• Zalo

Cầu thủ ngô nghê, cầm 50 triệu... mua sữa cho cháu?

Thể thaoThứ Hai, 14/04/2014 11:25:00 +07:00Google News

Món lợi mà nhóm cầu thủ V.Ninh Bình không bỏ qua, dù số tiền được chia không quá lớn. Thậm chí có cầu thủ còn cho rằng,thôi thì cầm 50 triệu để mua sữa cho cháu


Tại sao các cầu thủ lại đánh đổi sự nghiệp, tương lai của mình bằng một cái gật đầu tham gia cá độ mà khoản tiền nhận được từ phi vụ này chỉ là 75 triệu đồng, nhỉnh hơn chút mức lương tháng? 

Cách đây hơn 2 năm, thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng lập kỷ lục về chuyển nhượng khi đầu quân cho V.Ninh Bình với giá 12 tỉ đồng. Lương cứng của Mạnh Dũng là 50 triệu đồng/tháng (khoảng 4 tỉ đồng/năm). Với mức lương đó, Mạnh Dũng và các cầu thủ V.Ninh Bình liệu có dễ dàng nhúng chàm như thế?

Đá bóng và thấy lợi thì làm


Ngoài thủ môn Mạnh Dũng, hầu hết các cầu thủ bị tình nghi tham gia vụ bán độ có giá 800 triệu đồng đều từng khoác áo tuyển QG hoặc tuyển U.23 - cái “mác” khiến cho giá chuyển nhượng được đẩy lên mức 4-5 tỉ đồng/người. Trường hợp như Trần Mạnh Dũng - tiền đạo đội phó U.23 VN - đang bị tình nghi cầm đầu nhóm cá độ đã nhận 5 tỉ đồng lót tay từ ông bầu Hoàng Minh Trường khi từ Nam Định về với V.Ninh Bình.
Thủ môn Mạnh Dũng-V.Ninh bình
Thủ môn Mạnh Dũng- một trong những cầu thủ có tên trong nghi án bán độ tại

10 cầu thủ có giá chuyển nhượng tới gần 50 tỉ đồng và tổng mức lương tháng 500 triệu đồng đã... “chết” chùm chỉ vì một “hợp đồng cá độ” có giá trị chỉ 800 triệu đồng. Cái giá quá rẻ để bán, nhưng cũng là quá đắt với các cầu thủ khi vụ việc vỡ lở.

Không phải các cầu thủ V.Ninh Bình cố tình nhắm mắt làm độ mà không thấy cái giá phải trả. Đơn giản là môi trường bóng đá V.League không sạch. Hơn nữa, chính giải đấu Champions League Châu Á, AFC Cup lại là mảnh đất màu mỡ để các cầu thủ “bán”.

 
Thậm chí có cầu thủ còn cho rằng, thôi thì cầm 50 triệu để... mua sữa cho cháu.
 
Lý do dễ hiểu là những trận đấu này không thuộc thẩm quyền của VFF, nên ngay cả có những kết quả bất thường thì ít khi bị soi. Tâm lý “đá thắng thì tốt, mà không thắng cũng chẳng sao” ở giải AFC đã tạo điều kiện để xuất hiện những trận kỳ lạ.


Chẳng hạn năm 2009, đội bóng của bầu Kiên thi đấu ở AFC Cup, trận lượt đi thắng dễ Kedah (Malaysia) 3-1 ở sân nhà, nhưng đá sân khách thua tới 0-7. Cũng ở giải này, họ thua Chonburi (Thái Lan) 0-6. Gần hơn, SLNA và Navibank cũng đã thua thảm trước những đội tầm tầm của Malaysia, Indonesia. Đó là những trận đấu bị đặt dấu hỏi, nhưng chẳng ai soi xét tận nơi.

Trận đấu Kelantan của V.Ninh Bình cũng vậy. Lẽ ra, nó “ngoài tầm ngắm” như mọi trận đấu ở AFC Cup - nơi các đội và cầu thủ Việt tha hồ làm trò. Việc phát giác nhóm cá độ này là do bầu Trường “câu cua bắt được ếch”. Ngờ các cầu thủ của mình “có vấn đề” trong trận gặp B.Bình Dương (V.Ninh Bình thua 2-5), bầu Trường đã nhờ cơ quan an ninh điều tra. Sau được cơ quan điều tra mời lên làm việc, đã có các cầu thủ “thành khẩn” khai luôn vụ Kelantan.
Nhiều cầu thủ V.Ninh Bình coi như mất nghiệp

Phương thức cá độ đơn giản, tỉ lệ kèo có sẵn trên mạng, chỉ cần một cú điện thoại và rủ đồng đội tham gia. Việc dàn xếp theo đúng “kèo” là trong tầm tay và không bị “soi” như những trận ở V.League.

Đó là món lợi mà nhóm cầu thủ V.Ninh Bình không bỏ qua, dù số tiền được chia không quá lớn với mỗi cầu thủ. Thậm chí có cầu thủ còn cho rằng, thôi thì cầm 50 triệu để... mua sữa cho cháu.


Sau khi vụ tiêu cực bị vỡ lỡ và dư luận đặt câu hỏi: “Tại sao các cầu thủ đánh đổi tương lai của mình một cách rẻ mạt như vậy?”. Trả lời câu hỏi này, một cựu tuyển thủ nói rằng: “Các cầu thủ kiếm tiền kiểu chộp giật là do các ông bầu làm bóng đá kiểu chộp giật.

Những cầu thủ đá bóng, dù lương cao, nhưng tuổi nghề có hạn. Trong khi đó, các ông bầu lại không chắc chắn có đầu tư bóng đá dài hạn hay không. Bóng đá đã chứng kiến những cầu thủ "bỗng nhiên ra đường” vì ông chủ chán bóng đá. Vì thế, không ít cầu thủ sẵn sàng tâm lý "làm kinh tế" khi còn có thể chơi bóng, dù biết có thể phải trả giá đắt”.

Đó có thể là một phần lý do. Giới cầu thủ đã từng ngao ngán với những quyết định “bỏ của chạy lấy người” ở các đội Xuân Thành Sài Gòn, K.Kiên Giang, Bình Định... Rất nhiều cầu thủ ở những đội này bất ngờ mất nghề, phải kiếm ăn bằng những con đường khác.

Đến như ông bầu Hoàng Mạnh Trường của V.Ninh Bình cách đây không lâu cũng có thông tin ông này đã “chán” bóng đá và có ý trả đội bóng cho tỉnh, không tham gia đầu tư nữa. Bản thân sự tồn tại của CLB V.Ninh Bình cũng điển hình cho thứ bóng đá chộp giật. CLB có logo in hình 2 con dê gác chân lên chiếc cúp là một sản phẩm kỳ quái của V.League: Họ mua suất của Sơn Đồng Tâm tận... Long An để trở thành đội hạng nhất.

V.Ninh Bình tham gia V.League mà hầu như không có hệ thống đào tạo và đặc biệt đây là đội bóng không có cầu thủ gốc Ninh Bình. Cầu thủ, HLV đều được thuê về thi đấu. Và khi ông chủ không muốn làm bóng đá, tuyên bố giải tán, thì cầu thủ đương nhiên phải tự tìm đường kiếm sống.
Các ông bầu Việt cũng đang làm ăn kiểu chộp giật?

Sự bất ổn trong cách làm bóng của những ông bầu khiến cho tâm lý “kiếm được đồng nào tốt đồng ấy” khá phổ biến. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là ở chỗ: Thay vì thi đấu tích cực và tích lũy đồng lương cao mà họ đang nhận, nhiều cầu thủ có tâm lý hưởng thụ.

Chẳng hạn, Trần Mạnh Dũng - cầu thủ đang bị tình nghi là chủ mưu vụ cá độ ở V.Ninh Bình - sau khi nhận khoản tiền tỉ chuyển nhượng đã chơi nổi bằng cách mua ôtô xịn để cho thiên hạ “lác mắt”. Một số cầu thủ trẻ tuổi, khi có tiền, đã sớm đua đòi để rồi khi có cơ hội, họ quyết định “đánh quả” cá độ, trong đó cá độ cả những trận mình tham gia, nhất là ở những đấu trường ít người soi mói như AFC Cup.

Nhưng đi đêm thì có ngày gặp ma. Họ - những cầu thủ tham gia cá độ - vừa là thủ phạm, nhưng vẫn có bóng dáng nạn nhân của cách làm bóng đá chuyên nghiệp chộp giật, nửa vời của VN. Và, cũng cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của VFF về sự hỗn loạn của nền bóng đá ở thời điểm hiện tại.

Theo Laodong
Bình luận
vtcnews.vn