• Zalo

Canh ngon, tốt cho sức khỏe trong mùa hè

Sức khỏeThứ Sáu, 09/05/2014 06:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Một số món canh vừa thanh nhiệt, bổ dưỡng lại giúp tăng sức đề kháng để chống lại bệnh dịch mùa hè, và đặc biệt là rất dễ chế biến.

(VTC News) - Một số món canh vừa thanh nhiệt, bổ dưỡng lại giúp tăng sức đề kháng để chống lại bệnh dịch mùa hè, và đặc biệt là rất dễ chế biến. 

1. Canh ngao chua: 

Ngao là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Trong thịt ngao có đầy đủ các chất protit, gluxit, lipid, nhiều vitamin và những khoáng chất cần thiết cho cơ thể. 
Ngao giúp ngăn chặn bệnh Alzheimer, bệnh thiếu máu, bệnh viêm khớp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp điều tiết nồng độ đường trong máu, giúp răng lợi khỏe mạnh, tốt cho tuyến giáp, tăng cường hoạt động tình ái và tốt cho người ăn kiêng và bệnh tim.

 Canh ngao chua
Đầu tiên các bạn cho ngao vào luộc chín sau đó vớt ngao ra và lọc lấy nước, thịt thì rửa sạch để ráo nước(sau khi lọc còn khoảng 800-1000ml nước luộc ngao là được). Phần thịt ngao sau khi rửa sạch đem xào qua cho tái. Khế thái lát mỏng.

Cà chua thái múi cam. Hành băm nhuyễn. Xoài thái miếng dài. Đun sôi nước luộc ngao (phần nước ta đã đem lọc từ trước) rồi cho khế chua, cà chua, ớt cả quả và xoài vào. Chờ nước sôi lại, cho ngao đã xào vào, rồi cho 2 thìa nhỏ hạt nêm, nửa thìa muối, nửa thìa đường, nêm cho vừa miệng là được. Đổ canh ra bát và cho hành băm nhỏ vào.
Chú ý: món này nên ăn nóng nếu để nguội ngao sẽ bị tanh và ăn không ngon nữa
2. Canh riêu cua: 

Vị chua ngon của món canh làm bữa cơm hấp dẫn hơn rất nhiều. Đăc biệt trong mùa hè khi nhu cầu cần cung cấp 1 lượng nước rất lớn. Sau đây là cách làm món canh riêu cua bổ dưỡng.
 Canh riêu cua
Bạn làm sạch cua đồng, khều lấy phần gạch cua bên trong và đem xay nhuyễn phần thân mang lọc lấy nước. Cà chua sau khi rửa sạch đem thái múi cau, me cạo sạch vỏ, hành củ đập dập băm nhỏ, hành hoa mùi tàu rửa sạch thái nhỏ.

Thịt nạc xay nhuyễn rồi trộn thêm một chút gia vị: mì chính, bột canh để ngắm đều, nặn thành từng viên chả tròn nhỏ.  Rán qua những miếng cả vừa nặn trong dầu sôi.

Hành ta đem phi thơm với dầu ăn rồi đổ cà chua vào xào cho đến khi cà được chín nhuyễn. Bắc nồi nước lọc cua lên bếp đun sôi cho thêm gia vị vừa ăn.

Ta nên đun nhỏ lửa và khuấy đều nhẹ tay để nước cua đóng thành gạch. Khi nước cua sôi thả me và chả thịt vào tiếp tục đun nhỏ lửa. Khi me và chả thịt chín sẽ nổi lên. Vớt hết me ra bát đánh thật nhuyễn rồi lọc lấy nước và bỏ bã. Đến gần lúc ăn nêm mì chính và hành hoa, mùi tàu vào rồi múc ra bát. Món này dùng nóng với bún là thích hợp nhất.
Chú ý: Cách làm món canh riêu cua tuy đơn giản nhưng các bạn chú ý khi đun nước lọc cua không được làm nát gạch cua món canh sẽ mất ngon.
3. Canh rau ngót thịt heo

Rau ngót vừa bổ dưỡng lại giúp nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc. Chị em phụ nữ sau sinh và người ốm dậy ăn canh rau ngót rất tốt. Thịt heo (loại thăn tươi) có thành phần dinh dưỡng cao, giàu chất đạm, chất béo và chất đường. Ngoài ra còn có nhiều khoáng chất và các vitamin. Thịt heo giúp cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ, nhất là não bộ.
 Canh rau ngót nấu thịt heo
Chế biến: Rau ngót tuốt lá, rửa sạch, vò qua cho mềm. Thịt băm nhỏ, xào chín, cho nước vào đun sôi (tùy lượng người ăn) cho rau vào nêm gia vị vừa đủ.
Trong dân gian còn dùng lá rau ngót để chữa sót nhau cho sản phụ và tưa lưỡi ở trẻ em. Dùng lá non, giã nhỏ, lấy nước cốt thấm vào bông đánh nhẹ trên lưỡi cho trẻ. Cũng lá rau giã uống sống sau 15 phút nhau sẽ bong.
4. Canh tôm nõn nấu bầu

Tôm nõn là thực phẩm tỷ lệ đạm rất cao, nhiều canxi, được nhiều người ưa thích vì ăn không ngán, dễ tiêu hóa. Bầu, bí đều là rau quả mát, dễ nấu, dễ ăn về mùa hè, lợi niệu lại nhuận tràng.
 Canh tôm nõn nấu bầu
Chế biến: Tôm khô rửa sạch, ngâm khoảng 10 phút cho mềm, nấu sôi, bỏ bầu, bí ( băm bỏ hoặc sắt miếng nhỏ) vào, nêm gia vị, nấu sôi là được.
5. Canh cua rau đay mồng tơi

Cua đồng rất giàu dinh dưỡng, nhiều đạm, chất béo và nhất là canxi, phốt pho; ngoài ra còn có sắt và các Vitamin B1, B2, PP... Cua có tác dụng giảm đau nhức cơ xương khớp. Người ta thường giã cua, lọc nước uống sống trong trường hợp bị ngã, bị đòn, bị đụng dập các cơ bắp, mình mẩy đau nhức, chân tay mệt mỏi, không muốn vận động.
Mướp vị ngọt, tính bình, không độc, vừa là rau ăn lại có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, cầm máu và lợi sữa. Chị em phụ nữ sau sinh nở ăn mướp rất lành.
Mồng tơi vị chua, không độc, tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, đau đầu do trúng nắng. Đặc biệt, lá mồng tơi còn có tác dụng dưỡng da, làm cho mất nếp nhăn ở mặt, da mịn màng mềm mại, chống thô ráp bằng cách giã nhỏ là mồng tơi non lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi ngủ.
Rau đay vị đắng tính bình, lá rau có chất nhày, nấu ăn nhuận tràng rất tốt, thông tiểu tiện, chữa táo bón,mát gan mát ruột. Rau đay còn chữa được ho khan, lợi sữa. Chị em phụ nữ sau sinh ăn rau đay sẽ có tỷ lệ chất béo trong sữa cao hơn các loại rau khác.
Canh cua rau đay mồng tơi 
Chế biến: Cua đồng 500g, mướp hương 1 quả, nào sạch vỏ, rửa thái miếng, rau mồng tơi, rau đay mỗi thứ một ít. Lọc cua thật kỹ, đun sôi, gạt sạch sang bên cho rau và mướp vào đun chín để nguội, cho gia vị vừa đủ,  canh cua ăn với cà pháo muối giòn rất hợp vị.

HT tổng hợp
Bình luận
vtcnews.vn