Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2019; kế hoạch năm 2020.
Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung khác như đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghị quyết xóa nợ thuế, cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nước…
Tại tổ TP.HCM, các đại biểu đề cập việc xử lý gian lận thi cử gây chấn động dư luận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định bà rất bức xúc khi đạo đức của một số công chức đáng báo động.
“Có trường hợp ra tòa xử mà nói như ở hành tinh nào xuống, không còn gì gọi là liêm sỉ”, bà nói về thái độ trước tòa của một số cán bộ.
Theo bà Lan, với sai phạm như gian lận điểm thi, lẽ ra, cán bộ phải thấy có lỗi, nhận tội, thấy được vi phạm của mình đánh mất lòng tin của rất nhiều người, tương lai của nhiều con em. Ngày trước, kém 0,25-0,5 điểm, thí sinh đã không có cửa vào đại học. Thế nhưng, với việc nâng điểm hàng loạt ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, một số cán bộ lại chối bỏ một cách hết sức ấu trĩ.
Đại biểu Phong Lan khẳng định không thể chấp nhận việc cán bộ không có thái độ ăn năn, hối cải khi vụ việc bị phát hiện mà chỉ “điên cuồng phản ứng bằng mọi cách để thoát tội".
Nữ đại biểu đề nghị xem lại đạo đức công vụ, con người, không chấp nhận việc cán bộ quản lý nói một đàng làm một nẻo.
“Chúng ta cố gắng xây dựng để xã hội tốt đẹp hơn mà bây giờ, con cháu nhìn vào thấy không được”, bà Lan nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng lãnh đạo cần đánh giá, chỉ đạo nhằm tạo đồng thuận trước vấn đề gian lận thi cử. Vấn đề người dân đặt ra là trước những sai sót, vi phạm, khuyết điểm lớn như vậy, tính trung thực của các bộ và việc tôn trọng người dân như thế nào.
Cử tri đánh giá việc công bố vi phạm, nguyên nhân, cách xử lý như vừa qua là thiếu tôn trọng, coi thường nhân dân. Không cán bộ, lãnh đạo nào có con được nâng điểm nhận khuyết điểm. Đây là sự né tránh, không tạo được sự đồng thuận khiến người dân cảm thấy bị coi thường.
“Thậm chí, có người nói rằng thà không nhận khuyết điểm, không thi hành kỷ luật, không kiểm điểm và đừng công bố, họ còn cảm thấy đỡ hơn. Công bố rồi, người ta thấy có gì đó chua chát như bà con dòng họ nâng điểm vì quan tâm, quan hệ cá nhân, chứ không có tiền bạc gì. Người ta cho rằng cách nói đó thiếu trung thực”, bà nhấn mạnh.
Bà Tâm cũng cho rằng việc đánh giá, nhận định, đưa ra các hình thức xử lý phải mang tính răn đe cao hơn, là bài học kinh nghiệm để cán bộ không tái phạm.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Trong đó, những thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.
Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Các trường quân đội cũng trả về địa phương 7 trường hợp. Một số sinh viên khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.
Nhiều cán bộ cũng bị xem xét kỷ luật vì liên quan "đại án gian lận" của ngành giáo dục.
Bình luận