Ai ở Manchester United cũng ý thức được sự nguy hiểm của Lionel Messi. 31 trận đối đầu với các đội bóng Anh, Messi ghi 22 bàn, trong đó có 2 bàn vào lưới Quỷ đỏ trong 2 trận chung kết Champions League, trực tiếp khiến đội bóng của Sir Alex Ferguson dang dở giấc mơ thống trị châu Âu.
Khi Chris Smalling tuyên bố "đã có cách ngăn chặn Messi", ít người tin trung vệ này đủ sức khoá chặt thiên tài người Argentina, bởi với Messi, một khoảnh khắc lơ là trong trận đấu cũng có thể đổi lại với cái giá rất đắt.
Báo chí Tây Ban Nha gọi Messi là "thiên tài đi bộ". HLV Ernesto Valverde lý giải lối chơi tương đối kỳ lạ của "La Pulga" như sau. "Khoảng thời gian đầu trận, Messi đi bộ giữa các phòng tuyến của đối thủ để thăm dò điểm yếu cũng như khoảng trống. Khi đã 'đọc' được cách chơi, cậu ấy sẽ tăng tốc, luồn vào khoảng trống và tạo nên sự khác biệt".
MU đã làm mọi cách để triệt tiêu "người đi bộ" Messi. Trận lượt đi, Smalling có pha vào bóng rất mạnh từ phía sau, khiến Messi rách mi mắt và khó thở trong hầu hết thời gian trận đấu. Fred hay Scott McTominay hoặc áp sát phạm lỗi, hoặc cô lập những điểm đến mà Messi có thể chuyền tới. Công bằng mà nói, MU phòng ngự tốt trong trận lượt đi, nhưng một khoảnh khắc sai lầm khi hàng thủ để Messi thoải mái thoát xuống nhận bóng và tạt vào cho Luis Suarez, sự khác biệt đã được tạo ra.
Ole Gunnar Solskjaer không cần một bài thuyết giảng về lối chơi của Messi. Không ai trong số học trò của ông không biết điều đó, song giữ sự tập trung cả trận và duy trì thế trận phong toả cân bằng là điều không thể ở sân Camp Nou. MU đánh phủ đầu Barca, tạo nhiều sóng gió về khung thành của Ter Stegen trong trận đấu đêm qua, trước khi Ashley Young phạm sai lầm. Bóng đến chân Messi, điều tồi tệ nhất với Quỷ đỏ đã đến.
Messi có thể đi bộ cả trận, chỉ bứt tốc với số lần không quá một bàn tay, nhưng mọi diễn biến trận đấu đều nằm trong tầm quan sát và "đọc vị" của siêu sao 32 tuổi. Khi đối thủ gặp sai số, Messi lập tức có mặt, đi bóng sát mép vòng cấm và tung cú cứa lòng sở trường. Bàn thắng thứ hai của Messi đến từ sai lầm với pha bắt bóng lỗi của De Gea, song trước đó, tiền đạo người Argentina đã đi bóng mở ra khoảng trống để dứt điểm.
"Phép thuật của Messi thổi bay MU khỏi Champions League", Daily Mail giật tít. "Phép lạ của Messi và sai lầm của De Gea chấm dứt cuộc phiêu lưu của Quỷ đỏ", The Guardian lý giải, hay "sự chói sáng của Messi đối lập với đêm thảm hoạ của Cristiano Ronaldo và Juventus", AS phân tích. Báo chí, vẫn như mọi khi, dùng những từ ngữ hay nhất để phác hoạ Messi. Song phải nhấn mạnh lại, trận đấu tối qua không phải trận đấu... quá xuất chúng của Messi.
Số 10 của Barca chỉ làm những việc anh thực hiện hàng tuần ở La Liga, len lỏi vào các khoảng trống, lạnh lùng trừng phạt sai lầm đối thủ. MU biết rõ cách hoá giải Messi mà không thể làm gì khác. Đấy là điểm lợi hại của "La Pulga".
7 cú sút, 6 lần qua người, 86% đường chuyền đúng địa chỉ, đó đều là những con số mang tính tham khảo. Những pha rê dắt khiến Victor Lindelof, Phil Jones hay Young "hoa mắt chóng mặt" chỉ nằm ở nửa sau trận đấu, khi Barca có lợi thế rõ rệt và "biểu diễn" nhiều hơn là thi đấu. Cảm hứng lên cao, tiền vệ trẻ Arthur cũng có thể có pha chuyền bóng theo kiểu ta-lông trước hai tiền vệ MU, hay Philippe Coutinho tung cú sút không thể cản phá bên ngoài vòng cấm.
Cái hay của Messi nằm ở khoảng thời gian trước đó khi Barca còn chưa có lợi thế quá rõ rệt, mà giới chuyên môn vô tình bỏ quên.
Báo chí tập trung vào sai lầm của Young hay De Gea, nhưng nếu không phải Messi là người tiếp cận bóng trong tình huống đó, chưa chắc Barca đã làm rung mành lưới đối thủ. MU sút 14 lần trước Barca trong trận lượt đi, 0 lần trúng đích. Quỷ đỏ cũng có cơ hội trong trận lượt về với những cú sút ở tư thế ngon ăn của Rashford hay Alexis Sanchez. Đẳng cấp đôi khi nằm ở những khoảnh khắc tính bằng phần trăm giây như thế.
Messi không cần rê bóng hay solo qua một loạt cầu thủ như thời còn trẻ. "La Pulga" đi bộ cả trận, nhưng mỗi khi anh tăng tốc, đội bóng của Solskjaer lại rơi vào trạng thái hoảng loạn. Barca chỉ cần có vậy!
Bình luận