• Zalo

Cần làm gì để vượt qua 'bẫy kinh tế COVID-19'?

Tài chínhThứ Sáu, 04/09/2020 14:09:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để vượt qua “bẫy kinh tế COVID-19”, nước ta cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước, quốc tế, khu vực và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, diễn biến kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối diện với những rủi ro do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, tình hình thiên tai… cũng đặt thêm thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế của nhiều nước trên thế giới.

Kinh tế trong nước tiếp tục chứng kiến những diễn biến khó kiểm soát của dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại.

Cần làm gì để vượt qua 'bẫy kinh tế COVID-19'? - 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trong bối cảnh đó, để vượt qua “bẫy kinh tế COVID-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nước ta cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế, trong đó bao gồm: Chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới.

Giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp. Tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước với gần 100 triệu dân và tâm thế vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước…

Ông Dũng nhấn mạnh, dự báo trong các tháng tiếp theo, nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó bao gồm: Sự suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh bùng phát lần 2 gây tổn thất trực tiếp và gián tiếp đến các lĩnh vực kinh tế. Diễn biến phức tạp trong căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Quy mô tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực. Suy giảm thương mại toàn cầu và kinh tế ở các đối tác thương mại chủ chốt, khả năng thâm hụt tài khóa cao hơn dẫn tới gia tăng nợ công và rủi ro từ hệ thống ngân hàng.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 ở Việt Nam gây ảnh hưởng tới tất cả các khu vực kinh tế, đặc biệt khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động cộng hưởng của 2 lần dịch bùng phát, chưa có thời gian để hồi phục.

Trong bối cảnh đó, để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy quyết liệt hơn nữa việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Dũng nêu quan điểm, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Tập trung đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm để tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn