Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể diễn ra ở Nam bán cầu bởi Bắc Kinh đang giành lợi thế trước Washington tại đây. Trong khi đó, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rất ít quốc gia muốn chọn bên. Và đối đầu giữa hai cường quốc này được cho sẽ diễn ra ở châu Âu, nơi Washington vốn có quan hệ truyền thống, còn Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng.
Cựu Tổng thống Pháp Charles De Gaulle từng chia sẻ: “Không phải chính khách châu Âu sẽ thống nhất châu Âu mà châu lục này sẽ được thống nhất bởi người Trung Quốc". Thời điểm đó, ông Charles De Gaulle đã đưa ra những dự báo về sức mạnh, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với lục địa già.
EU thay đổi thái độ
Thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) liên tục có những động thái cho thấy mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh, cũng như tìm kiếm tiếng nói tương đồng trong các vấn đề quốc tế phức tạp.
Loạt quan chức EU có chuyến thăm Trung Quốc. Đầu tháng 3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tới Trung Quốc. Lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc là Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông là lãnh đạo một quốc gia châu Âu đến quốc gia châu Á kể từ khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt phòng chống COVID-19 vào năm 2022.
Chưa hết, tiếp đó, hôm 6/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thực hiện chuyến công du đến Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Bắc Kinh, bà Ursula von Der Leyen nhấn mạnh, EU cần phải “kiểm soát căng thẳng” và “giảm rủi ro” trong mối quan hệ với Bắc Kinh, cả về chính trị và kinh tế. Vị này cho rằng, EU không nên “tách rời” hoàn toàn khỏi Trung Quốc, "điều đó không khả thi và cũng không có lợi cho châu Âu”.
Trước chuyến thăm, bà von der Leyen khẳng định đảm bảo ổn định ngoại giao với Trung Quốc là điều quan trọng với châu Âu. Theo bà, chuyện EU xa rời Trung Quốc là không khả thi khi nước này là đối tác thương mại quan trọng của khối, chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của EU và 20% hàng hóa nhập khẩu vào khối.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cũng cho hay, EU sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu phải tránh bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan. Đồng thời, ông Macron khẳng định, châu Âu không nên trở thành “chư hầu” trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
“Điều tồi tệ nhất là việc người châu Âu chúng ta phải theo sau và tự thích nghi với nhịp điệu của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc", ông Macron nói. Lãnh đạo Pháp nhấn mạnh "EU phải làm rõ quan điểm, đánh giá điểm chung với Mỹ", cho rằng EU nên có chiến lược riêng dù đó là về vấn đề Ukraine, quan hệ với Trung Quốc hay các biện pháp trừng phạt.
Mỹ thu hẹp ảnh hưởng
Đáp lại những bình luận của Tổng thống Macron, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cho biết nếu châu Âu không đứng về phía Mỹ trong vấn đề Đài Loan thì có lẽ Washington nên tập trung vào vấn đề này, trong khi để người châu Âu tự xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Quyền tự chủ chiến lược của châu Âu nằm ở EU hành xử với các cường quốc lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn, châu Âu đang phụ thuộc vào Mỹ. Giới phân tích cho rằng, điều này trong trật tự thế giới đa cực của thế kỷ 21, châu Âu cần vươn lên mạnh mẽ, đóng vai trò là một cực.
Trên thực tế, châu Âu không thể phát triển quyền tự chủ chiến lược của mình khi núp dưới cái bóng, ô bảo trợ an ninh của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Macron từng có câu nói nổi tiếng, NATO đã “chết não”.
Sự đồng thuận duy nhất hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington là tránh một cuộc "chiến tranh nóng". Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ xuất hiện "chiến tranh lạnh" mới giữa Mỹ và Trung Quốc là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến cạnh tranh giữa hai gã khổng lồ về kinh tế và quân sự, không phải là hai khối quân sự như trước đây.
Chiến trường của cuộc chiến tranh này sẽ không nằm ở Nam Bán cầu - nơi Mỹ dường như yếu thế hơn so với Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, càng không thể diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, châu Âu được cho sẽ là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh.
Dần dần, liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ nới lỏng. Chính quyền Mỹ gần đây cũng rút quân khỏi nhiều điểm nóng, không can dự cũng như đẩy mạnh hiện diện quân sự trên phạm vi toàn cầu. Washington phải rút quân ở Trung Đông và châu Âu, để tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài.
Những tổng thống Mỹ trong các nhiệm kỳ gần đây cũng lên tiếng, yêu cầu người châu Âu nắm quyền tự quyết nhiều hơn đối với an ninh của họ. Nói cách khác, châu Âu phải có quyền tự chủ chiến lược, ngay cả khi họ không muốn.
Vị thế Trung Quốc gia tăng
Châu Âu coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh. Việc loạt quan chức châu Âu liên tục đến thăm Trung Quốc được cho xuất phát từ lập trường hiện nay của giới chức châu Âu, họ không muốn cùng lúc duy trì quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh và Moskva. Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, châu Âu càng phải tìm đến Trung Quốc để hòa giải.
Châu Âu được cho sẽ duy trì quan hệ với Trung Quốc và Mỹ theo quan điểm thực dụng. Điều này có nghĩa là châu Âu sẽ đưa ra lựa chọn theo vấn đề xảy ra trong từng trường hợp thay vì nghiêng hẳn về một bên.
Theo tờ The New York Times, dù vẫn hỗ trợ Ukraine, các nước Tây Âu như Đức, Pháp và Tây Ban Nha vẫn muốn cuộc chiến kết thúc bằng ngoại giao càng sớm càng tốt. Châu Âu kỳ vọng Trung Quốc là bên có thể kiềm chế Nga và là tiếng nói mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể lắng nghe. Các nước châu Âu vẫn hy vọng rằng, nếu không phải là một trung gian hòa giải thì Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo bất kỳ giải pháp cuối cùng nào.
Còn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay, có thể thấy, nhiều đề xuất hoà bình đã được lãnh đạo các nươc trên thế giới nêu ra song vì nhiều lý do nên chưa thuyết phục được Moskva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán. Việc Trung Quốc đề xuất kế hoạch hoà bình trong bối cảnh đó nếu thành công sẽ là điểm cộng rất lớn cho Bắc Kinh, nâng vai trò, vị thế của Trung Quốc ở khu vực.
Việc đề xuất kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga - Ukraine cũng như tổ chức cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho thấy tham vọng của Bắc Kinh. Điều này diễn ra vào thời điểm cả Nga và Ukraine đều mệt mỏi sau một năm tham chiến. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu cũng dần cạn nguồn lực để viện trợ cho Kiev.
Các quốc gia phương Tây, trong đó nhiều nước châu Âu muốn xem liệu Trung Quốc có khả năng xoa dịu xung đột hay không. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong cách phương Tây nhìn nhận vai trò của Bắc Kinh.
Trong khi đó, về phần mình, Bắc Kinh hiện đang cố gắng khôi phục thỏa thuận thương mại lớn với EU. Hiệp định Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc gần như đã hoàn chỉnh cách đây năm năm nhưng vì một số lý do, trong đó có việc hai bên trừng phạt quan chức của nhau liên quan vấn đề Tân Cương nên thỏa thuận bị đóng băng.
Đại sứ Trung Quốc tại EU Phó Thông gần đây đề xuất hai bên dỡ trừng phạt để thể hiện thiện chí sau đó tiến tới hoàn tất thỏa thuận.
Bình luận