Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: “25 năm trước, khi chúng tôi nói sẽ xuất khẩu phần mềm, nhiều người nghĩ chúng tôi không làm được. Họ nói chúng tôi, ăn còn không đủ no bày đặt đi làm phần mềm. Bây giờ, chúng tôi lại tiếp tục đặt cược tương lai của FPT vào AI".
Ông Khoa cho biết, điều mà những người FPT tự hào nhất là Việt Nam đã có tên trong bản đồ công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay của ngành công nghệ chính là nguồn nhân lực. Cụ thể, khi FPT thực hiện công việc chuyển đổi số cho các Bộ, ngành, địa phương thì những khách hàng này đều gặp vấn đề về nguồn nhân lực. Trong đó, nhân lực về AI (trí tuệ nhân tạo), về vi mạch bán dẫn là vô cùng cần thiết.
Ông Khoa nhận định, trong 10 năm tới, thị trường sẽ cần khoảng 3 triệu kỹ sư công nghệ và mục tiêu của FPT là đóng góp khoảng 1 triệu kỹ sư. Hiện tại, tập đoàn này đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo tại các trường, phân hiệu của FPT ở các tỉnh, thành phố.
Trong năm 2024, đại học và cao đẳng FPT đã tuyển được gần 2.000 sinh viên đầu tiên theo học ngành vi mạch bán dẫn.
"Trong số gần 2.000 sinh viên theo học ngành vi mạch bán dẫn của chúng tôi thì có sinh viên tên Trương Gia Bình (trùng tên với Chủ tịch HĐQT FPT). Sinh viên này rất tài năng. Sau khi tốt nghiệp khoá học, bạn đã được công ty của Nhật Bản trả lương 50 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường về nhân lực công nghệ chất lượng cao là rất lớn. FPT cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nguồn nhân lực cho chính mình, cho quốc gia và cho thế giới", ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh đến cụm từ “dữ liệu là tư liệu sản xuất mới”. Đây là đánh giá vô cùng chính xác. Tương lai của con người là dữ liệu và tương lai của AI cũng là dữ liệu.
Ông Khoa chia sẻ, ngay từ khi còn đang học cấp 2, cấp 3, học sinh của FPT đã được tiếp cận với dữ liệu. Với các chiến lược đào tạo dài hạn như vậy, Việt Nam sẽ có những chuyên gia về dữ liệu đóng góp cho FPT và đất nước.
Tổng Giám đốc FPT đánh giá, hiện nay, nếu chỉ tính riêng về xuất khẩu phần mềm thì Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ. Về dịch vụ công nghệ thông tin thì Việt Nam vẫn đứng sau một số quốc gia. Mục tiêu của FPT là đưa Việt Nam nằm trong Top 3 về dịch vụ công nghệ thông tin của thế giới.
Hiện nay, Ấn Độ đang là cường quốc về xuất khẩu phần mềm và thị trường công nghệ thông tin. Các chuyên gia cũng đã nhiều lần bàn bạc phương án vượt qua Ấn Độ về dịch vụ công nghệ thông tin, dù dân số Việt Nam chỉ bằng 1/10 Ấn Độ.
"Tôi nghĩ còn một cách, đó là 1 người Việt phải làm bằng 3 người Ấn Độ thì may ra mới có thể vượt qua họ. Cần phải gia tăng năng suất lao động và gia tăng chất lượng”, ông Khoa chia sẻ.
Cũng theo ông Khoa, bên cạnh việc đào tạo nhân lực cho AI, FPT cũng đang đào tạo nhân lực công nghệ cho ngành ô tô. Cụ thể, về phần mềm điều khiển xe ô tô, FPT đang là đối tác của hơn 150 hãng xe trên thế giới. Xe điện hay xe xăng đều có thể sử dụng phần mềm điều khiển xe ô tô do FPT sản xuất.
Liên quan đến FPT Techday 2024, ông Khoa cho biết, diễn đàn công nghệ này sẽ có nhiều thông tin về sản phẩm, dịch vụ mới. Tuy nhiên, những thông tin này đang tạm thời được giữ kín để ngày 13-14/11 sẽ công bố.
Được biết, FPT Techday là nơi hội tụ các xu hướng công nghệ, kinh doanh mới nhất với sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các tín đồ công nghệ.
Tập đoàn FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với doanh thu đạt 45.241 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.111 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 21,5% lên 5.762 tỷ đồng.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế đạt 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, FPT đã thực hiện 73% kế hoạch doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Bình luận