Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần (13/11), giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 55,9-56,4 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra), tăng nhẹ so với cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra hiện khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới có xu hướng đi ngang. Hiện giá vàng thế giới trên sàn Kitco News giao ở mức 1.877 USD/ounce. Giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 52 triệu đồng/lượng, thấp hơn tới 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Tình trạng giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới đã diễn ra trong thời gian khá dài, kể từ lúc diễn ra "cơn sốt" vàng từ hồi đầu năm. Điều đáng nói là, không chỉ cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, tại thị trường vàng trong nước, giữa các doanh nghiệp vàng cũng có sự niêm yết giá khác nhau và có sự chênh lệch giá nhiều so với vàng miếng thương hiệu khác.
Đơn cử như giá vàng SJC lúc 16h46' ngày 13/11 niêm yết mua vào, bán ra trong khoảng 55,85-56,37 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, cũng thời điểm trên, tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC được niêm yết ở mức giá thấp hơn khoảng 100.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, 55,95 - 56,25 triệu đồng/lượng; Tại DOJI, vàng SJC niêm yết có giá 55,90 - 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra), thấp hơn so với vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn từ 100-150.000 đồng/lượng...
Không những thế, giá vàng của SJC so với giá vàng của các thương hiệu khác trong nước cũng có sự chênh lệch đáng kể. Vì sao lại có hiện tượng này?
Trả lời PV vì sao lại có sự chênh lệch này, đại diện DOJI cho rằng, giá vàng SJC trong nước giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn và có uy tín thường luôn có mặt bằng chung về giá, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các bên.
“Việc tăng giảm giá vàng SJC trên thị trường dựa trên cơ sở mức tăng giảm giá vàng thế giới sau khi quy đổi sang giá vàng trong nước và dựa trên mức giá chung trên thị trường giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Ngoài ra, việc đặt mức giá mua vào, bán ra trên thị trường cũng do nhu cầu của từng doanh nghiệp để phù hợp với tình hình kinh doanh của riêng doanh nghiệp mình”, đại diện Doji cho hay.
Nhìn nhận sự chênh lệch trên thị trường vàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, khi giá vàng ổn định thì giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng là hợp lý, nhưng giai đoạn này là giai đoạn khá biến động. Giá vàng thế giới trồi sụt mạnh mấy ngày qua do ảnh hưởng của việc bầu cử ở Mỹ. Giá vàng không biến động theo kịp và phải giữ khoảng cách nới ra để đảm bảo độ an toàn cho nhà kinh doanh vàng.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, giá vàng thế giới biến động mạnh, giá vàng trong nước có chênh lệch khoảng cách để bù đắp lại rủi ro khi mua bán.
Còn đối với việc vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới và cao hơn so với vàng các thương hiệu khác, ông Hiển cho hay, năm 2012 là giai đoạn có nhiều biến động về giá vàng, sàn vàng… và cơ quan quản lý “siết” lại, gần như muốn kiểm soát vàng. Khi ấy, SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia nên vàng SJC có sự chênh lệch rất lớn đối với các thương hiệu vàng khác.
“Vàng 9999 ở đâu đi nữa thì cũng là vàng, không thay đổi chất lượng nên khái niệm vàng thương hiệu 9999 nó cũng không lên được kiểu như thương hiệu của tivi, smartphone, xe hơi… Đã là vàng 9999 rồi thì như nhau hết. Đã là vàng 9999 thì SJC hay DOJI, SBJ… cũng như nhau thôi, nên chuyện chênh lệch giá giữa các thương hiệu vàng là có sự bất thường", ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh, miếng vàng là không bao giờ thay đổi, người ta mua miếng vàng, chứ không phải mua thương hiệu, vỏ bọc. Chỉ cần vỏ bọc bong tróc hay sao đó sẽ bị trừ tiền rất đau đớn, thậm chí là không chịu mua… theo ông Hiển, những chuyện như vậy nó tạo ra cái gì đó giống như một sự độc quyền.
Ông Hiển cho rằng, khi SJC là thương hiệu vàng quốc gia làm cho SJC có vị thế nổi bật lên, nhiều người thích và dự trữ vàng SJC. Từ đó, SJC trở nên quen thuộc và nhiều người cứ mặc nhiên là mua vàng SJC.
Tuy nhiên, điều quan trọng mà vị chuyên gia lưu ý đó là việc chênh lệch giá mua vào – bán ra thấp thì mới đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Còn các thương hiệu vàng khác muốn cạnh tranh với SJC phải có chính sách đó và lan tỏa ra thì người tiêu dùng sẽ chọn lựa.
Ông Hiển cũng cho hay, giá vàng dựa trên tình hình biến động giá vàng thế giới, dựa vào chi phí để tính; khi giá vàng thế giới biến động mạnh thì doanh nghiệp phải giãn ra một số tiền để bù rủi ro.
"Doanh nghiệp vàng lớn luôn có sự điều chỉnh thấp nhất, kết nối với giá vàng thế giới nhưng không hoàn toàn tuyệt đối theo một công thức mà có sự chênh lệch, tùy hãng vàng. Hầu như không có quy định nào bắt doanh nghiệp tuân theo để điều chỉnh giá vàng vì đây là sự kinh doanh rủi ro mà nhà nước cũng không thể áp đặt được", ông Hiển nói.
Mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá cao thì sự rủi ro khi đầu tư là rất lớn. Vì thế, ông Hiển lưu ý các nhà đầu tư chỉ nên mua ở giai đoạn thị trường vàng ổn định, khi đó, mức chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và thế giới chỉ trong khoảng 200.000 - 400.000 đồng/lượng là hợp lý.
Bình luận