Video: Rác thải nhựa ngập tràn đường phố, 'bức tử' sông hồ biển.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% được chôn lấp hoặc đốt, chỉ 10% còn lại là được tái chế đúng chuẩn.
Góp mặt nhiều nhất trong rác thải nhựa là túi nylon và chai nhựa - những mặt hàng đang được người dân sử dụng vô tội vạ.
Số liệu từ Liên minh châu Âu cho thấy, trên thế giới, cứ mỗi phút có 2 triệu túi nylon được sử dụng - một con số quá khủng khiếp về thực trạng dùng túi nylon hiện nay.
Riêng ở nước ta, con số cũng rất đáng báo động. Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nylon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi.
Đáng chú ý, chỉ 17% trong số đó được tái sử dụng. Số còn lại trở thành rác thải nhựa và bị xả ra môi trường.
Thống kê từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng 25 năm sau, con số này đã là 41kg.
Việt Nam cũng đang là một trong bốn quốc gia thải ra nhiều túi nylon nhất châu Á.
Trong cuộc sống hàng ngày, túi nylon đã trở thành một vật dụng quá quen thuộc, thậm chí không thể thiếu. Hầu như ở bất kỳ ngóc ngách nào cũng tràn lan túi nylon, từ những chiếc lành lặn cho đến những chiếc qua tay nhiều lần và cả những chiếc đã biến thành rác bẩn.
Một trong những nguyên nhân khiến túi nylon xuất hiện nhiều như vậy là vì chúng đang được bán với giá vô cùng rẻ mạt, chỉ khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg, có loại còn thấp hơn. Tùy vào kích thước mà mỗi kg sẽ dao động từ vài chục cho đến vài trăm chiếc.
“Với giá siêu rẻ như thế này bảo sao người bán hàng không tiếc tay phát túi nylon cho người mua. Mỗi lần đi chợ, tôi lại tha về cả mớ, chỉ vài quả chanh cũng được tiểu thương đựng trong túi nilon. Chừng nào túi nylon còn bán theo ký với giá rẻ như cho thì túi nylon còn tràn lan và người dân còn dùng nhiều”, chị Mai Lan ở quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Theo chị Lan, nhiều năm qua, gần khu nhà chị tồn tại bãi rác lúc nào cũng trong tình trạng ngập ngụa túi nylon. “Cứ cuối ngày, xe chở rác đến thu gom, vận chuyển thì sáng sớm hôm sau đã lại đầy rác. Nhiều người đi qua tiện tay ném những túi nylon đựng rác xuống. Xung quanh bãi rác sau khi đã được thu dọn, nhiều mảnh nylon vẫn bị mắc kẹt ở cống rãnh, lùm cây, gây mất mỹ quan và ô nhiễm vô cùng. Không ít lần tôi còn bắt gặp cảnh đốt rác vì lượng túi nylon quá nhiều”, chị Lan nói.
Còn chị Thu Trang, trú Hoài Đức, Hà Nội thì ám ảnh với khu gom rác thải ở chung cư nơi chị sinh sống: “Khu này luôn trong tình trạng dồn ứ rác, công nhân vệ sinh làm hết công suất cũng không xuể. Trong đó, vô vàn túi nylon, chai nhựa bị vứt bỏ. Không biết rồi sau này chúng sẽ được xử lý như thế nào, nhất là túi nylon, đồ nhựa dùng một lần không thể tái chế. Chắc lại chôn và đốt thôi”.
Không chỉ túi nylon, người dân Việt Nam cũng đang rất lạm dụng chai nhựa. Chai nhựa xuất hiện muôn hình vạn trạng ở bất cứ căn hộ, nhà hàng, khu chợ…nào. Những con số khảo sát của VTC News chỉ là mảng ghép ít ỏi nhưng cũng phần nào tái hiện được thực trạng này.
Tại Hà Nội, trong một phòng tập gym nhỏ ở quận Đống Đa, PV thống kê có khoảng 160 chai nước được tiêu thụ mỗi ngày. Thử làm phép tính sẽ thấy được con số giật mình: Một tháng 30 ngày, phòng tập này tiêu thụ khoảng 4.800 chai nước và một năm là hơn 58.000 chai.
Đáng nói hơn, rất nhiều người có thói quen mang chai nhựa ra khỏi phòng tập và xả ra đâu thì không kiểm soát được, vì thế nguy cơ chai nhựa không được thu gom là rất lớn.
Khảo sát các nhà hàng, quán ăn mới thấy số lượng chai nhựa tiêu thụ mỗi ngày lớn đến mức nào. Ông Đỗ Doãn, chủ chuỗi nhà hàng bia hơi Hải Hói (Hà Nội) cho biết, tính riêng nước đóng chai nhựa, mỗi cơ sở của ông tiêu thụ ít nhất khoảng 1 thùng (24 chai)/ngày.
Dọc con ngõ 279 của phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) dài chưa đến 1 cây số, chúng tôi đếm được khoảng 11 quán bia có quy mô tương tự. Như vậy có thể ước tính, chỉ riêng đoạn đường ngắn ngủi này, với vỏn vẹn 11 quán bia hơi lớn, mỗi tháng lượng chai nhựa trung bình được tiêu thụ cũng gần 8.000 chai, mỗi năm "ngốn" khoảng 96.000 chai, nếu hoạt động đều đặn.
Con số này tại khu du lịch còn lớn hơn gấp nhiều lần. Chủ nhà hàng trên đường ven biển Nguyễn Tất Thành (TP Đà Nẵng) thông tin, mỗi tháng vào mùa cao điểm, nhà hàng của anh tiêu thụ gần 10.000 chai nước nhựa lớn nhỏ. “Riêng tuyến đường Nguyễn Tất Thành có không dưới 100 nhà hàng, quán nhậu, nếu làm phép tính đơn giản thì số lượng nước uống đóng chai tiêu thụ phải lên đến triệu chai/tháng, con số vô cùng lớn”, anh Cần, chủ nhà hàng, nói.
Còn tại bất cứ cửa hàng, siêu thị nào, từ lớn đến nhỏ, khách hàng đều dễ dàng nhìn thấy các loại nước đóng chai được trưng bày la liệt với rất nhiều nhãn hiệu, chủng loại từ nước lọc, nước ngọt, đến các loại nước tăng lực, nước điện giải, nước uống có ga, dầu ăn, nước mắm, tương ớt… Nhiều cửa hàng thừa nhận, không nhớ nổi mỗi tháng tiêu thụ hết bao nhiêu vì có quá nhiều loại. Nhưng con số cũng phải lên đến hàng nghìn sản phẩm/cửa hàng.
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực Miền Bắc, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, tại 12 đơn vị của Saigon Co.op ở Miền Bắc, số lượng nước đóng chai nhựa loại từ 350ml đến 5 lít được tiêu thụ khoảng 32.000 chai, tương đương lượng tiêu thụ có thể lên tới hơn 380.000 chai nhựa mỗi năm.
Tại TP biển Đà Nẵng, theo một nghiên cứu được công bố vào giữa năm 2021, mỗi năm, thành phố này thải ra môi trường trung bình 80.000 tấn rác thải nhựa. Trong đó, khối lượng túi nylon là 11.198 tấn, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 800 tấn, màng chất dẻo các loại là 4.587 tấn, xốp nhựa khoảng 700 tấn, rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn uống khoảng 500 tấn... Đây thực sự là những con số báo động đối với môi trường.
Quan sát nhiều ngày tại khu vực bãi biển thuộc vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà, dễ dàng nhận thấy suốt chiều dài khoảng gần 1km bờ kè, vỏ chai nhựa cùng túi nylon phủ kín. Có những điểm rác thải nhựa bị sóng đánh dạt vào bờ dày từng lớp, phủ kín cả mặt nước. Những rác thải nhựa lâu ngày không được thu dọn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái ven bờ.
Theo anh Trần Lâm (38 tuổi, trú quận Sơn Trà), ngư dân chuyên đánh bắt cá tại khu vực này, đây là “cái rốn” của các loại rác thải khi rác từ sông, kênh rạch đổ ra biển, sau quá trình bị sóng đánh dạt vào, theo thời gian chất đống lại.
“Chỉ nhìn bằng mắt thường, ước tính khu vực eo vịnh Mân Quang này lượng rác thải đổ về phải hàng tấn, trong đó chủ yếu là vỏ chai nhựa, các loại túi nylon đựng đồ dùng và một phần là thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng. Chúng tôi neo tàu thuyền tại đây, thỉnh thoảng thấy lực lượng công nhân môi trường, các đoàn thể ra quân thu dọn nhưng chỉ được một vài hôm thì đâu lại vào đấy, rác thải nhựa lại chất đống, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng”, anh Lâm nói.
Cách vịnh Mân Quang không xa, tại khu vực cửa sông Hàn đổ ra biển (chân cầu Thuận Phước) thuộc địa bàn quận Sơn Trà và quận Hải Châu, hai bên bờ sông cũng chịu cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. “Ai ra đây dạo chơi, hóng gió cũng mang theo nước uống đóng chai, túi nylon đựng đồ ăn. Dùng xong, phần lớn thì xả rác thải nhựa khắp nơi. Những gì trên bờ, công nhân môi trường thu gom được, còn ở dưới nước thì sóng cuốn ra biển, sau đó lại đánh dạt vào bờ, chất đống, ô nhiễm là điều khó tránh”, chị Duyên, công nhân dọn vệ sinh khu vực này cho biết.
Trong khi đó, từ khi nhà máy xử lý rác bị người dân phản đối và phải dừng hoạt động, khu vực đầm nước mặn Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), lâm vào tình trạng ô nhiễm nặng với "biển" nylon, chai nhựa tràn ngập.
Theo người dân địa phương, khu đầm rộng hơn 200 hecta này được người dân địa phương tận dụng để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, đầm nước mặn Sa Huỳnh trở thành điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường với lượng rác thải khống lồ bao phủ.
Suốt nhiều năm sống cạnh "biển" rác, chị Nguyễn Thị Thu Thúy (trú tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh) bày tỏ sự ngán ngẩm pha lẫn bức xúc trước vấn nạn ô nhiễm đang diễn ra ở địa phương. Theo chị Thúy, nguyên nhân khiến đầm nước mặn Sa Huỳnh bị bủa vây bởi rác thải là do nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đức Phổ không hoạt động. Bao nhiêu rác thải sinh hoạt của người dân, đặc biệt là chai nhựa, túi nylon do không được thu gom cứ thế vứt vô tội vạ ra đầm nước.
"Mùa mưa, nước trong đầm dâng cao, một lượng rác thải được cuốn trôi thẳng ra biển. Còn mùa nước cạn như thời điểm bây giờ, rác thải không thoát ra biển được nên chất đống dày đặc ở mặt đầm, bốc mùi hôi thối nồng nặc" - chị Thúy giãi bày.
Với thực trạng dùng nylon, chai nhựa của người dân Việt Nam hiện nay, chuyên gia cảnh báo “ô nhiễm trắng” sẽ xảy ra, đe dọa cuộc sống con người, thậm chí có thể gây nên những “cái chết mòn” được cảnh báo trước.
Bình luận