Nếu chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh không ngừng leo thang, bao gồm các lệnh trừng phạt áp dụng lên lĩnh vực tài chính, đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Báo cáo được Học viện Quốc gia về Phát triển và Chiến lược thuộc Đại học Renmin (Đại học Nhân dân Trung Quốc) xuất bản, trong đó xem xét một loạt những bước đáp trả Mỹ có thể thực hiện trong cuộc chiến thương mại để kìm hãm, thậm chí phá hủy trực tiếp thị trường tài chính và tiền tệ của Trung Quốc.
Theo SCMP, dù một số kịch bản được đưa ra trong nghiên cứu có phần xa vời và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nền kinh tế thế giới nếu thành hiện thực, việc cơ quan nghiên cứu chọn phân tích chúng cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng cao rằng Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để giành chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Đến nay, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực hàng hóa. Cả hai bên đã đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa của nhau vào tháng 7 và tháng 8. Trong căng thẳng leo thang mới nhất, Washington đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, tăng lên 25% vào đầu năm 2019 và Bắc Kinh đánh thuế 5-10% lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Thiếu vắng các cuộc đàm phán đẩy nguy cơ của cuộc chiến thương mại lên cao khi sự không chắc chắn khiến các nhà đầu tư quốc tế không thể tự tin vào thị trường tài chính Trung Quốc, theo báo cáo. Hơn nữa, ngoài đánh thuế bổ sung các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có thể đẩy mạnh nỗ lực làm bất ổn thị trường địa phương và quốc tế để gây thêm áp lực với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết.
“Chúng tôi nghĩ đến những khả năng đổi hướng (của cuộc chiến thương mại) – đó là, khi cuộc chiến thương mại không còn chỉ giới hạn ở lĩnh vực hàng hóa mà bắt đầu mở rộng sang đầu tư tài chính” – nhà nghiên cứu Wang Xiaosong cho biết.
Khi đó, Mỹ có thể bắt đầu bán khống (bán chứng khoán mà người bán không sở hữu với mong muốn kiếm lợi nhuận bằng cách mua và bán lại sau này) cổ phiếu của các công ty Trung Quốc có niêm yết trên thị trường Mỹ - với giả định giá trị cổ phiếu sẽ giảm – và sử dụng truyền thông để phóng đại sự yếu đi của kinh tế Trung Quốc. Điều này có thể khiến những cổ phiếu đó chịu áp lực giảm đáng kể, trong đó bao gồm phần lớn các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tencent.
Bên cạnh đó, Mỹ có thể khuyến khích – thậm chí gây áp lực – để các công ty Mỹ dừng đầu tư vào Trung Quốc. Khi đó Mỹ sẽ có xu hướng nhắm đến các khu vực có khả năng sinh lời lớn của kinh tế Trung Quốc để gây thiệt hại cho thị trường tài chính và tài sản Trung Quốc, dẫn đến một khủng hoảng tài chính.
Thị trường tiền tệ cũng có thể bị “giáng đòn” nếu Mỹ tận dụng vị thế tài chính để khiến đồng nhân dân tệ yếu thế so với đồng USD. Chiến thuật này có thể khiến các quỹ nhanh chóng chuyển sang dạng tài sản an toàn, khiến các loại tài sản bị bán tháo, ví dụ như bất động sản. Điều này có thể tạo ra khủng hoảng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc do những dòng vốn lớn chảy ra ngoài.
Video: Buổi sáng lịch sử của cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước
Về mặt quốc tế, Mỹ có thể gây áp lực lên các nước mà công ty Trung Quốc đang có những khoản đầu tư lớn, gây thiệt hại tài chính đáng kể cho các tổ chức tài chính Trung Quốc. Báo cáo đưa ra ví dụ trường hợp các khoản vay lớn từ ngân hàng châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu nguy cơ từ xung đột thương mại giữa Mỹ và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể phạt nặng các tổ chức tài chính Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ hoặc sử dụng tầm ảnh hưởng đối với hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu để kìm hãm các tổ chức tài chính Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới.
Bất cứ một kịch bản nào trong số trên xảy ra cũng có thể khiến thị trường tài chính đang chịu thiệt hại của Trung Quốc bị hủy hoại thêm.
Theo SCMP, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 15,4 % kể từ tháng 1/2018 xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giảm hơn 9% so với đồng USD kể từ tháng 4, khi Mỹ áp đặt vòng thuế đầu tiên lên các sản phẩm thép và nhôm, một bước giảm chưa từng có trong khoảng thời gian ngắn.
Tính đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc chưa chịu quá nhiều tác động tiêu cực do chiến tranh thương mại, dù các nhà phân tích cho rằng những tác động này sẽ trở nên rõ rệt hơn từ quý 4. Với ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Mỹ, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm từ 6,3 xuống 6,1%.
Bình luận