Chính phủ Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm TikTok, ứng dụng truyền thông xã hội cực kỳ phổ biến của Trung Quốc, cùng hơn 50 ứng dụng khác sau cuộc đối đầu bạo lực giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới.
Theo đó quyết định cấm các ứng dụng này là để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của 1,3 tỷ công dân của Ấn Độ, ngăn chặn thứ công nghệ "ăn cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng theo cách không được phép tới các máy chủ bên ngoài Ấn Độ".
Mặc dù thông báo ban hành lệnh cấm không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng "danh sách đen" chỉ bao gồm các ứng dụng do Trung Quốc sản xuất. TikTok hiện có hơn 200 triệu người dùng tại Ấn Độ và là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở nước này.
Động thái này diễn ra sau vụ ẩu đả đẫm máu ở khu vực biên giới 2 nước Trung - Ấn, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia khi di chuyển hàng nghìn binh sĩ và pháo binh, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ladakh.
Cuộc đụng độ hai tuần trước là xung đột tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong 60 năm qua, và mặc dù hai bên cam kết giảm leo thang, các cảnh quay vệ tinh gần đây dường như cho thấy Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện của họ dọc theo biên giới.
Kể từ khi quân đội Trung Quốc đụng độ dữ dội với Ấn Độ ở biên giới, ngày càng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa và các khoản đầu tư của Trung Quốc. Chính phủ Ấn đã công bố kế hoạch áp đặt các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu đối với khoảng 300 sản phẩm từ Trung Quốc, cũng như cấm các công ty Trung Quốc đấu thầu các dự án viễn thông ở Ấn Độ.
Hiệp hội chủ sở hữu khách sạn và nhà hàng Delhi, đại diện cho hơn 3.000 cơ sở tại thủ đô, gần đây cũng đã cấm tất cả công dân Trung Quốc khỏi khách sạn và nhà hàng của họ.
Trong một động thái mới đây, Bộ Viễn thông Ấn Độ yêu cầu cho các hãng dịch vụ viễn thông trong nước ngừng mọi thỏa thuận với doanh nghiệp Trung Quốc. Cùng với đó, các công ty Trung Quốc cũng bị cấm tham gia đấu thầu mọi dự án phát triển hạ tầng viễn thông Ấn Độ, bao gồm kế hoạch nâng cấp dịch vụ 4G.
Giới chức Ấn Độ cũng tuyên bố đã hủy hợp đồng đường sắt với một công ty Trung Quốc và ít nhất 4 công ty Trung Quốc đang tham gia vào các dự án khác của Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ bị rút khỏi dự án. Trước đó, hãng Oppo của Trung Quốc buộc phải hủy lễ ra mắt tại Ấn Độ, kế hoạch mà họ từng rất kỳ vọng.
Bình luận