• Zalo

Châu Âu chống chọi với mùa đông thế nào khi thiếu khí đốt Nga?

Tư liệuThứ Năm, 01/09/2022 06:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Những tháng tới là thời điểm các quốc gia châu Âu cần lượng khí đốt nhiều nhất, vậy các nước ở khu vực này đã làm gì để chuẩn bị cho mùa đông không khí đốt của Nga?

Đường ống Nord Stream 1 chạy dưới biển Baltic dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu đóng cửa trong 3 ngày vào cuối tháng 8 để bảo trì. Nga nhiều lần cảnh báo cắt nguồn cung khí đốt chảy qua Đức và đến nay đã chính thức đóng cửa. Dòng chảy khí đốt Nga tới châu Âu qua Nord Stream 1 và các đường ống khác cũng giảm mạnh từ cuối tháng 2, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. 

Châu Âu chống chọi với mùa đông thế nào khi thiếu khí đốt Nga? - 1

Nga liên tục cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1. (Ảnh: EPA)

Nỗi lo mùa đông

Nhìn lại những động thái gần đây của Nga, có thể thấy Moskva đang từng bước giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu theo thời gian. Công suất vận chuyển khí đốt tối đa của Nord Stream 1 là hơn 160 triệu m3 mỗi ngày. Tuy nhiên, kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, Moskva đã từng bước cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

Hồi tháng 6, Gazprom cắt giảm 40% lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1. Nguyên nhân Gazprom cắt giảm lưu lượng giao khí đốt tối đa qua đường ống này được cho là do trạm nén Baltic Portovaya - nơi liên kết với cơ sở hạ tầng Nord Stream, gặp khó khăn kỹ thuật.

Tuy nhiên, kể từ khi mở lại đường ống ngày 21/7 sau thời gian bảo trì, Nga chỉ vận hành Nord Stream 1 ở mức 40% công suất. Gazprom của Nga đã cắt 60% nguồn cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream với lý do Siemens Energy của Đức đã không trả một số thiết bị cho một trạm nén khí "đúng hạn" sau khi gửi các thiết bị đó đến Canada để sửa chữa.

Chưa hết, Gazprom của Nga thông báo cắt giảm lượng khí đốt cung cấp hằng ngày qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu xuống còn 33 triệu m3, tương đương 20% công suất đường ống vào cuối tháng 8. Giải thích cho việc cắt giảm công suất này, Gazprom cho biết họ đang tạm dừng hoạt động một trong hai turbine do yếu tố kỹ thuật.

Bùng phát xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2 làm lộ ra những vết nứt nghiêm trọng trong chính sách năng lượng của EU. Nhận định trên tạp chí Wired, nhà nghiên cứu Ganna Gladkykh tại Liên minh Nghiên cứu năng lượng châu Âu (EERA) nhận định: “Cần phải thừa nhận rằng việc EU lệ thuộc vào năng lượng Nga là một sai lầm về chính sách”.

Theo chuyên gia Ganna Gladkykh, giờ đây, khi muốn “cai” khí đốt Nga, châu Âu đối mặt với hai thách thức lớn. Trước mắt, châu Âu sẽ phải đối mặt với một hoặc thậm chí là nhiều mùa đông “lạnh giá” hơn bình thường, vì nguồn cung khí đốt đã bị kéo căng tới giới hạn đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt điện, giảm lượng nhiệt sưởi, và đóng cửa các nhà máy.

Tiếp đó, để thoát khỏi cơn nghiện khí đốt Nga, châu Âu phải ký thỏa thuận mới với các nhà cung cấp khác và đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái sinh. Một khi làm được điều này, châu Âu có thể tự mở ra cho mình một kỷ nguyên mới về an ninh năng lượng, không còn phụ thuộc vào các dòng chảy năng lượng từ Nga. Thế nhưng, quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sẽ có nhiều trở ngại về mặt hậu cần và cơ sở hạ tầng.

Theo giới chuyên gia, ngoài giá dầu và khí đốt tăng vọt có thể làm suy yếu thị trường năng lượng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực thực hiện các mục tiêu về đối phó biến đổi khí hậu của châu Âu tới năm 2050. Tính đến ngày 26/8, giá khí đốt tự nhiên giao ngay ở châu Âu tăng vọt lên gần 3.500 USD/nghìn m3, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ năm 1996 và mức tăng hàng tuần là gần 1.000 USD, tương đương 40%.

Phía Nga liên tục đưa ra những cảnh báo về sự tăng giá khí đốt thời gian tới. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev mới đây cho biết giá khí đốt ở châu Âu có thể đạt 5.000 euro/1.000 m3 trên thị trường giao ngay trước khi giảm. Trong khi đó, Gazprom cảnh báo giá khí đốt xuất sang châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa đông này vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Trong bối cảnh giá năng lượng ở châu Âu thiết lập kỷ lục mới, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng “5 đến 10 mùa đông tới sẽ rất khó khăn” đối với châu Âu. “Tình hình đang rất khó khăn trên toàn châu Âu. Nhiều lĩnh vực đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng cao”, ông nói.

Trong khi đó, chuyên gia về năng lượng từng phục vụ 2 đời tổng thống Mỹ - Philip Verleger, nhận định giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023 là “mùa đông địa ngục”, đặc biệt đối với châu Âu. Theo ông, nguồn dự trữ năng lượng của châu Âu đã đến điểm giới hạn và không có công suất dự phòng nào tồn tại hiện nay trong lĩnh vực này.

Chuyên gia Philip Verleger cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu âm ỉ từ hơn một năm trước khi Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên trong khu vực. Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên có thể chỉ là một trong những vấn đề năng lượng của châu Âu trong mùa Đông này. Hạn hán kéo dài đã làm khô cạn các con sông, ảnh hưởng đến việc sản xuất điện và hạn chế hoạt động lưu thông của tàu bè.

Các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp đã bị đóng cửa. Từng là một nước xuất khẩu điện, giờ đây Pháp sẽ phải nhập khẩu trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Na Uy cũng là một nhà xuất khẩu điện, đã cảnh báo hạn chế xuất khẩu trong những tháng tới do mực nước hồ chứa thấp tại các đập thủy điện ở nước này.

Châu Âu chống chọi với mùa đông thế nào khi thiếu khí đốt Nga? - 2

Người dân châu Âu trước nguy cơ đối mặt với mùa đông lạnh giá vì thiếu khí đốt của Nga. (Ảnh: Shutterstock)

Bài toán nan giải

Châu Âu đang phải “thắt lưng buộc bụng” trong sử dụng khí đốt để có thể chống chọi tốt hơn với việc nguồn cung khí đốt của Nga sụt giảm nghiêm trọng, hoặc thậm chí có khả năng ngừng cung cấp khí đốt. Theo đó, các nước thành viên EU nhất trí cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ tháng 8/2022 - 3/3023. Việc cắt giảm này là tự nguyện, nhưng có thể trở thành bắt buộc nếu tình trạng thiếu khí đốt đạt tới mức khủng hoảng.

Nhiều quốc gia đã triển khai một số biện pháp khác nhau để tiết chế nhu cầu năng lượng. Trong đó, các thành phố ở Đức tắt bớt đèn chiếu sáng công cộng, hạn chế nhiệt độ điều hoà, và đóng cửa bớt các bể bơi cần làm ấm.

Còn tại Pháp, nước này đang quay lại với chiến dịch chống lãng phí năng lượng được triển khai vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Các cửa hàng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ sẽ luôn phải đóng kín cửa, nếu không sẽ bị phạt tiền. Trong khi Tây Ba Nha đã áp lệnh cấm nhiệt độ điều hoà không khí dưới 27 độ C tại các nơi công cộng.

Cùng với việc hạn chế tiêu thụ, EU cũng đang cố gắng để lấp đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông tới. Khối này đã đưa ra mục tiêu đến ngày 1/11 đạt mức dự trữ khí đốt 80% công suất. Khả năng đạt mục tiêu này là có thể song vấn đề là chi phí tốn kém cho việc lấp đầy này.

Theo nhà nghiên cứu Chi Kong Chyong thuộc Đại học Cambridge, ngay cả trong trường hợp các bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine, EU có thể sẽ không nhập khẩu nhiều khí đốt Nga như trước. Về trung hạn, có thể các hộ gia đình ở châu Âu sẽ buộc phải giảm tiêu thụ năng lượng, không phải vì chính phủ chỉ đạo mà vì giá năng lượng ngày càng đắt đỏ.

EU và các nước thành viên đang đàm phán các thỏa thuận khí đốt mới với các đối tác như Na Uy, Azerbaijan,… cùng với tăng cường năng lực nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) bằng đường biển từ Mỹ và Qatar. Song đây không phải là những giải pháp có thể giải quyết trong một sớm một chiều và EU mà sẽ phải mất nhiều năm để có thể nhập khẩu thêm nhiều khí đốt từ các nguồn cung cấp này.

Bên cạnh tìm kiếm nguồn cung mới, loạt quốc gia châu Âu đang tính sử dụng than đá để đảm bảo nguồn cung khí đốt. Đức, Italia, Áo và Hà Lan cho rằng việc khôi phục các nhà máy nhiệt điện than có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông tới khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu.

Theo các nhà phân tích, các nước châu Âu không còn con đường nào khác, buộc phải hy sinh mục tiêu cắt giảm khí thải để đối phó với giá năng lượng. Tuy nhiên, động thái của các quốc gia EU dự định quay trở lại dùng điện than vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của EC (Hội đồng chung châu Âu). EC cho rằng các quốc gia EU không nên quay lại sử dụng than và bỏ qua các mục tiêu về biến đổi khí hậu để tìm cách thế chỗ khí đốt Nga.

EC hồi tháng 5 công bố kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào năng lượng hóa thạch Nga. Kế hoạch trị giá 210 tỷ Euro (213 tỷ USD) này kêu gọi đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái sinh. Trong đó, EU đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ trọng 45% lượng điện mà khối sản xuất được là từ các nguồn năng lượng tái sinh.

Tuy nhiên, kế hoạch này của EU mang tính dài hơi, vẫn còn xa với so với thực tế. Thứ mà người dân châu Âu cần nhất trong mùa đông tới đây là “sưởi ấm”, họ không muốn phải chấp nhận mùa đông lạnh lẽo khi thiếu khí đốt từ Nga. Thời gian không còn nhiều, giờ đây các quốc gia châu Âu buộc phải chạy đua nước rút để giải bài toán "khát" khí đốt của Nga.

Trên thực tế, đến thời điểm này tất cả các biện pháp mà EU đưa ra để đối phó với việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga đều chưa hiệu quả, nỗi lo sợ về một mùa đông thảm họa vẫn đang hiện hữu trên khắp châu Âu. Điều này buộc EU phải có nhiều cuộc họp cấp thượng đỉnh năng lượng khẩn cấp trong thời gian tới, kịp thời đưa ra giải pháp thích ứng trong ngắn hạn để đối phó với khả năng Moskva khóa van hoàn toàn khí đốt sang châu Âu.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn