Cây thương lục có độc không?

Tư vấnThứ Năm, 18/05/2023 12:34:00 +07:00
(VTC News) -

Rất nhiều người truyền tai nhau về việc ngâm cây thương lục để uống rượu, vậy thương lục là cây gì và cây thương lục có độc không?

Cây thương lục là gì? Cây thương lục có độc không là băn khoăn của không ít người. Mời bạn xem giải đáp trong bài viết dưới đây.

Cây thương lục là cây gì?

Báo Sức Khỏe & Đời sống đăng tải bài viết của Lương y Phan Công Tuấn về cây thương lục, nêu rõ: Thương lục có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được di thực du nhập vào nước ta mấy thập kỷ gần đây.

Trong nước vốn có sẵn loài thương lục Phytolacca decandra L. còn gọi là thương lục Mỹ (Phytolacca americana L.) hay dân gian còn gọi sâm voi vì cây mau lớn, sau 6 - 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm (sự nhầm lẫn chết người từ đây mà ra).

Trên thực tế, thương lục không phải là vị thuốc xa lạ gì đối với Đông y. Trong sách thuốc đầu tiên Thần Nông bản thảo kinh xuất hiện cách đây gần 2.000 năm đã có ghi chép tỉ mỉ về vị thuốc này nhưng xếp nó vào nhóm “hạ phẩm” vì là thuốc có độc, không được dùng nhiều và lâu dài, nên ít được thầy thuốc sử dụng phổ biến.

Trong phần giới thiệu về cây thương lục Phytolacca acinosa Roxb trong Từ điển cây thuốc của Võ Văn Chi, loài cây này được miêu tả là cây thảo sống nhiều năm, cao tới 1,5m.

Rễ cây củ mập, thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh. Lá mọc so le, phiến xoan ngược to, dài 12 - 25cm, rộng 5 - 10cm; cuống lá 3cm, đầu nhọn tù, gốc nhọn. Chùm hoa đối diện với lá song không gắn trước lá, cao 15 - 20cm; 5 lá đài trắng, nhị 8, lá noãn 8 - 10. Quả mọng, hình cầu dẹt, có 8 - 10 quả đại với vòi nhụy tồn tại, khi chín có màu tía đen, hạt đen, dẹp, hình thận hay tròn. Hoa tháng 5 - 7, quả tháng 8 - 10.

Bộ phận dùng là rễ củ - Radix Phytolaccae, thường gọi là thương lục.

Nơi sống và thu hái: Loài cây Ấn Độ được trồng nhiều làm cảnh và làm thuốc. Trồng bằng mầm rễ và bằng hạt. Có thể thu hoạch rễ vào mùa thu hay mùa đông. Đào rễ về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái mỏng và phơi khô. Có khi người ta ngâm vào rượu có pha mật ong rồi mới phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: Trong củ có một chất độc đắng gọi là phytolaccatoxin, rất nhiều muối kali nitrat, axit oxymyristinic và một chất steroid saponin; có sách nêu có axit esculentic.

Tính vị, tác dụng: Rễ vị đắng, tính lạnh, có độc. Tác dụng trục thủy tiêu thũng, thông lợi nhị tiện, giải độc tán kết. Ở Ấn Độ cây được xem như có tác dụng gây ngủ. Trong rễ có steroid saponin, chất này có tác dụng diệt tinh trùng.

Cây thương lục có độc không? - 1

Quả cây thương lục chín có màu đỏ tím - Ảnh: Sở Y tế Lào Cai

Cây thương lục có độc không?

Báo VnExpress dẫn nguồn từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết, thương lục là loại cây thảo dược sống lâu năm. Trong Đông y, cây thương lục có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh nhưng phải dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Phytolaccatoxin là chất độc trong tất cả bộ phận của cây, khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Chi cục khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại động, thực vật lạ; không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc đông y khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc; không uống nhiều rượu ngâm thuốc hoặc ngâm nội tạng động vật.

Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần lưu giữ và bảo quản toàn bộ thức ăn để phục vụ điều tra, đồng thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Hạ An(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn