1. Hình ảnh ấn tượng nhất tuần qua không phải chiến thắng 2-0 của Việt Nam trước Malaysia, mà là hình ảnh cổ động viên (CĐV) "rồng rắn" xếp hàng trước cửa sân Mỹ Đình để mua vé xem đội tuyển. Dư luận ngạc nhiên, báo chí quốc tế sửng sốt. Từ rất lâu, tình yêu cuồng nhiệt của khán giả dành cho bóng đá đã là "đặc sản" trên dải đất hình chữ S.
Cổ động viên diễu hành trước trận Việt Nam - Malaysia
Trước giờ thi đấu, hội cổ động viên bóng đá Việt Nam (VFS) cùng nhiều nhóm hội khác cũng tham gia diễu hành quy củ, nghiêm túc, thể hiện thái độ cổ vũ văn minh. Các CĐV cũng tham gia "tiếp lửa đường xa" trên những chuyến xe, phủ đỏ sân vận động quốc gia Lào để biến nơi đây trở thành "Mỹ Đình thứ hai". Hình ảnh "cầu thủ thứ 12" chưa bao giờ đẹp đẽ và đáng học hỏi đến thế.
Nhưng hình ảnh ấy đang có nguy cơ vấy bẩn bởi một thiểu số vô văn hóa, vô ý thức trên sân hôm qua.
2. Dù dư luận đã truyền tay nhau thông điệp "nói không với pháo sáng", bởi chỉ cần một quả pháo được đốt trong sân, bóng đá Việt Nam sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí treo sân, phải đá sân trung lập hoặc sân không có khán giả. Sau sự cố đốt pháo sáng ở ASIAD vừa qua, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đưa CĐV Việt Nam vào tầm ngắm.
Thế nhưng, một nhóm nhỏ CĐV vẫn phớt lờ cảnh báo, cố tình mang pháo sáng "vượt rào" an ninh để đốt trong sân cho thỏa. Trước kia, việc đốt pháo sáng trong sân là minh chứng cho sự cuồng nhiệt, nhưng cuồng nhiệt đến mức vượt qua khuôn khổ, cố tình xâm hại lợi ích của đội tuyển chỉ để thỏa mãn cái tôi, đấy là biểu hiện của sự ích kỷ.
Nếu án phạt được đưa ra, hành trình của tuyển Việt Nam ở AFF Cup năm nay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi thiếu đi sự cổ vũ của khán giả nhà. Mặt khác, CĐV sẽ không được cổ vũ đội tuyển trực tiếp trên sân. Đồng thời, hình ảnh bóng đá Việt Nam sẽ xấu đi nhiều trong mắt các nhà tổ chức, dẫn đến nguy cơ Việt Nam không được đăng cai tổ chức các giải quốc tế trong tương lai.
Lợi bất cập hại. Những kẻ vô ý thức kia có hiểu có việc mình đang làm hay không? Nếu có, bốn quả pháo sáng được đốt trên khán đài hôm qua là việc làm không thể lý giải.
3. Nếu muốn thể hiện cái tôi, các CĐV nên thể hiện bằng những hành động cụ thể với những chuyến tiếp lửa đường xa hay cổ vũ bài bản, có văn hóa, thay vì tự biến mình thành kẻ phá hoại và trở thành "cái gai" trong mắt cộng đồng.
Rất nhiều người đòi xử phạt những kẻ đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình hôm qua, bởi chỉ án phạt hướng về đích thân kẻ gây họa, ban tổ chức mới đủ sức răn đe, giáo dục. Nếu cần, có thể cấm vĩnh viễn những kẻ đó đến sân.
Càng nguy hiểm hơn khi vấn nạn pháo sáng chưa cho thấy dấu hiệu bị dập tắt, dù cảnh báo được đưa ra và lực lượng an ninh đã siết chặt. Trận đấu tới trên sân Hàng Đẫy, pháo sáng rất có khả năng lại xuất hiện. Mọi động thái xử lý khi ngọn khói đỏ bốc lên đều là quá muộn. Cần dẹp bỏ pháo sáng từ trong "trứng nước", với những chế tài xử phạt nặng hơn và sự chung tay của cả cộng đồng.
Với những CĐV văn minh, hãy lên tiếng, đừng để hình ảnh CĐV Việt Nam bị vấy bẩn bởi một thiểu số vô ý thức - những kẻ không muốn trở thành "cầu thủ thứ 12", mà chỉ muốn cản bước 11 cầu thủ đội nhà bằng thứ "chơi trội" vô văn hóa của mình.
Những kẻ ấy, liệu có xứng đáng cầm trên tay tấm vé và xuất hiện trong sân một lần nữa?
Bình luận