(VTC News) - Mỗi năm, họ lại tiến vào sâu hơn, về hang Dơi, hang Làng Lò, hang Suối Cụt… và những đồng đội còn nằm ở đó, qua thời gian, như gần lại hơn với những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ.
Kỳ 5 (Kỳ cuối): Đau đáu một nghĩa tình tri ân
Kể lại những ký ức sinh tử trong ngày 12/7 hơn 30 năm trước, cựu binh Phạm Ngọc Quyền tâm sự: “Sau này tôi trở về nhà, được gia đình cho biết là có bạn tôi vào chơi, kể chuyện chiến sự ác liệt kinh hoàng lắm. Mọi người ở nhà cứ tưởng là tôi đã hi sinh, bố đã lập cho tôi bàn thờ cùng tấm ảnh thời học sinh, đặt cạnh di ảnh của mẹ, ai ngờ tôi vẫn còn sống sót”.
Ở cái thời khắc nhận ra quân Trung Quốc lấp ló trên đỉnh núi, biết nằm im thì kiểu gì mình cũng chết, ông Quyền lặng lẽ nép mình vào thành hào lở loét, bất thình lình tung quả lựu đạn chày về phía trước. Đạn nổ, đất đá bay tứ tán, cùng lúc đó ông lấy hết sức nhảy ra khỏi chiến hào rồi lăn lông lốc xuống. Bất thần, ông thấy hẫng hụt, nhận ra là mình lại rơi vào một đoạn chiến hào khác ở phía dưới, có lối dẫn ra khe suối cụt dưới chân 772. Ở đó, có một số đồng đội cũng đang núp bắn trả lại quân Trung Quốc.
Mọi người chỉ kịp động viên nhau, rồi nhanh chóng tản ra khắp chiến hào, mỗi người một hướng, đề phòng quân Trung Quốc gọi pháo bắn xuống.
Đến tối ngày 12/7/1984, tiếng súng đã tạm ngưng, ông Quyền cõng thêm một người lính bị thương nặng, cùng với những đồng đội khác ngược lên điểm cao 468. Đường mòn lúc các chiến sĩ tiến vào xung trận, giờ đã bị đạn pháo cày xới tung tóe, tre nứa, cây rừng đổ ngổn ngang không biết lối mà đi.
Đến tận đêm khuya, cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng mọi người mới trở về đơn vị. Với những người còn sống sót, ai nấy đều đau đớn và căm phẫn khi biết được rất nhiều đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận chiến, họ vẫn còn nằm lại đâu đó trên điểm cao 772.
Rồi tiếp theo những ngày sau đó, hàng đêm các chiến sĩ lại lặng lẽ rời lèn đá 468, quay trở lại 772 để tìm kiếm những tử sĩ, chuyển về đặt tại 468, chờ chuyển về tuyến sau. Họ biết, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ ở Thanh Thủy đều đã thấm đẫm máu xương những người đồng đội thân yêu của mình.
Với những cựu binh Sư đoàn 356, tháng 7/1984 là những ký ức không thể nào quên |
Rút kinh nghiệm của chiến dịch MB84, Quân khu 2 quyết định dùng Sư đoàn 313 và 356 mở chiến dịch vây lấn nhằm giành lại điểm cao 685 và 300-400 với cách đánh mới “sử dụng bộ binh, kết hợp đặc công, có hoả lực pháo binh chi viện mạnh, từng bước bao vây, chia cắt lấn sát”. Lần này các đơn vị có 4 tháng để chuẩn bị.
Tháng 11/1984, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Đan, tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, Trung đoàn 153 đánh lấn dũi trong vòng hơn 3 tháng, tái chiếm và giữ vững được cao điểm 685. Ngày 14/1-19/1/1985, Trung đoàn 149 đánh bình độ 300-400. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị của ta đã chiếm lại một số chốt, hình thành thế trận phòng ngự chặt chẽ. Ở các chốt như đồi Cô Ích, điểm cao 685, hai bên liên tục thay nhau phản kích, giành đi giật lại hàng chục lần.
Video: Chiến tranh biên giới 1979
Trong những năm 1985-1986, quân Trung Quốc lần lượt mở thêm nhiều cuộc tấn công vào các điểm cao của ta ở mặt trận Vị Xuyên nhưng đều lần lượt bị đẩy lùi. Đầu năm 1987, Trung Quốc sử dụng lực lượng cấp sư đoàn mở chiến dịch tiến đánh 13 điểm tựa của ta ở cả phía đông và tây sông Lô, mục tiêu chủ yếu là đồi Đài và đồi Cô Ích. Chúng bắn cả trăm ngàn quả đạn pháo và chi viện bộ binh liên tục tấn công nhưng đều bị ta ngăn chặn ngay trước trận địa.
Từ sau thất bại đó, phía Trung Quốc giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm. Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc bắt đầu ngừng bắn phá và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Không ít người đã chọn Vị Xuyên làm quê hương thứ 2, là nơi an cư lập nghiệp, hồi sinh lại mảnh đất một thời nung đỏ trong đạn pháo. Có người tiếp tục theo con đường quân ngũ, người trở về với ruộng vườn, người đi buôn bán… Nhưng đối với họ, ký ức những ngày đỏ lửa hơn 30 năm trước vẫn như ngày hôm qua.
Các cựu binh thắp hương tưởng niệm đồng đội trên đài hương điểm cao 468 |
Họ có chung một ước nguyện, và thực hiện được, họ mới có thể sống những ngày thanh thản. Đó là được đón những đồng đội hy sinh trên chiến trường xưa trở về với gia đình và bạn bè. Hơn 30 năm, ước nguyện vẫn mãi chưa hoàn thành.
Các cựu binh vẫn gọi ngày 12/7 là ngày giỗ trận của Sư đoàn 356. Theo những con số thống kê chưa hoàn chỉnh, 600 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh khốc liệt đó. Nhiều năm nay, Những người còn sống sau trận đánh vẫn đi về Vị Xuyên, gặp nhau, ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Họ cố gắng hình dung lại những vị trí mà đồng đội mình đã hy sinh ngày trước.
Cây cối đã phủ xanh những triền đồi, mỏm núi vốn trơ trọi vì đạn pháo trong ký ức của họ. Thời gian trước, các cựu binh chỉ có thể đứng từ xa nhìn về các điểm cao. Rồi mỗi năm, họ lại tiến vào sâu hơn, về hang Dơi, hang Làng Lò, hang Suối Cụt… và những đồng đội còn nằm ở đó, qua thời gian, như gần lại hơn với những nỗ lực không biết mệt mỏi của họ.
Năm 2013, một đài hương đã được xây dựng trên điểm cao 468. Như cựu binh Hoàng Thế Cương đã chia sẻ, đài hương được xây dựng nằm đối diện với điểm cao 772, 685, nơi xảy ra những trận đánh ác liệt ngày trước, nơi hàng trăm đồng đội đã ngã xuống mà chưa thể trở về. Đó là điểm tập kết, là bàn đạp triển khai tấn công trong những trận đánh năm xưa, nơi mà mỗi người lính đều hành quân qua.
Nhiều năm nay, nước mắt chưa bao giờ thôi rơi trong những cuộc hành quân trở về chiến trường Vị Xuyên Ảnh: Hoàng Phương |
Cựu binh Hoàng Thế Cương (áo trắng) trên điểm cao 468 |
Cùng với đài hương là công trình nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên. Với các cựu binh, người ít góp 100, 200 nghìn đồng, người nhiều góp tiền triệu… ai cũng mong mỏi những công trình này nhanh chóng được hoàn thành, để anh linh những liệt sĩ được quy tụ, đáp ứng niềm mong mỏi của các gia đình, thân nhân, các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, là nơi đi về giữa những người còn sống và những đồng đội đã nằm lại trên chiến trường này, để những thế hệ sau cảm nhận được công lao của cha anh, hiểu hơn về truyền thống đấu tranh của dân tộc và sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
30 năm, danh lợi, giàu sang... tất cả đều trở nên quá đỗi bình thường với những ước mơ giản dị của người lính: được thấy đồng đội trở về.
Trên cao điểm 468, nhạc sĩ Trương Quý Hải (cựu binh Sư đoàn 356), vẫn cất lên những tiếng ca thổn thức gọi đồng đội: Hãy về đồng đội ơi/ Còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình…Hãy về đồng đội ơi/ Người lính chiến mãi đôi mươi…
Như nhiều cựu chiến binh cho biết, mặt trận Vị Xuyên là nơi diễn ra những trận đánh cực kỳ gian khổ và khốc liệt, nhưng kinh hoàng nhất vẫn là những trận đánh trong các năm 1984, 1985, mà tiêu điểm là ở các điểm cao 772, 685, bình độ 400…Riêng ở điểm cao 685, nơi hứng chịu hàng ngàn tấn đạn pháo, được mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ”, chúng ta đã giành được chiến thắng, dù có trải qua bao hy sinh, mất mát.
Những hồi ký về trận đánh ở “Lò vôi thế kỷ” sẽ được VTC News chuyển tiếp tới độc giả trong những loạt bài tiếp theo, kính mời độc giả tiếp tục theo dõi.
Hải Minh (Ghi theo lời kể của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội)
Bình luận