• Zalo

Chặt 6.700 cây xanh: Kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Thời sựThứ Hai, 23/03/2015 05:12:00 +07:00Google News

TS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra việc thay thế cây xanh của Hà Nội.

(VTC News) – GS.TS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra việc thay thế cây xanh của Hà Nội.

Chiều 23/3, tại Khách sạn Cầu Giấy, Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội.”

Chương trình này nhằm thảo luận, chia sẻ quan điểm của giới chuyên môn với đông đảo công chúng và báo chí về những vấn đề xoay quanh Đề án thay thế 6.700 cây xanh và nhìn rộng ra vấn đề quy hoạch cây xanh Hà Nội hiện nay.

Video: GS Nguyễn Lân Dũng nói về dự án cây xanh Hà Nội


Tham dự buổi tọa đàm có nhiều chuyên gia, nhà khoa học về môi trường, sinh học như: TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm môi trường Đô thi và Công Nghiệp; GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; TS.KTS Phó Đức Tùng, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, ĐH Lâm nghiệp; Ông Phan Thanh Giang, Kỹ sư Cao cấp về Lâm nghiệp đô thị…

  Đông đảo cơ quan báo chí tới dự buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, Hà Nội là một trong những Thủ đô lớn và đẹp nhất thế giới nhờ có hệ thống cây xanh và hồ.

“Tôi đã có dịp đi 30 Thủ đô trên thế giới, không có Thủ đô nào rộng và đẹp như của Việt Nam. Thủ đô chúng ta rất đẹp vì có hồ và có cây. Có nhiều thủ đô rất lớn nhưng lại không có cây như chúng ta”, ông Dũng nói.

Điều 14 Luật Thủ đô xác định, nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh. Điều 10 quy định, để lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành phải trình Thủ tướng xem xét quyết định.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Cũng theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Hà Nội đã từng lấp rất nhiều hồ và đó là việc làm sai lầm. “Trước đây, mỗi trận mưa Hà Nội đâu có ngập. Bây giờ thì có lúc ngập lên tận bụng. Đó là một bài học đau đớn lắm rồi.

Bây giờ lại tới sự đau đớn thứ 2 đó là việc chặt hạ. Với 6.700 cây thì có nghĩa là 1/7 số cây xanh đô thị Hà Nội hiện nay bị thay thế. Nếu ví cây xanh là tóc của con người, nếu tóc rụng đi thì đầu chúng ta sẽ bị hói”, ông Dũng cho biết.

Liên quan đến việc chặt cây trên đường Nguyễn Trãi để xây dựng tuyến đường sắt trên cao, GS.TS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm: “Tuyến đường sắt trên cao từ trung tâm về Hà Đông dài khoảng 11km nhưng làm bao nhiêu nằm rồi có xong đâu. Nhưng xà cừ thì đã bị chặt hết rồi.

Quy hoạch đề án này chúng ta có nên phải chặt cây xanh hay không? Việc chặt cây cũng không nằm trong quy hoạch tuyến đường này. Tôi nghĩ quy hoạch thì phải lâu dài. Chứ không thể có chuyện nay nghĩ quy hoạch này lại chặt cây, mai nghĩ quy hoạch khác lại chặt cây.”

Liên quan đến việc chặt cây trên đường Nguyễn Trãi, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm môi trường Đô thi và Công nghiệp khẳng định, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường không có nói tới việc chặt cây dọc đường Nguyễn Trãi.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Hà Nội không thèm quan tâm đến các nhà khoa học, nhân dân là điều rất khó hiểu. Sau khi cây xanh bị đốn hạ, nhiều người Hà Nội đã khóc để quyết giữ cây xanh. Ông Dũng khẳng định, hành động chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua tại Hà Nội đã vi phạm nhiều quy định, trong đó có cả Luật Thủ đô.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thay thế cây xanh của Hà Nội.

“Điều 14 Luật Thủ đô xác định, nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh. Điều 10 quy định, để lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành phải trình Thủ tướng xem xét quyết định”, ông Dũng cho biết.

“Theo tôi, vấn đề đặt ra là phải truy cứu trách nhiệm của người đề xuất chủ trương này, chứ không phải là kiểm điểm, tạm đình chỉ công tác. Tôi cũng có kiến nghị mạnh mẽ rằng, thanh tra hiện không phải là việc của Hà Nội.

Bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Việc này không chỉ là bức xúc của riêng của người dân Hà Nội mà còn là của người dân cả nước. Hiện nay, truyền thông nhiều nước như Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Thái Lan, Trung Quốc… đã có những bài viết chi tiết về vấn đề này.

Tôi nghĩ rằng, việc Thanh tra này phải do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quyết định. Không thể cứ rút kinh nghiệm rồi lại rút kinh nghiệm nữa, phải thanh tra để tìm đến người chịu trách nhiệm trong việc này, kể cả cấp cao nhất của Hà Nội” ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Buổi tọa đàm bị cắt điện bất ngờ

Theo kế hoạch 14h00 chiều buổi tọa đàm sẽ bắt đầu tại hội trường tầng 6, khách sạn Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên khi buổi tọa đàm chuẩn bị khai mạc, thì bất ngờ xảy ra sự cố mất điện.

Trong khi đó, toàn bộ khu vực xung quanh khách sạn này vẫn có điện bình thường. Để buổi tọa đàm tiếp tục diễn ra, Ban tổ chức đã phải mở rèm cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên. Buổi Tọa đàm tiếp tục diễn ra mà  không có đèn điện.

Liên quan đến sự cố này, một nhân viên điện lực trực tổng đài cho biết, việc cắt điện tại khách sạn Cầu Giấy là để kiểm tra, vệ sinh buồng, máy, do sếp chỉ đạo lệnh này vừa có xong. Đến 14h30' phút, khách sạn mới có điện trở lại.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn