• Zalo

Cảnh giác dã tâm của Trung Quốc: Ai buông lơi hãy học lại câu chuyện Nỏ Thần

Thời sựThứ Hai, 14/03/2016 11:38:00 +07:00Google News

Tướng quân đội cho rằng dã tâm của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là không thay đổi nên dân tộc Việt Nam sẽ luôn phải ghi nhớ hai chữ “cảnh giác”.

(VTC News)- Tướng quân đội cho rằng dã tâm của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là không thay đổi nên dân tộc Việt Nam sẽ luôn phải ghi nhớ hai chữ “cảnh giác”.

Trả lời phỏng vấn VTC News, Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm phát thanh- truyền hình quân đội cho rằng âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không chỉ diễn ra trong một thời điểm, trong một hoàn cảnh mà đã có sẵn kịch bản về Biển Đông.

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm phát thanh- truyền hình quân đội
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm phát thanh- truyền hình quân đội trả lời phỏng vấn VTC News

- Từ sự kiện Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam vào ngày 14/3/1988, chúng ta thấy rõ dã tâm của Trung Quốc như thế nào, thưa ông?

Nếu chỉ nói đến sự kiện Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam để nói về dã tâm của Trung Quốc là chưa thật đầy đủ. Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc phải nhận thấy trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Ngược dòng thời gian chúng ta thấy rằng năm 1974 Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa giữa lúc cuộc kháng chiến giải phóng Tổ Quốc của chúng ta sắp tới ngày toàn thắng.Tiếp sau đó tháng 2/1979 Trung Quốc đem quân xâm lược nước ta, cuộc chiến kéo dài dai dẳng suốt 10 năm, và cũng đúng thời gian đó, tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 5/2014, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang bình thường thì Trung Quốc lại đưa Giàn khoan HD 981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

Điểm lại những dấu mốc lớn đó để thấy rằng cho dù bối cảnh quan hệ giữa hai nước như thế nào thì Trung Quốc cũng không từ bỏ dã tâm của họ. Họ thường xuyên gây hấn với Việt Nam và các nước khác trên khu vực Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đã và đang làm gì trên Biển Đông thì cả thế giới đã nhìn rõ!

Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không chỉ diễn ra trong một thời điểm, trong một hoàn cảnh, tôi cho rằng Trung Quốc đã có sẵn kịch bản về Biển Đông .

Đó là điều tôi muốn nói rằng trong tâm thức của dân tộc Việt Nam không bao giờ nguôi ngoai hai chữ “ cảnh giác”
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14/3/988 (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân) 

- Theo báo New York Times số ra ngày 8/3, Marc Lanteigne, nhà nghiên cứu ở Viện các vấn đề quốc tế (Na Uy) chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của TQ, nói Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông làm “bồn tắm”.  Phải chăng sống bên cạnh một nước láng giềng như thế, dân tộc Việt Nam phải luôn ghi nhớ bài học cảnh giác như ông đã nói ?

Trong tâm khảm của mình, bất kể một người dân Việt Nam yêu nước nào cũng luôn luôn đề phòng dã tâm của Trung Quốc. Ai buông lơi thì hãy học lại câu chuyện Nỏ Thần!

 
Quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước có những thời điểm tưởng như rất êm đẹp nhưng thực chất trong lòng nó vẫn có “sóng ngầm”.
 
Quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước có những thời điểm tưởng như rất êm đẹp nhưng thực chất trong lòng nó vẫn có “sóng ngầm”.


Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc có lúc thăng, lúc trầm, có những gam màu khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng ý thức sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc  của hàng triệu người dân Việt Nam trước sau như một.

Video: Hải chiến Gạc Ma 1988: Ký ức bi tráng bị lãng quên
Nguồn video: VNE

- Phải chăng Trung Quốc ngày càng ngang ngược, bất chấp dư luận quốc tế phản đối thì sẽ phải nhận những hậu quả to lớn?

Đó là tất yếu. Trung Quốc càng ngang ngược bao nhiêu thì ý thức đề cao cảnh giác của người dân Việt Nam càng lớn, thế giới càng nhận rõ  tâm địa của Trung Quốc. 

Con đường cô lập đang chờ sẵn những ai đang coi thường giá trị hòa bình, giá trị Độc Lập, Tự Do của mỗi dân tộc.

Trong một thế giới phẳng, không một nước nào có quyền và có chỗ đứng trên quyền lợi của dân tộc khác.
Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125
Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125  
Tàu HQ-505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14/3/1988. Ảnh tư liệu.
Tàu HQ-505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14/3/1988. Ảnh tư liệu. 

- Cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhưng vì sao Trung Quốc vẫn cố tình phớt lờ, thưa ông?

Hành vi ứng xử của Trung Quốc với Việt Nam và thậm chí với nhiều nước khác luôn theo kiểu việc đã rồi, “cố đấm ăn xôi”. Các việc làm, hành động từ xưa đến nay xâu chuỗi lại cho thấy điều đó.

Bằng hành động chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc thậm chí đã chà đạp lên mối quan hệ tốt đẹp với nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa của Việt Nam dù biết rằng hành động của mình là trái với Luật Biển quốc tế nhưng nước này vẫn cứ làm, cho dù vấp phải sự lên án mạnh mẽ của dư luận Việt Nam và Quốc tế.

Nhìn một cách tổng thế, không chỉ với các nước Đông Nam Á mà với cả các nước trên thế giới, không chỉ trên lĩnh vực quan hệ kinh tế, mà cả quân sự Trung Quốc đều hành xử theo kiểu nước lớn.

Luật Biển quốc tế không bao giờ công nhận chủ quyền cho những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép. Nhưng khi nước này đã xây rồi thì cũng không dễ dàng ngày một, ngày hai có thể phá bỏ được.

- Cộng đồng quốc tế phản ứng quyết liệt nhưng nhiều ý kiến cho rằng trong nước phải chăng phản ứng quá dè dặt?

Đó cũng là một câu hỏi nóng bỏng được nhiều người đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề này trên bình diện tổng thể.

Thái độ phản ứng, gam màu phản ứng của mỗi nước khác nhau tùy quan hệ, lợi ích đôi bên, chế độ chính trị của các nước. Vì vậy, phản ứng của các nước Đông Nam Á khác với các nước phương Tây, khác với các nước có quyền lợi trực tiếp trên Biển Đông.

Việt Nam có cách thể hiện thái độ của Việt Nam. Cũng không thể nói cách thể hiện của chúng ta không có “sức nặng” như một số nước khác.

Tôi nghĩ hành động, dã tâm của Trung Quốc thể hiện trên Biển Đông thời gian qua đã đụng chạm đến tất cả trái tim những người dân Việt Nam  yêu nước.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam trước kẻ thù bao giờ cũng  kiên quyết không khuất phục nhưng lại khoan hồng, bao dung, độ lượng. Chúng ta yêu hòa bình, không muốn gây chiến tranh với bất kỳ nước nào. Đó là phẩm giá của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam . Đường lối ngoại giao của Đảng ta là muốn là bạn với tất cả các nước.

Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam với Trung Quốc không phải là kẻ thù. Mối quan hệ giữa hai nước hiện nay khác với quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc năm 1988.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dân tộc Việt Nam sẽ chịu lùi bước khi có kẻ nào dám xâm phạm lãnh thổ.

Người Việt Nam có cách ứng xử rất mềm dẻo nhưng khi có ngoại xâm thì hàng chục triệu người Việt sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh điều này trong suốt hàng trăm năm trước họa xâm lăng của ngoại bang.

Thực tế cuộc sống hiện nay có thể có những điều khiến người dân chưa thực sự thỏa mãn, giảm sút lòng tin… nhưng khi đã xảy ra một cuộc chiến tranh động đến lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc Việt Nam thì toàn thể dân tộc thành một khối.
Vị trí đá Gạc Ma ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: NASA
Vị trí đá Gạc Ma ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: NASA  

- Việc đồng bào ta ở khắp thế giới đã biểu tình phản đối Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông thể hiện điều gì, thưa ông?

Việt Nam có 4-5 triệu người Việt ở nước ngoài. Đây là một bộ phận không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Chúng ta và Trung Quốc không phải kẻ thù. Vì vậy, ngôn ngữ ngoại giao chính thống thì không thể hiện thái quá để đẩy tình hình đến căng thẳng.

Người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước đã được Bộ Ngoại giao mời ra thăm Trường Sa để chứng kiến thực tế việc bảo vệ biển đảo của nhân dân Việt Nam.

Các cuộc ra Trường Sa đó đã khiến cho những người Việt Nam ở nước ngoài thay đổi hoàn toàn nhận thức. Họ được gặp những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam để có cái nhìn đúng đắn hơn.

Người Việt ở nước ngoài cũng hiểu người Việt ở trong lãnh thổ đang chiến đấu hết mình để bảo vệ lãnh thổ.

- Người dân Việt Nam trong nước sẽ thể hiện tình yêu nước như thế nào khi chưa có Luật Biểu tình, thưa ông?

Hiện nay, Quốc hội chưa thông qua luật biểu tình. Trong khi đó, tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo dàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, người Việt cũng đã được tuần hành để thể hiện lòng yêu nước của mình.

Nói như vậy thấy rằng Đảng và Nhà nước không hề ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân. Lúc đó, trên các trang mạng, ai cũng bày tỏ lòng yêu nước.

Thái độ của người dân được biểu hiện bằng mọi hình thức, trên mọi phương diện. Chúng ta chỉ cần mở mạng là có thể thấy hết.

Thái độ của người Việt với những hành động ngang ngược của Trung Quốc rất rõ ràng. Vì vậy, cần nhìn vấn đề một cách tổng thể mới thấy được.

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam thì hàng trăm nghệ sĩ Việt đã mặc áo cờ đỏ sao vàng, xếp bản đồ Việt Nam, hát vang bài quốc ca.

Không có cách nào lan truyền nhanh hơn hình ảnh ấy. Có tình yêu Tổ quốc nào biểu hiện sinh động và thiêng liêng hơn thế.

Ở trường học, sáng thứ 2 đầu tuần, hàng trăm học sinh, giáo viên xếp hình bản đồ Tổ Quốc. Đây là cách thể hiện tình yêu nước sinh động nhất mà không có nước nào trên thế giới có được. Chỉ có Việt Nam mới có những hình thức thể hiện lòng yêu nước sinh động đến thế. Đây chính là dáng hình Tổ quốc.

Những cách thể hiện tình yêu nước như vậy đã lan rộng và khắc sâu vào tâm khảm con người.

Ngoài nước thì có 5 triệu người Việt thể hiện mạnh mẽ, phản đối trực diện. Trong lòng đất nước thì sinh động , phong phú hơn nhiều, không ai thờ ơ cả.
Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS
Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS 

- Hiện nay, Trung Quốc đưa máy bay, tên lửa, vũ khí ra Trường Sa. Phải chăng nguy cơ cuộc chiến tranh trên Biển Đông  không còn xa?

Trung Quốc biết đưa máy bay, tên lửa, vũ khí ra  Trường Sa là bất hợp pháp, đe dọa đến an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực, ảnh hưởng đến việc giao thương trên Biển Đông.

Nhưng Trung Quốc vẫn cố tình làm vì họ thừa biết chưa đến lúc cuộc chiến xảy ra. Nếu cuộc chiến xảy ra, Trung Quốc thiệt hại to lớn về mọi mặt.

- Tuy cho rằng chiến tranh trên diện rộng khó xảy ra nhưng khả năng xảy ra đụng độ trên biển liệu có phải ở trước mắt?

Nếu Trung Quốc càng lấn tới, Trung Quốc không tôn trọng quyền lợi, chủ quyền của các nước  thì nguy cơ xảy ra đụng độ là có thể.

Tôi nghĩ Trung Quốc đã có những kịch bản cho Biển Đông chứ không phải là tùy cơ ưng biến.

- Sau những trận chiến ác liệt với Trung Quốc, chắc hẳn nhân dân Việt Nam cũng rút ra được nhiều bài học vô giá?

Dã tâm của Trung Quốc là xuyên suốt, âm ưu đó không bao giờ thay đổi nên đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh đáp ứng yêu cầu của Tổ quốc khi cần.

Lịch sử cũng dạy chúng ta những bài học bổ ích. Nước láng giềng luôn bắt chúng ta phải cảnh giác. Trong lịch sử của dân tộc, lực lượng vũ trang của chúng ta cũng chưa bao giờ được buông súng.

Quân đội của Việt Nam là quân đội nhân dân. Việt Nam xây dựng quân đội trên thế trận quốc phòng toàn dân. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


Phạm Thịnh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn