• Zalo

Canh chừng Trung Quốc, Philippines mua chiến hạm Mỹ

Thế giớiThứ Tư, 07/08/2013 10:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Việc Philippines sở hữu chiến hạm của Mỹ là một bước củng cố quân sự để chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

(VTC News) – Việc Philippines sở hữu một chiến hạm của Cảnh sát biển Hoa Kỳ hôm 6/8 là bước củng cố quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua để chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Hải quân Philippines được tập trung hỗ trợ, vấn đề quân sự của nước này đã trở thành mối quan tâm trong khu vực châu Á và làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông.

Chiến hạm hạng nhì BRP Ramon Alcaraz về đến vịnh Subic. 

Tổng thống Benigno Aquino và các bộ trưởng cấp cao đã có chuyến thăm chiến hạm hạng nhì BRP Ramon Alcaraz về đến vịnh Subic – một căn cứ hải quân Mỹ, sau lộ trình dài 2 tháng từ Nam Carolina về Philippines.
 
Chiến hạm này sẽ được sử dụng để tuần tra các khu vực ở Biển Đông gần bờ biển Philippines, nơi căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh được hình thành.

“Rõ ràng là đất nước chúng ta chỉ có thể phát triển khi ổn định và hòa bình thực sự”, ông Aquino nói trong một bài phát biểu khi tuyên bố Philippines cần phải “xóa bỏ hình ảnh” quân đội được trang bị nghèo nàn.

Tổng thống Aquino đang thực hiện hiện đại hóa hải quân và không quân sau khi ba đời chính quyền trước thất bại trong kế hoạch đầu tư 330 tỷ peso (7,6 tỷ USD) vào năm 1995, thời điểm Trung Quốc đã chiếm đóng nửa chìm Đá Vành Khăn.

Tuy nhiên, nền kinh tế yếu kém vốn có và hai cuộc đấu tranh của chủ nghĩa Mao và quân nổi dậy Hồi giáo đã làm cho Philippines kiệt quệ với hình ảnh quân đội yếu nhất khu vực Đông Nam Á.

Đến khi Tổng thống Aquino tiếp quản trong năm 2010, chỉ có 10% ngân sách trong kế hoạch năm 1995 được sử dụng.

Ông được Quốc hội phê chuẩn mở rộng kế hoạch 15 năm và dành 1,7 tỷ USD củng cố quân đội trong vòng 5 năm tới, giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và đạt 7,8% trong quý đầu tiên năm nay.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng chiếm bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Philippines 124 hải lý.

Manila đã nhận được chiến hạm hỗ trợ mới nhất theo chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Washington, nhưng phải bỏ ra khoảng 15 triệu USD để nâng cấp vũ khí và các hệ thống radar.

Đại tướng Emmanuel Bautista, đứng đầu lực lượng vũ trang với 130.000 quân, cho biết chiến hạm BRP Ramon Alcaraz  có một ‘đóng góp to lớn’ cho nỗ lực bảo vệ lãnh hải Philippines chống lại sự xâm phạm của nước ngoài.

“Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải để biết những gì đang xảy ra xung quanh và cũng có thể đối mặt với một số rủi ro”, Ông Bautista nói với Reuters.

Ông cũng nhấn mạnh rằng lực lượng vũ trang cũng có kế hoạch mua hệ thống radar, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng theo kế hoạch 1,7 tỷ USD.

Manila đã tổ chức đàm phán để mua hàng chục máy bay chiến đấu mới cùng 2 chiến hạm hạng nhì của Hàn Quốc và đặt hàng 10 tàu tuần duyên của Nhật với 3 tàu của Pháp.

Theo Hãng Reuters, quân đội nói chính phủ cần tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ 1,2% GDP hiện nay để phát hiện, giám sát và ngăn chặn sự xâm nhập của nước ngoài trên vùng biên giới biển.

Tổng thống Bautista cho rằng sự hiện diện của quân đội của Mỹ ở Philippines là ‘thiết thực’ và ‘thực tế’: “Đó là một sự răn đe đối với các mối đe dọa bên ngoài”.

Manila cho biết, vào tuần trước, Washington đã tăng cường gói viện trợ quân sự trong năm tới từ 30 triệu USD lên khoảng 50 triệu USD và đó là con số viện trợ cao nhất kể từ khi quân đội Hoa Kỳ trở lại Philippines vào năm 2000.

“Quân đội Philippines đã khôi phục kế hoạch xây dựng đường hàng không mới và căn cứ hải quân ở Vịnh Subic mà lực lượng Mỹ có thể sử dụng”, các quan chức hải quân cấp cao cho biết thêm.

Hải Yến

Bình luận
vtcnews.vn