Có thể kể đến như khách sạn 4 sao cao 13 tầng, diện tích 323 m2, nằm ngay mặt phố Hàng Bông hiện đang được rao bán với giá 500 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ đồng/m2.
Hay một khách sạn khác cũng nằm tại mặt phố Hàng Bông có diện tích 350 m2, với 14 tầng, có mức giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ đồng/m2.
Một khách sạn nằm tại mặt phố Lương Ngọc Quyến, 338 m2, 10 tầng cũng được rao bán với giá 530 tỷ đồng, tương đương 1,57 tỷ đồng.
Nằm trên phố Mã Mây, một khách sạn 4 sao có diện tích 327,9 m2, 10 tầng, mặt tiền 8m được rao bán với giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,59 tỷ đồng.
Chủ một khách sạn đang rao bán tại phố Hàng Buồm cho hay, khách sạn của anh có 14 phòng, thời điểm trước dịch COVID-19, doanh thu hàng tháng khoảng 400 - 500 triệu đồng, nhưng từ thời điểm dịch bệnh, việc kinh doanh trở nên khó khăn, khách sạn đã để không trong thời gian dài, trong khi chi phí hàng tháng để duy trì vô cùng lớn.
“Hiện khách sạn đã bắt đầu có khách trở lại, kinh doanh có lãi nhưng vì áp lực tài chính mấy năm dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết nên tôi mới đành phải bán đi để trả nợ”, vị này cho hay.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều chủ sở hữu khách sạn đã gặp khó khăn về dòng tiền.
Bước sang năm 2023, hoạt động kinh doanh, nghỉ dưỡng cũng khôi phục chậm do du khách có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, điều này làm gia tăng áp lực trong việc duy trì hoạt động vận hành khách sạn, đặc biệt với các chủ đầu tư vừa và nhỏ.
Anh Nguyễn Việt Cường, nhân viên một khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội cho hay, hiện công suất phòng tại khách sạn của anh chỉ đạt 40 - 50%, cuối tuần khoảng 60% tổng số phòng. Nguyên nhân là do lượng khách du lịch vẫn chưa hồi phục được so với thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn khiến du khách cũng thắt chặt chi tiêu, nên giảm nhu cầu đi du lịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, công suất cho thuê phòng khách sạn tăng nhưng vẫn còn kém xa so với thời điểm trước dịch. Nhóm khách sạn từ 3 sao trở lên, công suất thuê khách sạn đạt 49% trong quý IV/2022. Cả năm 2022, công suất cho thuê toàn thị trường khách sạn Hà Nội đạt 39%, giá phòng trung bình chỉ 2,2 triệu đồng.
Còn theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, tính riêng tháng 5/2023, Thủ đô Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên lượng khách trong tháng lại giảm 8% so với tháng trước, doanh thu ước đạt 7.260 tỉ đồng.
Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú với 70.218 phòng. Trong đó, 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Song công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước chỉ đạt khoảng 60%, dù đã tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ở hiện tại. Chủ khách sạn cần có chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất, cải tạo khách sạn theo từng giai đoạn, tận dụng hiệu quả thời gian này.
Còn theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, các khách sạn đang rao bán, chuyển nhượng hầu hết thuộc đầu tư cá nhân, đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau dịch COVID-19 do du lịch bị hạn chế và gặp sức ép lãi vay.
Thêm vào đó, phân khúc sản phẩm này cũng gặp cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư có nên mua lại khách sạn rao bán lúc này hay không, bà Uyên Nguyễn, trưởng bộ phận tư vấn, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương lưu ý, bên mua cần quan tâm đến khả năng vận hành kinh doanh khách sạn vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập tương lai và khả năng sinh lời. Người mua cần biết đơn vị vận hành, thương hiệu của dự án, cấu trúc hợp tác cho thuê ra sao, các tiện ích cung cấp, đây đều là những yếu tố cơ bản cần tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư.
Bình luận