• Zalo

Làm gì để vượt qua tâm lý hoảng loạn sau đám cháy?

Tư vấnThứ Năm, 14/09/2023 11:35:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau hỏa hoạn, nạn nhân không chỉ đau khổ về tinh thần hoặc thương tích trên cơ thể, mà có thể còn bị sang chấn tâm lý, vậy làm gì để vượt qua?

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe tâm thần Bệnh viện E, người trải qua những sự việc như thảm họa tự nhiên, tai nạn giao thông, đám cháy, bạo lực, vấn đề đe dọa đến tính mạng, mất đi người thân... thường gặp sang chấn tâm lý.

Nỗi sợ hãi, lo âu có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào khi người này phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây sang chấn đó. Những vụ cháy, người sống sót hay người thân người bị nạn có thể đối mặt với sang chấn tâm lý.

Sang chấn tâm lý thường phát sinh ngay sau khi nạn nhân trải qua sự việc cận kề với cái chết, hay nhìn thấy những hình ảnh về tai nạn, hoả hoạn. Sang chấn có thể kéo dài trong thời gian ngắn (một tuần, một tháng), cũng có thể dài hơn, thậm chí sẽ theo họ suốt phần đời còn lại, tuy nhiên ở các mức độ khác nhau.

Hướng dẫn chi tiết cách thoát hiểm khi cháy chung cư, nhà cao tầng.

Giai đoạn đầu tiên có thể kéo dài từ một tuần đến một tháng sau khi xảy ra sự việc. Nạn nhân thường bị ám ảnh, sợ hãi, điều này thể hiện qua những giấc mơ, sự hồi hộp, bất an và hồi tưởng lại những hình ảnh bản thân đã trải nghiệm. Tùy vào mức độ sang chấn và tâm lý nạn nhân, những hình ảnh chỉ có thể là thoáng qua bình thường.

Nếu các biểu hiện này nghiêm trọng hơn như sợ hãi, lo lắng đến mức không thể tập trung, không thể đi làm hay không ra ngoài, thì cần áp dụng một số biện pháp đề phòng stress như chia sẻ sự lo lắng, sợ hãi với người thân.

Giai đoạn hai là sau một tháng đến sáu tháng sau sang chấn. Nếu những biểu hiện trên vẫn còn xảy ra nhiều, không cải thiện thì họ nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán, và có phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu tình trạng sang chấn tâm lý kéo dài sau sáu tháng, rất có thể tình trạng tâm lý của họ nặng nề hơn, rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài cần phải có sự can thiệp của bác sĩ điều trị.

Làm gì để vượt qua sang chấn tâm lý?

Theo bác sĩ Chung, mỗi người một cách vượt qua nỗi sợ hãi, sang chấn khác nhau. Người thích nghi được cũng có người không thể thích nghi được. Những người sau sang chấn có thể bị ám ảnh, sợ lửa, sợ khói, sợ vào phòng kín. Với trường hợp này cần gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.

Những người gặp sang chấn tâm lý không nên sử dụng các chất như rượu, cần sa, bóng cười. Nhiều người sau sang chấn họ thường tìm đến những chất hướng thần này để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhưng khi sử dụng những chất này không chỉ không giúp họ vượt qua sang chấn mà còn làm ảnh hưởng thêm đến tâm lý và sức khỏe.

Sau sang chấn chúng ta nên lấy lại tinh thần bằng cách chấp nhận những cảm xúc của mình và biết rằng phản ứng đau thương là quá trình. Bạn nên thổ lộ với người khác, dành thời gian với bạn bè và gia đình, đừng tự cô lập mình.

Bạn hãy chăm sóc bản thân bằng cách tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ. Bạn cần ngủ đủ để giữ sức khỏe tốt và có nhiều sinh lực, tìm về những sở thích, trở lại những hoạt động làm bạn vui hoặc bạn có thể tham gia nhóm hỗ trợ, trò chuyện với những người cùng có phản ứng đau thương. Điều này có thể giúp bạn được kết nối nhiều hơn.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn