• Zalo

Chấm chung nước mắm, dùng nước bọt đếm tiền - 2 thói quen dễ lây virus cần bỏ

Dinh dưỡngChủ Nhật, 22/03/2020 19:44:49 +07:00Google News

Thói quen chấm chung nước mắm, dùng nước bọt đếm tiền là nguyên nhân khiến virus có thể lây lan.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý các thói quen sinh hoạt không tốt trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp.

Chấm chung nước mắm

Theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, thói quen ăn chấm chung một đĩa gia vị (muối, nước nắm), ăn đũa một đầu (chỉ dùng một đầu đũa để gắp) luôn tồn tại nguy cơ mắc bệnh liên quan tới vi khuẩn, virus cũng như các nguy cơ khác.

Bởi khi cho đũa vào miệng gắp đồ ăn sẽ có nước bọt, sau đó, chấm chung sẽ tạo điều kiện cho virus trong nước bọt hòa vào bát gia vị và lây bệnh cho người khác. Ngoài bệnh Covid-19, thói quen này còn làm lây virus Herpes, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori).

Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền sang người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa...

Theo chuyên gia, nguyên nhân nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng tại Việt Nam cao là do thói quen ăn uống chung, chung bát nước mắm, muối chấm, ăn đũa một đầu… Đây là thói quen khiến HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất.

Chấm chung nước mắm, dùng nước bọt đếm tiền - 2 thói quen dễ lây virus cần bỏ - 1

Chấm chung nước mắm có thể lây vi khuẩn HP. (Ảnh: Zing)

 

Chám nước bọt đếm tiền

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tờ tiền và một số bề mặt như tay nắm cửa, điện thoại đều có thể là nơi lưu trú của nhiều loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.

Một số người Việt có thói quen xấu khi đếm tiền thường lấy nước bọt chấm vào tiền rồi đếm. Đây chính là nguyên nhân khiến có tờ tiền nhiễm bẩn thêm và cũng vô tình đưa virus, vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể.

Theo PGS Nga, việc lây nhiễm bệnh Covid-19 từ tiền mặt không cao vì virus chỉ tồn tại nhất thời trên bề mặt. Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu về thời gian tồn tại của loại virus này là bao lâu trên tiền mặt. Trên thế giới cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 qua đường tiền mặt.

Tuy nhiên, tiền mặt thường là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, vi trùng và cả virus gây bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay việc người dân thực hiện giao dịch bằng thẻ sẽ an toàn hơn. Người dân cần phải lưu ý cần phải rửa tay sạch sau khi đếm tiền và tiếp xúc với tiền kể cả trong mùa dịch và khi không có dịch bệnh.

12 thực phẩm cần tăng cường

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khuyến nghị 12 loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, người dân cần tăng cường.

1. Thực phẩm giàu vitamin C: Nho, cam, chanh, ổi, bưởi,...

2. Ớt chuông đỏ

3. Súp lơ xanh

4. Tỏi

5. Gừng

6. Sữa chua

7. Hạt hạnh nhân

8. Chè xanh

9. Đu đủ

10. Thịt gia cầm

11. Hải sản

12. Hạt hướng dương

Lưu ý: Không có thực phẩm nào hoàn hảo, nên ăn đa dạng thực phẩm mỗi ngày. Nên ăn đủ, ăn đúng số lượng theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng để tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn