(VTC News) – Ông Hồ Nghĩa Dũng – Nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải có những chia sẻ về lộ trình cấm xe máy ở Việt Nam.
Tiếp tục chuyên đề "Cần có lộ trình cấm xe máy ở các đô thị lớn" do VTC News khởi xướng, bắt đầu bằng ý kiến của TS Lương Hoài Nam, cựu Tổng giám đốc Jetstar Pacific
, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Nghĩa Dũng - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.- Gần đây dư luận xôn xao bàn tán về lộ trình cấm xe máy ở Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Cấm ngay thì chưa cấm được đâu, phải có lộ trình và còn lâu dài, nan giải lắm.
- Tức là ông đồng tình với việc phải có lộ trình cấm xe máy?
Một đô thị hiện đại, giao thông công cộng bao giờ cũng phải là chủ đạo thì mới giải quyết được cơ bản các vấn đề giao thông đô thị.
Nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng |
Còn nếu cứ phát triển giao thông cá nhân thì không bao giờ tổ chức tốt được giao thông đô thị. Đó là một quy luật, kinh nghiệm ở các đô thị lớn trên thế giới.
Dần dần chúng ta cũng nên bỏ xe máy để hướng tới giao thông công cộng.
- Theo ông vì sao chúng ta chưa làm ngay được việc này?
Phải có hạ tầng tương đối đồng bộ rồi các phương tiện thay thế thì mới giảm dần được số lượng xe máy ở Việt Nam.
- Mất bao lâu thì chúng ta hoàn tất lộ trình này thưa ông?
Tôi nghĩ phải vài ba chục năm. Đó là đánh giá tương đối thôi, còn muốn chính xác phải có nghiên cứu khoa học.
- Xe máy đang được xem là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, làm mất mỹ quan đô thị…
|
Sự phát triển, bùng nổ của xe máy trong thời gian qua là một tất yếu của xã hội trong lúc kinh tế phát triển, nhưng chúng ta chưa kịp tổ chức giao thông công cộng và phát triển hạ tầng đồng bộ.
Không thể đổ thừa hết tất cả cho xe máy, nhưng chính xe máy là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta gặp khó trong việc tổ chức, quản lý giao thông, đặc biệt ở các thành phố lớn.
- Và còn được xem là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế nữa...
Trong một chừng mực, giai đoạn lịch sử nào đó, xe máy đóng góp cho sự phát triển xã hội đó chứ. Thử tưởng tượng thời gian qua nếu không có nó, ta cứ mãi đi bộ hay đi xe đạp thì đó mới là kìm hãm.
Nhưng nếu cứ kéo dài mãi thì không được, từ chuyện tốt sẽ trở thành nghịch cảnh.
Theo bạn, có nên cấm xe máy ở đô thị lớn?
|
- Khách quan nhìn nhận, xe máy đang gây ảnh hưởng thế nào tới người Việt Nam?
Nó vẫn đóng góp vào sự phát triển của xã hội, giúp giải quyết các nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của nhân dân. Nhưng vì nó phát triển quá mức, quá rầm rộ trong một đô thị chật hẹp như Hà Nội nên gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông, dẫn tới chuyện kẹt xe, tai nạn…
Ở thời điểm này, tôi thấy nó vẫn cần thiết cho sinh hoạt của mỗi người.
- Có ý kiến cho rằng muốn cấm xe máy thì nên xóa sổ các ngóc ngách – thứ đang làm rối tung quy hoạch đô thị. Ông có đồng tình không?
Ngóc ngách hình thành là do có yếu tố lịch sử. Thành phố của chúng ta từ xưa đã có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ và có nhiều phương tiện thích hợp với các ngõ, hẻm đó.
Giờ quy hoạch các đô thị lớn, từng bước chúng ta đã giải quyết được vấn đề đó. Nhưng để cải tạo các khu phố cũ thì cần thời gian, đôi khi chúng ta phải chấp nhận những gì lịch sử để lại.
Tuy nhiên, chắc chắn các quy hoạch mới phải đáp ứng được việc gắn với quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, phương tiện giao thông.
Chúng ta có thể cải tạo, mở rộng các ngõ, hẻm đó chứ bảo xóa sổ hoàn toàn, tôi nghĩ không bao giờ làm được điều đó.
- Có phải vì người Việt sính xe máy nên giá ô tô cao ngất ngưởng đến xa xỉ?
Tôi chưa có nghiên cứu về chuyện này.
- Người ta vẫn than thở do kinh tế khốn khó, chẳng đủ tiền đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng mới cho giao thông đô thị. Từ đó, họ phớt lờ lộ trình cấm xe máy?
Nhìn trực diện, văn hóa xe máy tạo ra những hình ảnh nhếch nhác |
Tất nhiên là đầu tư thì rất tốn kém, nhưng phải đầu tư. Nếu muốn có một đô thị hiện đại, dứt khoát phải có hệ thống giao thông công cộng. Vấn đề là vào thời điểm nào thì bắt đầu lộ trình đó thôi. Còn phải chờ khả năng chịu đựng của nền kinh tế và phải có sự tính toán.
Thế nhưng, xu hướng quy hoạch phải có lộ trình này và việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh…
- Nhìn sang các nước láng giềng còn nghèo hơn ta, như Myanmar hay Lào chẳng hạn, họ đã giải quyết tốt vấn đề hạn chế xe máy. Theo ông, vì sao họ làm được điều này?
Cần phải học tập họ. Văn hóa giao thông ở các nước phát triển rất hay. Họ rất coi trọng vỉa hè, coi trọng việc đi bộ. Đi bộ vài cây số là chuyện thường. Chúng ta phải học tập điều đó.
Bắc Kinh không phải đã thoát khỏi cảnh ùn tắc kéo dài, nhưng về cơ bản họ đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn. Họ đã tổ chức được hạ tầng giao thông tương đối hiện đại: có cả đường vành đai, đường cao tốc kết nối, hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống vận tải dành cho xe buýt nhanh, giao thông công cộng…
- Vậy theo ông khi nào chúng ta có thể đưa ra lộ trình cấm xe máy được?
Những nhà quy hoạch giao thông ở Việt Nam đã suy nghĩ tới vấn đề đó, nhưng thực tế kinh tế của đất nước chưa cho phép người ta làm ngay được chuyện này.
Tôi chưa biết lúc nào thì ta mới sẵn sàng cho lộ trình cấm xe máy được.
- Xin cảm ơn ông!
Theo bạn, có nên cấm xe máy ở đô thị lớn?
|
Mời độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến cho quan điểm Cần có lộ trình cấm xe máy tại các đô thị lớn ngay từ bây giờ ở ô thảo luận bên dưới.
Minh Quân
(thực hiện)
Bình luận