Việc Hà Nội mua nước sạch sông Đuống với giá cao hơn 10.246 đồng/m3 (tạm tính) vẫn chưa hết "nóng", thu hút sự bày tỏ quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, Hà Nội cần phải lấy ý kiến người dân trước khi chấp thuận giá mua từ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm và sẽ bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng/năm cho công ty này. Nhất là khi trong tổng mức đầu tư của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng thì có đến 80% mức vốn (tương ứng gần 4.000 tỷ đồng) được doanh nghiệp đi vay ngân hàng, điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải "gánh" khoản nợ thay cho doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, việc Hà Nội dùng tiền ngân sách để bù lỗ cho doanh nghiệp (nếu có) vẫn có thể chấp nhận được nếu Hà Nội xem việc cung cấp nước là lợi ích công cộng và không có giải pháp nào khác. "Mặc dù nó mang tính độc quyền nhưng mang lại lợi ích lớn cho người dân. Để tránh việc công ty phải bù lỗ quá nhiều dẫn tới ngừng hoạt động hoặc tăng giá nước, Hà Nội bù lỗ thay doanh nghiệp cũng là hợp lý. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cần phải mở cửa thị trường nước sạch để tránh tình trạng độc quyền. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể doanh nghiệp làm ăn lỗ liên tục và Hà Nội sẽ còn phải tiếp tục đi bù lỗ", ông Hiếu nói.
Trong khi đó, nhận định về việc Hà Nội có làm sai quy định khi định giá bán buôn thay cho doanh nghiệp hay không, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho biết: "Theo quy định tại Điều 54 - Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quy định giá nước sạch và Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc UBND TP Hà Nội quy định giá bán buôn (chỉ là tạm tính) để sông Đuống bán cho công ty nước sạch là sai thẩm quyền; thẩm quyền này thuộc hai doanh nghiệp thỏa thuận với nhau và thỏa thuận với nhau không được cao hơn giá bán lẻ hiện hành. Với văn bản thông báo giá nước 10.246 đồng/m3 Sông Đuống bán buôn cho cấp nước Hà Nội thì UBND TP Hà Nội đã can thiệp trực tiếp, không đúng thẩm quyền về lĩnh vực giá bán buôn nước sạch của hai đơn vị nêu trên".
Theo ông Thỏa, việc so sánh hai mức giá bán buôn của hai đơn vị là Nhà máy nước sông Đà và Nhà máy nước sông Đuống cũng chỉ để tham chiếu, không thể lấy công ty này làm chuẩn cho công ty kia vì điều kiện sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, công suất, năng suất khác nhau, điều kiện quản lý khác nhau… và rất khó để có hai đơn vị có mức giá bằng nhau 100%.
Tuy nhiên, giá bán buôn của Sông Đuống cho Công ty nước sạch Hà Nội để từ đó bán lẻ cao hơn giá bán lẻ nước sạch do UBND TP Hà Nội ban hành là không phù hợp với quy định của pháp luật, đó là “giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ”. "Đây là mức cao bất hợp lý", ông Thỏa nhận định.
Liên quan đến giá nước sông Đuống, GS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải làm rõ việc có “ưu ái” cho nhà máy nước sông Đuống hay không, bởi thực tế là biết đắt vẫn mua. Hơn nữa, cần làm rõ lộ trình tăng giá 7%/năm của nhà máy Sông Đuống. Ông nhấn mạnh: “Cần minh bạch để lấy niềm tin của người dân. Nếu không kiểm soát được vấn đề giá cả thì nguy cơ độc quyền nhà nước sẽ biến thành độc quyền tư nhân rất lớn”.
Theo ông Lược, để công bằng, cần có đoàn kiểm tra giám sát để kiểm tra giá thành thực là bao nhiêu. Ông Lược cho rằng, với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá như nước sạch, cần rà soát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch, thẩm định dự án tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ...
"Nếu đúng theo nguyên tắc giá bán dựa trên giá thành thì sẽ thấy, những năm đầu do chi phí cao, sản lượng thấp thì đương nhiên giá thành sẽ rất cao. Nhưng những năm tiếp theo, chi phí giảm dần, sản lượng tăng dần thì giá thành sẽ giảm. Theo đó, việc đưa ra lộ trình tăng giá hàng năm như trường hợp của nhà máy sông Đuống cần được làm rõ", ông Lược phân tích.
PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) thì cho rằng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến sự an toàn người dân cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá trước khi đưa vào sử dụng.
Theo quy định, công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng thẩm quyền về chất lượng công trình; kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa…Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình này và lúc đó công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác.
Ông Chủng cho biết, chủ đầu tư có thể đã nghiệm thu. Nhưng Luật xây dựng quy định, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mà trực tiếp là Cục giám định phải kiểm tra kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Một khi Cục có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư thì công trình mới được phép đưa vào sử dụng: "Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân là không ổn”.
Trước nhiều ý kiến của dư luận và giới chuyên gia, trả lời tại hành lang Quốc hội sáng 22/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết sắp tới Hà Nội sẽ thuê công ty đánh giá, định giá sản xuất nước sạch. Sau khi có kết quả, UBND TP sẽ xem xét và đưa ra quyết định về giá nước sông Đuống.
Bình luận