• Zalo

Chế tạo thành công thiết bị CT ứng dụng trong công nghiệp dầu khí

Sản phẩmThứ Năm, 20/07/2017 15:06:00 +07:00Google News

Thiết bị CT thế hệ mới có tên gọi là GammaComet, được sử dụng để khảo sát các đối tượng tại hiện trường như các đóng cặn, ăn mòn vật liệu hay tình trạng lớp bảo ôn đường ống,… ứng dụng trong công nghiệp dầu khí ở Việt Nam.

Được biết, đây là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị chụp cắt lớp điện toán ứng dụng trong công nghiệp dầu khí ở Việt Nam”, thuộc chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng cấp nhà nước, do KS Nguyễn Hữu Quang, Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đứng đầu tiến hành. 

anh4

 Một thiết bị CT do Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp chế tạo (Ảnh minh họa)

Thiết bị cũng đã được giới thiệu tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015) và được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận cũng như đánh giá cao.

GammaComet là thiết bị CT lai ghép 3 cấu hình CT1, CT2 và CT3. Đồng thời, mặt phẳng đo có thể xoay một góc bất kỳ. Thiết bị sử dụng 1 nguồn phóng xạ Cs-137 (dùng chung cho 3 cấu hình) và hai hệ thống đầu dò phóng xạ, gồm: Hệ thống 12 đầu dò NaI(Tl) và hệ thống 8 đầu dò LYSO. Phần mềm iComet được viết và đăng ký bản quyền bởi CANTI cho ba cấu hình CT1, CT2 và CT3 với các thuật toán được sử dụng là: Chiếu ngược có lọc (FBP), tái tạo đại số (ART), tối đa hóa kỳ vọng (EM).

Ngoài tái tạo ảnh, phần mềm có thêm các công cụ xử lý và phân tích sơ bộ trên bộ dữ liệu đo và phân tích kết quả hình ảnh đã tái tạo. Hình ảnh tái tạo có độ phân giải không gian tốt, có độ phân giải vật liệu cao. Đặc biệt thiết bị hoạt động tốt trong điều kiện hiện trường.

Thiết bị được chế tạo cho mục đích sử dụng ngoài hiện trường, đây là thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có cấu hình lai ghép 3 thế hệ. Riêng với cấu hình thế hệ thứ 3 thì trên thế giới cũng không có nhiều thiết bị tương tự có khả năng sử dụng ngoài hiện trường như thiết bị này. Phần công việc quan trọng có ý nghĩa khác của đề tài là phần xây dựng phần mềm tái tạo hình ảnh chụp cắt lớp với nhiều thuật toán tái tạo ảnh. Việc nắm bắt được thuật toán, làm chủ được cách thức lập trình phù hợp với thiết bị là cơ sở để Trung tâm có thể chủ động nghiên cứu phát triển các thế hệ thiết bị tiếp theo.

Như vậy, có thể thấy những nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn cấu hình về kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán công nghiệp; nghiên cứu và hoàn thành phần mềm tái tạo ảnh cắt lớp điện toán, chế tạo hoàn thiện thiết bị, thử nghiệm và đánh giá khả năng ứng dụng của thiết bị vào thực tế của đề tài phù hợp với yêu cầu, mục tiêu.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn