn từ trang trại đến bàn ăn, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người tiêu dùng.

“MeatLife áp dụng quy trình 3 tuyến kiểm duyệt: heo khỏe ở trại về tới nhà máy được kiểm dịch bởi thú y, sau khi giết mổ xong từng con một sẽ được lấy hạt để kiểm tra mức độ an toàn về thực phẩm trước khi đến người tiêu dùng. Như vậy, sản phẩm không tồn dư kháng sinh, không chất cấm, không chất hóc môn tăng trưởng, an toàn về mặt lý học và sinh học, không có những vi sinh, vi khuẩn, virus có hại ở trong hộp thịt MEATDeli”, ông Trung cho biết.

Tương tự, để đảm bảo an toàn sản phẩm, bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) chia sẻ, ngay từ đầu Honeco đã tập trung xây dựng quy trình, tập huấn cho các trang trại liên kết hoạt động theo quy trình nhất định của nhà máy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nga cho biết: "Doanh nghiệp nuôi ong theo phương pháp sinh học, không sử dụng đến kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, không sử dụng đường sắt ca rô cho ong ăn trong quá trình khai thác. 100% nguyên liệu đầu vào nhà máy đều được công ty lấy mẫu và kiểm tra. Đồng thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến, sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm"

Việc nhân rộng các mô hình an toàn thực phẩm là rất cần thiết, bà Lê Việt Nga cho rằng, cho tới nay, 70% nguồn thực phẩm vẫn qua chợ, siêu thị mới chỉ tải khoảng độ 25%, số ít còn lại qua kênh thương mại điện tử. Trong khi việc đầu tư phát triển nhanh các hệ thống phân phối thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, nhanh chóng cải tạo hạ tầng thương mại tại các chợ truyền thống lại cần nguồn vốn lớn.

Do đó, doanh nghiệp phải cùng ngồi lại với các bộ ngành như Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để tìm được nguồn vốn cho hạ tầng, đầu tư máy móc, thiết bị giúp bảo quản thực phẩm an toàn…

Theo số liệu của các địa phương, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 254 trung tâm thương mại, trong đó tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh) có 98 trung tâm thương mại, chiếm 38,58% so với cả nước.

Số lượng siêu thị của cả nước năm 2021 là 1167 siêu thị, trong đó cũng tại 5 thành phố lớn có 469 siêu thị, chiếm 40,19% số siêu thị của cả nước. Ngoài ra là hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn với một tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn