Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Từ Tuấn Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ước tính ngạt khói chiếm 50% – 80% nguyên nhân gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Tổn thương do nhiệt chủ yếu ở đường hô hấp trên. Tử vong sớm trong đám cháy chủ yếu do thiếu oxy, kết quả của nồng độ oxy thấp (do tiêu thụ nhanh chóng lượng oxy có sẵn trong quá trình đốt cháy) và hít phải khí CO, CN nồng độ cao.
Vị trí và mức độ nặng của tổn thương phụ thuộc vào một số yếu tố như nguồn lửa, kích thước của các hạt trong khói, thời gian tiếp xúc, độ hòa tan của khí và cách sơ cứu ban đầu.
Hướng dẫn chi tiết cách thoát hiểm khi cháy chung cư, nhà cao tầng.
Người bị ngạt thường có dấu hiệu ho, thở hụt hơi, khàn tiếng, thay đổi màu da, tổn thương mắt, bám bồ hóng, đau đầu, rối loạn ý thức. Tất cả các vụ hỏa hoạn, hầu hết đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau.
“Nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng khác nhau từ tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu ở nồng độ thấp đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật và hôn mê ở nồng độ cao”, bác sĩ cho biết thêm.
Hướng dẫn sơ cứu người bị ngạt khói
Theo bác sĩ Tuấn Anh, nếu gặp người bị ngạt khói cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy đến nơi an toàn, rộng rãi và thoáng mát. Gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Để nạn nhân ngồi xuống hoặc nằm nghiêng nếu tỉnh táo, sau đó nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến.
Sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói cần lưu ý, nếu họ có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần lấy ra để thông thoáng đường thở.
Trường hợp nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể từ 10 đến 20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy bớt bỏng rát.
Tuyệt đối không được dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm lên người nạn nhân. Do cơ thể nạn nhân đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần 2 dẫn đến bỏng lạnh.
Phòng ngừa hít phải khí độc
Để phòng ngừa hít phải khí độc, khi có cháy người dân không được hoảng loạn mà cần gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114. Sau đó, nạn nhân chạy ra ngoài ban công hoặc sân thượng tìm người giúp đỡ.
Khói nhẹ hơn không khí nên sẽ bay lên trên. Do đó, bạn hãy hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối để di chuyển, vì phía dưới sàn sẽ có đủ lượng oxy để thở và tránh ngạt khói.
Bạn lấy một mảnh vải, làm ẩm và để gần mũi, miệng. Nước sẽ lọc khí độc, ngăn hít khí độc vào người. Trong trường hợp bị kẹt trong phòng, bạn hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Bịt các kẽ hở xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính.
Nếu quần áo bị bắt lửa, bạn hãy nằm và lăn người cho đến khi lửa được dập. Ngoài ra, bạn cần xác định nguồn khói và hướng gió để chọn nơi lánh nạn hợp lý, giảm nguy cơ ngạt khói.
Phòng ngừa hoả hoạn
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ ngạt khói cần ngăn khả năng hỏa hoạn bằng cách, người dân cần lắp đặt thiết bị phát hiện khói trong mỗi phòng ngủ, bên ngoài mỗi khu vực ngủ và ở mọi tầng trong nhà.
Người dân không nổ xe máy, ô tô, chạy máy phát điện, động cơ diesel ở không gian kín như tầng hầm, gara, phòng đóng kín cửa, không đặt máy phát điện trong nhà ở. Nhà ở, tòa chung cư phải thiết kế hệ thống thông gió, đảm bảo không khí lưu thông tốt.
Cần lắp đặt máy dò khí carbon monoxide (CO) bên ngoài khu vực ngủ ở mỗi tầng trong nhà. Kiểm tra máy dò khói và khí carbon monoxide mỗi tháng và thay pin định kỳ.
Các gia đình nên lập kế hoạch thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn và thực hành kế hoạch đó với gia đình bạn và những người khác sống trong nhà bạn.
Tuyệt đối không vứt thuốc lá đang cháy, hoặc bật nến, máy sưởi không có người trông coi. Khi nấu ăn cần giám sát, tránh bỏ ra ngoài để phòng ngừa cháy nổ.
Bình luận