• Zalo

Cần chuẩn bị những gì cho lần đầu đi xe điện?

Chuyển đổi xanhThứ Tư, 04/09/2024 11:24:00 +07:00Google News

Để vận hành xe điện cần lưu ý về quy tắc kiểm tra, cách vận hành để giữ sự an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Sạc xe đúng cách

Theo Báo Điện tử VOV, xe đạp điện, xe máy điện mới mua về phải sạc ít nhất 12 tiếng, trong 3 lần sạc đầu tiên, nên sạc từ đủ 12-14 tiếng. Những lần sạc sau đó, không nên sạc pin quá 12 tiếng liên tục. Chỉ sạc đủ thời gian theo thông số của từng loại xe và khi sạc chuyển sang đèn xanh.

Lưu ý khi dùng cách lấy ắc quy ra sạc nên để bình ắc quy ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp. Trong quá trình sạc không nên để bình dốc ngược lên, vì điều này khiến ắc quy nhanh hỏng.

Khi thấy xe chỉ còn khoảng từ 20% đến dưới 20% hãy cắm sạc, tránh để pin bị cạn kiệt năng lượng rồi mới sạc. Không nên sạc quá nhiều lần trong ngày, gây ảnh hưởng đến độ bền của pin và ắc quy. Để đảm bảo tuổi thọ ắc quy của xe, các nhà sản xuất khuyên người dùng nên rút sạc khi ắc quy đầy, không nên sạc cố khi pin đã 100%.

Nếu xe đạp, xe máy điện không được trang bị tính năng tự tắt nguồn điện khi đầy thì không nên sạc điện qua đêm. Pin sẽ bị quá tải do lượng điện lớn được nạp suốt đêm. Từ đó dễ gây tình trạng chai pin, phồng pin, dễ bị hỏng hoặc thậm chí là gây cháy nổ.

Thực tế có một số trường hợp pin và bình ắc quy đã đầy, nhưng xe chỉ đi được một đoạn thì ngắt là dấu hiệu pin chai, cần phải thay pin và bình ắc quy ngay, tránh việc đang di chuyển bị hết ắc quy. Nếu quan sát thấy pin có dấu hiệu bị phồng, mặt của bình ắc quy bị ướt thì cũng cần thay mới để đảm bảo an toàn.

Những lưu ý khi sạc xe đạp, xe máy điện cần ghi nhớ:

- Đợi cho xe đạp, xe máy điện nguội rồi mới sạc, không nên sạc ngay sau khi vừa đi xe về, vì khi đó bình ắc quy và pin vẫn còn đang nóng, nếu cắm điện ngay rất dễ dẫn đến tình trạng chai, phồng và nhanh hỏng. Tốt nhất là để nguội khoảng 1 tiếng rồi mới cắm sạc.

- Trong quá trình sạc điện nên tắt động cơ của xe. Khi pin báo đầy 100% mới rút sạc, sau đó khởi động lại động cơ.

- Lựa chọn vị trí sạc khô ráo, thoáng mát, đặc biệt là tránh xa tầm tay của trẻ em.

- Đặc biệt cần lưu ý sử dụng sạc pin chính hãng, không nên mua những sạc trôi nổi trên thị trường vì sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa nguồn điện, dễ gây ra tình trạng chập, cháy.

Bảo quản xe điện khi không dùng trong dài hạn

Bạn nên để xe ở nơi mát mẻ, khoảng 20-30 độ C, tránh để dưới ánh nắng trực tiếp trong thời gian dài. Pin phải được duy trì với dung lượng trên 50%, nếu ít hơn pin sẽ nhanh cạn năng lượng và nhanh hỏng hơn.

Nếu không sử dụng trong thời gian dài, nên tháo ắc quy ra khỏi xe và bảo quản trong điều kiện khô ráo, không gần nơi có hóa chất, chất tẩy rửa.

Kiểm soát tốc độ

Theo Báo điện tử Vietnamnet, hiện nay hầu hết các dòng xe đạp điện và xe máy điện đều được thiết kế với vận tốc di chuyển nhanh, xe đạp điện 45km/h và xe máy điện 60km/h. Nhiều bạn thường di chuyển với vận tốc tối đa gây nguy hiểm cho bản thân và cả những người tham gia giao thông khác. Do vậy để đảm bảo an toàn thì người điểu khiển xe đạp điện và xe máy điện chỉ nên đi với vận tốc tối đa 25km/h đối với xe đạp điện, xe máy điện sẽ không quá 40km/h.

Xe đạp điện chỉ nên đi với vận tốc tối đa 25km một giờ. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Xe đạp điện chỉ nên đi với vận tốc tối đa 25km một giờ. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Kiểm tra kỹ thuật trước khi sử dụng

Theo VnExpress, đầu tiên là kiểm tra hai lốp trước và sau, không nên bơm quá căng cũng như để lốp non hơi. Tiếp theo là xem hệ thống phanh, tra dầu nếu cảm thấy bóp phanh bị cứng hoặc rít. Nếu xuất hiện tiếng kêu thì cần tra dầu ngay, tốt nhất là mỗi tháng một lần.

Ngoài ra cũng nên bôi mỡ phần trục trước, trục giữa 6 tháng 1 lần để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Dựng chân chống giữa và nhấn ga xem động cơ có hoạt động trơn tru hay có bị kẹt không. Sau đó xem xét dây nối giữa bình pin và động cơ, nếu bộ dây này có vấn đề (bị đứt hoặc nghẽn mạch), xe sẽ không thể kích hoạt được chức năng chạy điện.

Những lưu ý khi đi xe đạp điện:

- Trước khi vận hành cần kiểm tra các thiết bị trên xe về tính năng hoạt động và các thiết bị đi kèm còn đang hoạt động tốt.

- Người điều khiển ngồi lên yên xe và chống hai chân giữ thăng bằng xe. Nếu chở thêm người ngồi sau phải chắc chắn rằng người ngồi sau đã ngồi lên xe được an toàn.

- Kiểm tra trọng tải xe, không chở quá trọng tải xe cho phép.

- Gạt chân chống phụ nếu có.

- Ngồi an toàn trên xe rồi mới bật khóa điện.

- Trong quá trình lái xe bắt đầu ga nhẹ để xe có thể tăng tốc một cách dần dần, tránh tăng ga đột ngột.

- Không nên ga giật, lạng lách, phanh gấp trong quá trình xe chạy.

- Gặp chướng ngại vật dùng hai phanh phanh từ từ, trong quá trình phanh nên nhả hết tay ga.

- Kết thúc quá trình lái xe bóp phanh, nhả hết tay ga cho xe dừng hẳn.

- Nếu chở người phải quan sát an toàn đằng trước, đằng sau rồi mới cho người ngồi sau xuống xe.

- Tắt khóa điện trước khi xuống xe để tránh xe vận hành ngoài ý muốn.

Ngoài trang bị những kiến thức, kỹ năng trên, người dùng xe điện khi mua xe cần đến những đại lý xe uy tín, hãng xe uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, điều khiển xe cần sử dụng mũ bảo hiểm chính hãng khi lái xe, luôn mang theo giấy tờ xe và chấp hành luật giao thông đường bộ.

Ngọc Lâm(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn