Mấy tháng cuối năm Âm lịch là mùa cưới ở Việt Nam, các cặp uyên ương cùng gia đình rậm rịch tổ chức hôn lễ với tiệc mừng long trọng để về chung một nhà trước năm mới. Mùa cưới không chỉ là mối quan tâm của cô dâu chú rể mà còn là mối bận tâm của rất nhiều người xung quanh họ, nhất là những người không dư dả về tiền bạc nhưng phải nhận nhiều thiệp mời trong cùng một khoảng thời gian.
Cuối năm là mùa các đôi uyên ương tổ chức đám cưới.
Làm cả tháng không đủ tiền ăn cưới
Thời công nghệ, người ta không cần đèo nhau đến từng nhà để đưa thiệp mà có thể mời cưới online, nhận tiền mừng online, nên thật dễ dàng để cô dâu chủ rể "phát" thiệp đầy đủ cho tất cả những người quen biết. Vì thế vào mùa cưới, chuyện nhận được cả chồng thiệp là rất bình thường, nhất là với dân công sở, luôn có rất nhiều đồng nghiệp mới và cũ. Chuyện vợ chồng phải chia nhau ra để đi những đám cưới trùng nhau. hoặc phải đi vài ba đám cưới trong một ngày cũng không có gì lạ.
Ngoài vấn đề thời gian thì tiền mừng cưới cũng là nỗi lo đối với cả khách mời và gia đình có đám cưới. Tiền mừng là khoản chi không nhỏ đối với dân công sở, có lương ổn định ở mức thấp, trong khi tiền "phong bì" buộc phải tăng theo thời giá.
Chị Hương (29 tuổi, Bình Định) là giáo viên tiểu học. Với số lương mỗi tháng xấp xỉ 4 triệu đồng, chị phải chắt bóp mới đủ chi tiêu. Vào dịp cuối năm, bạn bè, đồng nghiệp cưới liên tục, chỉ cần chi tiền mừng là cả tháng lương “bay sạch”. Các đồng nghiệp của chị Hương cũng vậy, mỗi khi nhận được thiệp mời đều than thở: “Đi làm cả tháng chả đủ tiền để ăn cưới, kiểu này thì ngoài những ngày đi cưới ra chỉ hít không khí mà sống”.
Đây cũng là nỗi niềm của những cử nhân trẻ mới ra trường, lương của nhiều người trong số họ còn thấp hơn cả lương công nhân và người giúp việc. Dù thế, họ vẫn "nghiến răng" vì phải tỏ ra “đẹp mặt, đàng hoàng” trong các mối quan hệ xã hội.
Hoàng Long (23 tuổi, quê Phú Yên) kể: “Mình ra đi làm được 3 tháng, lương còn không đủ trả tiền thuê nhà chứ chưa nói đến tiền ăn uống, xăng xe… Thế mà từ hôm vào công ty đến giờ mình đã nhận được 4 cái thiệp mời, đầu tiên là anh trưởng phòng lấy vợ muộn. Cả phòng ai cũng vui mừng cho sếp, làm gì có chuyện sếp lấy vợ mà mình không đi. Sau đó là 3 đám cưới bạn. Mỗi đám cưới mình đi 3 trăm nghìn đồng, riêng đám cưới của sếp thì phải tiền triệu”.
Có thu nhập tốt hơn Long rất nhiều nhưng chị Hoàng Mai (TP Quy Nhơn, Bình định) cũng "toát mồ hôi" trong mùa cưới. Chị kể: “Lương tôi mỗi tháng được tầm chục triệu, thế mà thời gian này cũng vật vã vì được mời đi dự đám cưới quá nhiều. Như chị tạp vụ ở cơ quan tôi lương 3-4 triệu đồng mỗi tháng không biết xoay xở kiểu gì, vì người trong cơ quan cưới không ai dám không mời chị, sợ bị cho là không tôn trọng".
Hoàng Mai đầy ái ngại khi kể lại một tình huống của chị tạp vụ khi cả cơ quan đi ăn cưới một đồng nghiệp. Trước khi đi, chị ấy hỏi nhỏ mọi người về tiền mừng cưới, và cho vào phong bì 500 nghìn đồng theo mức chung. Sau một lúc tần ngần nghĩ ngợi, chị mở phong bì ra, bớt lại 200 nghìn đồng. Lúc đến đám cưới, ngồi vào bàn ăn, chị tạp vụ lại xé phong bì ra, nhét thêm 200 nghìn đồng vào rồi quay sang bảo Mai: "Đám cưới sang quá em ạ, chị tính sơ sơ mình đi 500 nghìn thì nhà họ vẫn lỗ!". Còn Hoàng Mai thì thấy xót ruột cho chị ấy, chắc tháng này các con chị lại phải ăn uống đạm bạc hơn.
Tiền mừng là nỗi lo của không ít người trong mùa cưới.
Không chỉ khách stress, mà cô dâu, chú rể cũng băn khoăn, căng thẳng không kém về chuyện tiền mừng cưới. Chi phí đặt tiệc là con số lớn, nên hầu hết các gia đình đều hy vọng số tiền mừng đủ để bù lại. Đó là chưa kể, mừng cưới với người Việt còn là cách "trả nợ miệng", nên chuyện ai mừng bao nhiêu cũng là vấn đề gây nhiều cảm xúc vui buồn, hẫng hụt...
Vũ Huyền (25 tuổi, Phú Yên) mới tổ chức đám cưới được hơn tuần. Trước đây, cô luôn tươm tất trong khoản mừng cưới bạn bè, thường "đi" nhiều hơn người khác. Nếu là bạn bè thông thường, Huyền thường bỏ phong bì 300 trăm nghìn đồng, bạn bè thân thiết thì từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Sau lễ cưới của chính mình, cô ngồi “kiểm” phong bì và thấy hơi buồn và hẫng hụt khi thấy cô bạn thân chỉ mừng 500 nghìn đồng, trong khi trước đây Huyền mừng cô ấy 1 triệu. "Đó là bạn thân nên tôi cảm thấy buồn, bực. Không phải buồn do thiệt 500 nghìn đồng mà vì cảm thấy người bạn đó không coi trọng mình, thấy tự ái hơn là tiếc”, Huyền tâm sự. Với những người không thân khác, việc họ mừng ít hơn số tiền được mừng trước đó khiến cô phật lòng vì cho là "họ không coi mình ra gì".
Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự để ý, so sánh về số tiền mừng cưới. Chú rể Đặng Giang (Tây Sơn, Bình Định) chia sẻ: “Chuyện tiền nong rất là nhạy cảm, không nên sòng phẳng với nhau quá. Này cưới là ngày vui của mình, bạn bè, người thân đến dự là mừng rồi, không nên vì chuyện tiền mà đánh mất tình cảm. Tình nghĩa vẫn phải hơn tiền bạc”.
Căng thẳng vì của hồi môn
Với các bậc phụ huynh, chuyện cưới xin của con cái vừa là niềm vui lớn, vừa là nỗi lo âu. Ngoài tiền cỗ bàn, sắm sửa, cha mẹ cô dâu còn phải lo khoản hồi môn cho con gái về nhà chồng, với quan niệm là phải có chút vốn liếng, của nả mang theo mới được gia đình chồng coi trọng. Muốn con gái “có giá” trong mắt nhà trai nên dù nghèo khó đến mấy, họ cũng cố dành ra ít tiền, sắm chút vàng, trang sức để trao trong hôn lễ.
Nhà Vũ Huyền cũng bởi chuyện này mà rơi vào cảnh tranh luận không ngớt. Trong khi cả nhà bàn nên mua bao nhiêu vàng để đẹp mặt với nhà trai thì bố Huyền bảo vợ: “Mình có bao nhiêu thì cho bấ́y nhiêu, không phải cố làm gì, kẻo sau đám cưới của con lại nai lưng ra trả nợ thì không ra làm sao cả”. Mẹ Huyền nghe vậy chỉ ậm ừ cho qua, nhưng vì không muốn con gái mình bị người đời chỉ trỏ, chê nghèo nên nhủ lòng bằng cách nào cũng phải tặng con món quà giá trị trước mặt tất cả khách khứa.
Chuẩn bị của hồi môn cho con gái đi lấy chồng là nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh.
Trong ngày cưới, bố Huyền sửng sốt khi thấy vợ trao cho con gái chiếc kiềng đến cả cây vàng. Cô, dì, chú bác cũng lên sân khấu tặng nhẫn, lắc tay. Quan khách đều trầm trồ trước số của hồi môn mà cô dâu nhận được, không biết rằng mẹ cô đã phải đi vay lãi để có tiền mua vàng.
Sau đám cưới, bố mẹ Huyền cãi nhau gay gắt vì chuyện hồi môn của con gái. Huyền sau đó cũng biết được và rất buồn. Cô đề nghị trả lại hết số vàng hồi môn cho bố mẹ bán đi trả nợ, nhưng hai người nhất định không đồng ý. “Bố mẹ tôi sợ sau này nhỡ nhà trai hỏi đến số của hồi môn mà bố mẹ cho, lúc đó tôi sẽ không biết ăn nói làm sao”, Vũ Huyền tâm sự. Cô xót cho bố mẹ vì sẽ phải nai lưng trả nợ, không chỉ riêng số tiền mua kiềng vàng hồi môn mà cả cho những nhẫn, lắc tay mà họ hàng tặng, bằng cách tặng lại món quà có giá trị tương tự khi con họ cưới.
Còn chị Thanh Trúc (28 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định ) tuy đã lấy chồng được 4 năm nhưng câu chuyện của hồi môn vẫn ám ảnh chị đến tận bây giờ. Về được nhà chồng một thời gian, chồng Trúc ngỏ ý mượn số vàng hồi môn đó, nhưng chị từ chối vì không muốn những món đồ bố mẹ cho bị bán đi. Với chị, nó mang ý nghĩa kỷ niệm thiêng liêng. Điều này khiến tình cảm vợ chồng có phần sứt mẻ. Mỗi lần cãi nhau, chồng Trúc lại đem chuyện của hồi môn ra đay nghiến vợ.
Ý thức được vấn đề tế nhị này nên không ít gia đình trao đổi thẳng thắn với thông gia từ trước, như trường hợp của Thanh Tâm (29 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định), người vừa làm đám cưới tháng trước. Khi hai gia đình gặp nhau bàn chuyện hôn lễ, nhà trai chủ động đặt vấn đề rằng điều quan trọng nhất là hạnh phúc của hai con chứ không phải sự thể hiện bên ngoài, vì thế có bao nhiêu cho bấy nhiêu, không cần cố, cũng không cần so sánh hai nhà với nhau. Hôn lễ của Tâm cũng không có màn trao của hồi môn trước mặt quan khách, coi đó là hoạt động riêng tư trong gia đình.
"Vì thế nên đám cưới của tôi không lo có sự so sánh, khen nhiều chê ít; sân khấu là nơi để mọi người ca hát chúc mừng cô dâu chú rể và vui với nhau", Tâm hạnh phúc chia sẻ.
Bình luận