Ngày 12/10, thông tin với PV VTC News, ông Phạm Văn Hiển – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng cho biết, Sở đã nhận được văn bản phản hồi của UBND quận Hải An liên quan đến việc điều tra, xác minh, xử lý vi phạm làm 5,4ha rừng ngập mặn chết khô.
Theo văn bản phản hồi của UBND quận Hải An, trong biên bản kiểm tra hiện trường được Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp với UBND phường Đông Hải 2 lập ngày 29/10/2020 tại khu vực rừng ngập mặn, phường Đông Hải 2 xác định: “Toàn bộ diện tích 5,42ha rừng trong quy hoạch bảo vệ phát triển rừng tại lô 7-RTM/5,42 có hiện tượng bị ngập nước dẫn đến toàn bộ cây rừng bị chết”.
Căn cứ kết quả giám định ngày 25/12/2020 của Viện nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thì nguyên nhân cây rừng ngập mặn bị chết là do hiện tượng bao bí xung quanh rừng làm độ mặn của nước tăng cao, lô rừng bị ngập triều thường xuyên trên 16 giờ/ngày, ngập triều sâu trung bình tính 1,5m-2,3m.
Thời gian bị ngập liên tục làm cho bộ rễ khí sinh của cây bần, cây sú không thể hô hấp được làm cây bị chết. Khi cây chết làm gốc và bộ rễ cây bị thối trong môi trường nước bao bí sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ trong đất nhanh hơn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, làm cho cây rừng bị chết hàng loạt không thể phục hồi được.
“Như vậy, nguyên nhân gây chết 5,42 ha rừng tại lô 7, khoảnh 4, tiểu khu HA, phường Đông Hải 2, quận Hải An đã được làm rõ”, công văn của UBND quận Hải An nêu.
UBND quận Hải An khẳng định việc điều tra và xử lý vi phạm gây nên chết rừng thuộc thẩm quyền của kiểm lâm cấp huyện. Do đó, UBND quận Hải An đề nghị Sở NN&PTNT Hải Phòng giao Chi cục kiểm lâm kiểm tra, điều tra làm rõ đối tượng và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước nội dung phản hồi của quận Hải An, ông Phạm Văn Hiển – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỏ ra bất ngờ và không hiểu tại sao UBND quận Hải An lại “đá bóng đi, đá bóng lại như vậy”. Theo ông Hiển, 6 tháng trước, UBND quận Hải An đã có văn bản giao Công an quận Hải An điều tra, xác minh và tham mưu xử lý đối tượng gây ra việc cây rừng ngập mặn chết hàng loạt.
"Hiện, lãnh đạo Sở NN&PTNT đang đi công tác nên khi về lãnh đạo Sở sẽ có quan điểm cụ thể về vấn đề này và sẽ thông tin cho báo chí", ông Hiển nói.
Như VTC News đưa tin, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, cánh rừng phòng hộ phía Bắc đường dẫn (thuộc tuyến đường 356) lên cầu Tân Vũ – Lạch Huyện hướng Hải An – Cát Hải (Hải Phòng) bị chết khô, khiến nhiều người qua lại không khỏi tiếc nuối.
Khoảng hơn 2 năm trước, cánh rừng này còn đang xanh tốt, được ví như "lá phổi xanh khổng lồ" giữa 2 khu công nghiệp rộng lớn bậc nhất TP Hải Phòng là Khu công nghiệp Nam Đình Vũ và Khu Công nghiệp Deep C.
Đặc biệt, với những người nông dân làm đầm nuôi trồng thủy sản, họ hiểu hơn ai hết giá trị mà cánh rừng phòng hộ, rừng ngập mặn mang lại trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng, chắn gió bão, chắn sóng, chắn cát để bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân.
Video: Cận cảnh cánh rừng phòng hộ rộng 5,4ha đang xanh tốt bỗng chết khô ở Hải Phòng
Sau khi VTC News phản ánh, UBND TP Hải Phòng giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND quận Hải An và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.
Ngày 21/3/2022, Sở NN&PTNT Hải Phòng gửi văn bản đề nghị UBND quận Hải An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quận điều tra, xác minh tổ chức, cá nhân khiến cánh rừng ngập mặn ở địa phương chết khô.
Trong văn bản trên, Sở NN&PTNT Hải Phòng khẳng định, từ khi phát hiện cánh rừng ngập mặn 5,4ha tại lô 7, khoảnh 4, tiểu khu HA có hiện tượng bị rụng lá, sinh trưởng phát triển kém, Chi cục Kiểm lâm Thành phố đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, do vụ việc phức tạp, liên quan đến việc thực thi các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, lâm nghiệp..., trong khi trình độ, năng lực điều tra, xác minh của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế nên đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng gây ra các nguyên nhân khiến cây rừng chết.
Mặt khác, do Thông tư số 18/2013 của Bộ Tài chính hết hiệu lực, nên không có căn cứ pháp lý tham mưu UBND Thành phố thực hiện việc thanh lý diện tích rừng bị thiệt hại và giá trị lâm sản thu hồi khi thực hiện thanh lý rừng.
“Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ việc trên theo đúng quy định pháp luật, Sở NN&PTNT Hải Phòng đề nghị UBND quận Hải An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quận tổ chức điều tra, xác minh rõ đối tượng (tổ chức, cá nhân) gây nên nguyên nhân cây rừng ngập mặn chết nêu trên và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, công văn nêu rõ.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!
Bình luận