Kết luận này được đưa ra trong bản dự thảo của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học công bố hôm 14/1.
Dự thảo đặt ra các mục tiêu toàn cầu chống lại cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang và sẽ diễn ra trong những thập kỷ tới.
"Đa dạng sinh học và những lợi ích mà nó mang lại là nền tảng cho sự thịnh vượng của con người và một hành tinh khỏe mạnh. Bất chấp nỗ lực liên tục của chúng ta, đa dạng sinh học đang xấu đi trên toàn thế giới và sự suy giảm này dự kiến sẽ còn tiếp tục hoặc trở nên tồi tệ hơn", dự thảo viết.
Mục tiêu của Công ước là ổn định đa dạng sinh học của Trái Đất vào năm 2030, tạo điều kiện để các hệ sinh thái phục hồi vào năm 2050 nhằm tiến tới mục tiêu cuối là một cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên. Tuy nhiên mục tiêu này đòi hỏi hành động khẩn cấp ở tất cả các cấp độ, từ địa phương cho tới toàn cầu.
Dự thảo đưa ra 20 mục tiêu trong thập kỷ tới, từ giảm phát thải carbon cho tới duy trì hệ thống thực phẩm bền vững.
Ngoài ra, một trong những ưu tiên hàng đầu là đưa các địa điểm quan trọng đối với đa dạng sinh học, chiếm 30% diện tích đất liền và biển, vào danh sách cần được bảo vệ. 10% trong số đó cần được liệt vào mức "bảo vệ nghiêm ngặt".
Các mục tiêu khác là cắt giảm ít nhất 50% ô nhiễm từ chất diệt khuẩn, chất thải nhựa; chất dinh dưỡng dư thừa, tập trung vào chất lượng cuộc sống của con người như cung cấp an ninh lương thực và nước sạch tốt hơn các các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Dự thảo này sẽ được hoàn thiện và thông qua vào tháng 10 tại Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học ở Côn Minh, Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học liên tục cảnh báo chúng ta đang ở giai đoạn giữa của cuộc đại tuyệt chủng lầm thứ 6 của hành tinh và lần đầu tiên nguyên nhân gây ra là con người.
Hiện nay, 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài giờ đây đang cao hơn ít nhất hàng chục lần so với mức trung bình của 10 triệu năm.
Con người đã thay đổi tới 75% đất đai của Trái Đất và 66% hệ sinh thái biển dưới nhiều hình thức, từ việc đổ chất thải vào đại dương hay tạo ra các loài xâm lấn. Chúng ta cũng là tác nhân phá hủy hệ sinh thái tự nhiên khi góp phần xóa sổ 600 loài thực vật trong 250 năm qua. Do tác động của con người, tốc độ tuyệt chủng của một loài thực vật nhanh hơn tới 500 lần.
Với dân số ngày càng tăng, chúng ta sẽ có nhiều miệng ăn hơn, làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt tài nguyên hơn. Nhưng sự bùng nổ sẽ không kết thúc sớm. Bản dự thảo công bố hôm 14/1 cảnh báo dân số thế giới dự kiến sẽ chạm mốc 8,6 tỷ người vào năm 2030 và 9,8 tỷ vào năm 2050. Con số này sẽ đặt ra vấn đề nan giải về nhu cầu tài nguyên, bao gồm thực phẩm, cơ sở hạ tầng và sử dụng đất.
Bình luận