• Zalo

Cần một giải pháp phù hợp để chặn những tác động lan truyền trong đăng kiểm

Tin nóngThứ Hai, 13/03/2023 11:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, ngành đăng kiểm cần một giải pháp phù hợp để ngăn chặn những tác động lan truyền gây ra những khủng hoảng cơ hội đối với xã hội.

Việc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà triệu tập một cuộc họp (có thể gọi là cuộc họp khẩn) với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an hôm 9/3 vừa qua, để thảo luận về các giải pháp gỡ tình trạng rối ren hiện nay tại các trung tâm đăng kiểm, cho thấy Chính phủ đã nhìn nhận được những xáo trộn rất lớn, tác động xã hội rất lớn, do vấn đề đăng kiểm đang gây ra.

Chúng ta cũng nhìn thấy qua các phương tiện truyền thông, thậm chí chính mỗi người dân đi đăng kiểm có thể thấy, những trung tâm đăng kiểm còn hoạt động trong những ngày qua (đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM) thường xuyên bị ùn tắc và người dân phải mất nhiều ngày đi đăng kiểm đã là một thực tế ngày càng đáng báo động.

Cần một giải pháp phù hợp để chặn những tác động lan truyền trong đăng kiểm - 1

Theo ước tính của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho đến tháng 6/2023, trong số 337.552 phương tiện đến hạn phải đăng kiểm tại Hà Nội, có nguy cơ khoảng 202.000 chiếc xe sẽ không thể đăng kiểm, vì năng lực của hệ thống đăng kiểm hiện tại (đang còn hoạt động) sẽ không đáp ứng được.

Con số này với TP.HCM là khoảng 190.000 trong số 275.000 xe không thể đăng kiểm. Với cả nước thì năng lực của các trung tâm đăng kiểm sẽ chỉ đáp ứng được khoảng một nửa trong số 1,8 triệu phương tiện đến hạn đăng kiểm, tức là sẽ có khoảng 900.000 xe sẽ không thể đăng kiểm đúng hạn.

Đó không chỉ là câu chuyện xáo trộn xã hội, mà còn là một sự lãng phí vô cùng to lớn đối với các nguồn lực xã hội, một sự lãng phí vô lý!

Để có thể thay đổi điều này, tôi nghĩ sẽ có 2 câu chuyện cần giải quyết. Đó là phải có những biện pháp ngay lập tức và có những thay đổi căn bản.

Với biện pháp ngay lập tức, đó là việc ban hành Thông tư mới, hoặc sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, để các cơ sở bảo dưỡng có thể thực hiện việc đăng kiểm.

Tất nhiên, sẽ cần nhiều thời gian, thậm chí nhiều hơn con số 3-4 tháng tới để ban hành. Thứ hai, nếu cơ quan quản lý nhà nước cho phép các cơ sở bảo dưỡng xe được làm nhiệm vụ đăng kiểm, nhưng với các quy định như hiện nay, thì không chắc các cơ sở bảo dưỡng xe họ đã mặn mà tham gia.

Tôi cho rằng, trong thẩm quyền của mình, Bộ trưởng GTVT có thể làm được một số việc, trước hết là giải tỏa được bức xúc xã hội và đảm bảo an toàn cả sự an toàn cho giao thông đường bộ.

Thứ nhất, để giảm tải cho hệ thống đăng kiểm, nên chăng gia hạn thời hạn đăng kiểm ít nhất trong 6 tháng tới, cho các phương tiện cá nhân dưới 15 năm, các phương tiện không kinh doanh.

Thực tế, trong 15 năm qua, xe cộ của chúng ta rất tốt. Và ở các quốc gia khác, người ta cũng thường quy định, việc kiểm định với các xe cũ 2 năm/lần. Còn ở Việt Nam, sau 2,5 năm đầu tiên, đã bắt đi kiểm định 1,5 năm/lần. Việc gia hạn 6 tháng như vậy, tôi thấy không có vấn đề gì.

Trong khi đó, nên dành dịch vụ đăng kiểm, nên ưu tiên sử dụng dịch vụ đăng kiểm để kiểm định cho xe chở khách, xe buýt, taxi và xe tải. Tôi nghĩ, nó sẽ vừa đáp ứng được việc giải tỏa bức xúc của xã hội, vừa giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động của xã hội về kinh doanh vận tải không bị ách tắc.

Thứ hai, Bộ trưởng GTVT có thể đưa một quyết định đặc thù để miễn ngay việc kiểm định xe mới (tất nhiên, mặc dù còn nhiều cách tiếp cận trong dự thảo Thông tư hiện nay tôi nghĩ là nó chưa ổn). Nhưng nên làm việc đó ngay, để mọi người không phải đưa phương tiện đến các trung tâm đăng kiểm gây ra ùn tắc.

Đó là hai việc trước mắt, để có thể giải tỏa tình trạng ùn tắc đăng kiểm.

Nhưng việc lâu dài hơn, tôi nghĩ Bộ trưởng GTVT cũng nên chỉ đạo xây dựng lại Thông tư về đăng kiểm, về hoạt động đăng kiểm một cách nghiêm túc, tử tế. Quan trọng nhất là phải rà soát và bỏ hết các yếu tố tham nhũng chính sách ở trong đó.

Ví dụ như không thể để trong quá trình đăng kiểm, sử dụng quá nhiều yếu tố định tính, dẫn đến tình trạng các nhân viên đăng kiểm có thể muốn nói đúng cũng được, mà nói sai cũng được.

Không có lý do gì để cùng một chiếc xe ô tô ở Nhật Bản, Hàn Quốc phải sau 3-4 năm mới phải đến làm kiểm định lần đầu, rồi sau đó là mỗi 2 năm/lần mới phải đi làm kiểm định. Còn chúng ta phải làm kiểm định từ lúc xe còn mới, rồi sau đó là 1,5 năm/lần, thậm chí là 6 tháng/lần, hay 3 tháng/lần.

Bộ trưởng GTVT sẽ cần phải rất quyết liệt thì mới có thể thay đổi, bằng việc xây dựng một thể chế một thông tư, một quy phạm pháp luật phù hợp, tránh những vấn đề bất cập như vậy.

Những việc này, hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ GTVT để đưa ra những quyết định có hiệu lực ngay, để giải tỏa được những căng thẳng cho người dân, cho doanh nghiệp đang phải chịu đựng.

Chúng ta cũng mong, từ những bức xúc của người dân, với sự rốt ráo của Chính phủ, người dân sẽ sớm nhìn thấy những hành động phù hợp từ Bộ GTVT, để phần nào có thể giải tỏa được bất cập hiện nay trong hệ thống đăng kiểm.

Phạm Quang Vinh(VOV Giao thông)
Bình luận
vtcnews.vn