• Zalo

Chí Linh, Hải Dương có 20 ca COVID-19 tổn thương phổi

Tin tứcThứ Bảy, 06/02/2021 11:22:36 +07:00Google News
(VTC News) -

Tuy bị tổn thương phổi, nhưng tất cả các bệnh nhân đều trong tình trạng không quá nặng, các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát diễn biến của từng ca bệnh.

Ngày 6/2, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đang điều trị cho 20 bệnh nhân COVID-19 có tổn thương phổi. Tuy nhiên, các bệnh nhân này đều trong tình trạng không quá nặng.

“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát diễn biến của các ca bệnh này để có phác đồ điều trị hợp lý. Mặc dù hiện tại tình trạng không quá nặng, nhưng các bệnh nhân mắc COVID-19 thường có dấu hiệu nặng lên từ tuần thứ 2. Vì vậy, các bác sĩ càng cần theo dõi sát sao và cảnh giác. Mục tiêu của chúng tôi là hạn chế tối đa các bệnh nhân diễn tiến nặng và không để ai tử vong. Mặt khác, ngành y tế cũng quyết tâm không để nhân viên y tế nào bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân”, ông Khoa nói.

Chí Linh, Hải Dương có 20 ca COVID-19 tổn thương phổi - 1

(Ảnh minh hoạ)

Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng nhận định, các bệnh nhân ở Hải Dương trong đợt dịch lần này khác với ổ dịch ở Đà Nẵng thời gian trước. Do những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Hải Dương đa phần đều là những công nhân trẻ tuổi, khoẻ mạnh.

Để có nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thiết lập 2 Bệnh viện Dã chiến số 1 và số 2 tại Hải Dương với công suất đạt khoảng 200 giường trên mỗi bệnh viện. Tuy nhiên, nếu cần thiết, các bệnh viện có thể mở rộng thêm công suất cao hơn, thậm chí 800 giường.

Hiện, Hải Dương cũng đang cho thiết lập Bệnh viện Dã chiến số 3. Tuy nhiên, trong buổi họp trực tuyến với các địa phương có dịch sáng 5/2, GS. TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở thiết lập Bệnh viện Dã chiến số 3, nhưng Hải Dương vẫn phải sử dụng hết công suất hai bệnh viện đang hoạt động.

Ông Long cho biết, nếu cần thiết, Bộ sẽ tiếp tục vận chuyển trang thiết bị từ các bệnh viện trung ương xuống.

Còn về tình hình dịch ở huyện Cẩm Giàng, ông Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch tại đây rất lo ngại, vì các ca bệnh lịch trình di chuyển phức tạp. Ông đề nghị địa phương xem xét cách ly, nếu thấy tình hình dịch nơi nào căng có thể áp dụng chỉ thị 16 hoặc giảm hơn thì thể áp dụng chỉ thị 15 tuỳ thuộc vào chính quyền địa phương.

Sáng 6/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước ta hiện là 1.976.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi 1.465/1.976 bệnh nhân.

Trong các bệnh nhân đang còn điều trị có 10 người âm tính lần 1, 3 người âm tính lần 2 và 2 trường hợp âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) ở nước ta là 80.113. Trong đó, 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.362 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 55.262 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Số ca tử vong đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị. Phần lớn trong số họ là người cao tuổi, có bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp